Xóa sổ Bắc Xuyên?
Các Website khác - 24/05/2008

 

Chính quyền địa phương đã tính đến việc cho nổ mìn để vùi lấp hẳn các khu vực như thế này của huyện Bắc Xuyên.  Ảnh: cnsphoto
Trận động đất 8 độ Richter hôm 12-5 đã biến huyện Bắc Xuyên hơn ngàn năm tuổi của tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) thành bình địa. Gần mười ngày sau dư chấn (19-5), chính quyền huyện này đã lên kế hoạch xây dựng lại huyện mới.

Tuy nhiên khi tính toán kế hoạch di dời đã phát sinh vấn đề gây tranh cãi: giữ nguyên hiện trạng một Bắc Xuyên đổ nát để làm nơi tưởng niệm nạn nhân và giáo dục thế hệ sau, hay xóa sổ nơi này và xây dựng một Bắc Xuyên hoàn toàn mới?

Xóa sổ bằng thuốc nổ?

Một quan chức cho biết huyện Bắc Xuyên nằm trên vùng đứt gãy của địa chấn, xung quanh có nhiều núi dốc và hiểm trở, trong mười năm qua mỗi khi có mưa lớn và động đất nhỏ đều xảy ra lở núi và chuồi đất. Một bộ phận người dân tộc Hán bày tỏ ủng hộ phương án xóa sổ, vì trận động đất kinh hoàng hôm 12-5 đã làm họ khiếp sợ quá mức.

Theo Tân Hoa xã, tính đến ngày 23-5, số nạn nhân thiệt mạng của trận động đất ở Tứ Xuyên đã vượt hơn 55.200 người, gần 25.000 người mất tích và hơn 280.000 người bị thương. Ngày 23-5, trong cuộc họp về vấn đề tái thiết vùng chịu thiệt hại nặng nề do động đất diễn ra ở Bắc Kinh, ông Lý Thành Vân, phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên, cho biết tỉnh cần thời gian ba năm để xây dựng lại toàn bộ làng mạc, thị trấn... đã bị phá hủy. Tuy nhiên việc tái thiết còn đang rất khó khăn do dư chấn vẫn xuất hiện liên tục với cường độ mạnh.

Trong khi đó Trung tâm khí tượng Trung Quốc dự báo trong tuần tới khu vực tây nam Tứ Xuyên sẽ có mưa rất to kèm lở núi và đất chuồi, khiến dòng chảy của các sông, hồ, đập... bị chặn và gây lũ lụt lớn ở ba khu vực là huyện An, Thanh Xuyên và Bắc Xuyên. Hiện chính quyền tỉnh Tứ Xuyên đang tăng cường lực lượng canh giữ nghiêm ngặt khoảng 33 hồ, đập có nguy cơ vỡ bờ nhất trong khu vực này.

Một số quan chức địa phương cũng cho biết chính quyền huyện đang tính đến phương án xóa sổ Bắc Xuyên bằng thuốc nổ, song song đó sẽ phá luôn 1/2 dãy núi bao quanh Bắc Xuyên là núi Vương Gia Nham và Cảnh Gia Nham để chôn vùi vĩnh viễn Bắc Xuyên dưới lòng đất đá. Theo lời một quan chức địa phương, động thái này được cho là để ứng phó với nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra bất ngờ từ thượng nguồn các con sông trong vùng.

Vấn đề lịch sử và nhân đạo

Tuy nhiên, Tân Hoa xã đã dẫn ý kiến một bộ phận người dân thuộc tộc người Khương sống lâu năm ở vùng này phản đối phương án trên, bởi lẽ họ không muốn xóa sổ nơi mà tổ tiên họ đã gầy dựng hơn 1.000 năm qua. Ngoài ra, ông Lưu, cán bộ về hưu của huyện Bắc Xuyên, bức xúc bày tỏ: "Khả năng thi thể các nạn nhân ở Bắc Xuyên sẽ còn đâu đó dưới lòng đất, không thể lấy lên hết được nên việc giữ Bắc Xuyên hiện nay để lập khu tưởng niệm là hợp lý nhất. Người dân đồng tình với việc di dời xây dựng huyện mới nhưng xin đừng xóa bỏ nơi cũ”.

Giới chuyên gia lịch sử tỉnh Tứ Xuyên khẳng định Bắc Xuyên là huyện tự trị dân tộc Khương duy nhất của Trung Quốc, việc xóa bỏ cần phải suy nghĩ kỹ. Vấn đề bây giờ là chọn địa điểm di dời xây dựng lại huyện ở một nơi an toàn và phù hợp cho cuộc sống của người dân chứ không thể nói xóa bỏ là xóa bỏ, vì vấn đề này còn liên quan đến lịch sử của cả một tộc người cổ.

Chiều 22-5, Nhân Dân Nhật Báo dẫn nguồn thông tin từ ban chỉ huy cứu nạn động đất thuộc Sở Xây dựng thành phố Miên Dương xác nhận trước mắt chính quyền thành phố đã đề ra hai phương án về việc tái xây dựng huyện Bắc Xuyên: thứ nhất, phá hủy kiến trúc cũ của huyện Bắc Xuyên, sau đó sáp nhập với huyện An lân cận; thứ hai, chọn địa điểm mới và xây dựng một huyện Bắc Xuyên hoàn toàn mới. Kế hoạch này đang được trình lên cơ quan chức năng tỉnh Tứ Xuyên và Quốc vụ viện Trung Quốc xem xét phê duyệt.

Theo bản đồ hành chính Trung Quốc trước năm 1949, Bắc Xuyên có vị trí ở xã Vũ Lý thuộc huyện tự trị dân tộc Khương, đến năm 1951, chính quyền trung ương Trung Quốc đã dời huyện Bắc Xuyên đến thị trấn Khúc Sơn nằm ở một hẻm núi cao chính là vị trí Bắc Xuyên hiện nay.

 MỸ LOAN