“Ba đỉnh tam giác” ở VFF
Các Website khác - 28/12/2005
Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ (áo trắng) cũng phải có trách nhiệm liên đới khi để xảy ra vụ bán độ của U23 VN tại SEA Games 23. Ảnh: H. A
Cơ cấu hoạt động của bộ máy VFF khóa V có nguy cơ quay về lối mòn. Hơn 6 tháng sau khi bộ máy LĐBĐ VN (VFF) khóa V thành hình, cơ cấu tổ chức VFF đã bị xáo trộn khi Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Lê Thế Thọ từ chức.

Điều đáng nói là sau vụ từ chức của ông Thọ, VFF vẫn chưa gạt bỏ hết nguy cơ xảy ra hiện tượng “vết dầu loang”, dẫn đến khả năng xáo trộn lớn ở tổ chức này.

Tại sao chỉ mình ông Thọ chịu trách nhiệm?

Trong 4 nhiệm kỳ VFF trước đây, những rắc rối gây ra các cuộc khủng hoảng của tổ chức này đều bắt nguồn từ sự mất đoàn kết trong nội bộ VFF. Tuy nhiên, có sự khác biệt là 4 khóa trước, rắc rối chủ yếu xảy ra ở cuối nhiệm kỳ khi sự nhẫn nhịn chịu đựng giữa các thành viên VFF đã lên đến đỉnh điểm. Vậy có gì đặc biệt từ sự kiện Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ phải tự rút lui chỉ sau 6 tháng nhận nhiệm vụ?

Sau cuộc họp bất thường của Thường trực VFF vào đầu tuần, Phó Chủ tịch VFF Vũ Quang Vinh lên tiếng phủ nhận sự mâu thuẫn giữa 2 người đồng nghiệp Lê Thế Thọ- Lê Hùng Dũng. Theo ông Vinh, giữa ông Thọ và ông Dũng tuy có chuyện này chuyện kia nhưng chẳng qua là sự... hiểu nhầm, bởi cả hai đều quá tích cực lo cho bóng đá VN. Chính vì vậy, ông Vinh khẳng định, nội bộ Thường trực VFF rất đoàn kết!

Thế nhưng, cái sự “đoàn kết” đó xem ra khá mong manh, có thể rạn nứt lúc nào không biết, bất kể là người được cho là “vua gây sự” Lê Thế Thọ đã rút lui. Bởi lẽ, cái sự đoàn kết ấy có thể chỉ tồn tại trong một thời điểm, như việc Thường trực VFF có văn bản đồng ý quyết định từ chức của ông Thọ chỉ sau... 30 phút! Cách mà Thường trực VFF xử lý vụ tiêu cực của đội U23 VN, đặc biệt là đối với nguyên Phó Chủ tịch Lê Thế Thọ, làm người ta dễ nhận ra 3 đỉnh tam giác ở Thường trực VFF: ông Lê Thế Thọ bị tẩy chay, một mình một đỉnh; ông Vũ Quang Vinh “trung dung”; còn bộ ba Nguyễn Trọng Hỷ- Trần Quốc Tuấn- Lê Hùng Dũng gom về một đỉnh. Thế nên, không có gì khó hiểu khi cùng có mặt ở Bacolod động viên, theo dõi đội U23 VN thi đấu bằng kinh phí của chính VFF chi trả, nhưng bộ ba Hỷ- Tuấn- Dũng đều được “miễn dịch” về trách nhiệm đối với sự cố của U23 VN, trong khi ông Thọ lãnh đủ!

Không thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Có một chi tiết đáng lưu ý trong nhiều “sự cố” của ông Lê Thế Thọ: Lá phiếu bầu Văn Quyến là cầu thủ U23 VN xuất sắc nhất SEA Games 23. Ông Thọ phủ nhận đã bầu cho Văn Quyến và nói rằng, chính Tổng Thư ký (TTK) VFF Trần Quốc Tuấn đã liên lạc với ông để hỏi ý kiến về “phong độ của Văn Quyến” chứ ông không hề biết hình thù lá phiếu ra sao. (?)

Gạt bỏ ý nghĩ TTK Trần Quốc Tuấn đã bày mưu hại ông Thọ, rõ ràng lề lối làm việc rất nghiệp dư này là điều đáng suy nghĩ trong điều kiện VFF khóa V đặt tiêu chí “đổi mới- dân chủ- trí tuệ- trách nhiệm” làm khẩu hiệu hành động. Về mặt cá nhân, cách xử lý của ông Tuấn là không ổn vì chuyên gia trẻ tuổi này đường đường là người trực tiếp điều hành của bộ máy VFF, nên cách xử lý nghiệp dư này khó có thể coi là cái gương cho cấp dưới soi vào.

Hơn thế nữa, sau khi ông Thọ rút lui khỏi chiếc ghế phó chủ tịch phụ trách chuyên môn, Thường trực VFF đã tính đến phương án đưa TTK Trần Quốc Tuấn kiêm nhiệm. Song, nếu ông Tuấn giữ cả vai phó chủ tịch thì đã vi phạm nghiêm trọng vào chiến lược đổi mới bộ máy VFF: phân biệt rạch ròi giữa cấp quản lý và điều hành. Như thế, chẳng khác nào ông Tuấn “vừa đá bóng, vừa thổi còi”!

Dù ông Thọ rút lui, con tàu VFF khóa V vẫn tròng trành trong sóng dữ...

Tiên Tửu