Bài 7: Những việc cần làm ngay của VFF
Các Website khác - 04/01/2006
Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái (trái) bắt tay HLV Lê Thụy Hải trong lần thăm đội U23 VN trước ngày lên đường dự SEA Games - Ảnh: H.A

Đó là khẩn trương thực hiện kế hoạch ứng phó với khủng hoảng trên cơ sở chống tiêu cực triệt để và vạch ra cho được chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, dù phải chấp nhận làm lại từ đầu

Cơn “sóng thần tiêu cực” vừa phá sạch bóng đá Việt Nam (BĐVN), tạo nên một cú sốc cực lớn trong dư luận, xóa sạch niềm tin của người hâm mộ. Đó là thực tế không thể chối cãi. Nhưng không có điều gì không làm được nếu chúng ta biết nhìn thẳng vào sự thật.

Không chùn tay trước tiêu cực

Điều tưởng có tính nguyên tắc ấy ai cũng hiểu, nhưng làm không dễ. Liên tiếp các khóa của VFF đều đặt công tác chống tiêu cực lên hàng đầu, cuối cùng cũng phải... đầu hàng. Vì sao vậy? Đơn giản vì VFF thiếu kiên quyết, thiếu bản lĩnh, lệ thuộc quá nhiều vào cơ quan điều tra, trong khi đó lại quên mất mình là một tổ chức xã hội, đủ quyền sinh sát theo những điều luật của FIFA. Vì thế câu hỏi “chứng cứ đâu?” luôn làm cho VFF nhức đầu trong suốt thời gian qua. Mặt khác, “bệnh tiêu cực” của BĐVN đã trở thành mãn tính, để quá lâu nên khó chữa. Trên thực tế, người ta đã nợ nhau nhiều quá nên khó kỷ luật nhau, khó xử lý triệt để từng vụ việc, dẫn đến cách xử lý nửa vời, thiếu nghiêm túc, buông lỏng kỷ cương. Thái độ chùn tay trước tiêu cực đã từng xảy ra nhiều lần. Ngay cả trong khóa V này, thái độ đó vẫn tiếp diễn. Xin dẫn chứng: Tại Hội nghị Trọng tài vừa qua, trong báo cáo tổng kết của ông Nguyễn Ngọc Vinh (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài) có cái nhìn quá lạc quan, né tránh tiêu cực, trong khi xì-căng-đan trọng tài diễn ra trước mắt, hàng loạt trọng tài dính líu, một số trọng tài phải vào trại giam. Chẳng lẽ lãnh đạo VFF không biết cái báo cáo trật chìa ấy? Vô lý! Chỉ có “não trạng” chống tiêu cực nửa vời của VFF mới chấp nhận báo cáo thiếu trung thực ấy.

Cơn khủng hoảng đẩy BĐVN vào tận cùng của bi kịch, nhưng cũng là cơ hội để BĐVN quét sạch rác rưởi. Phải biết chấp nhận thực tế, chấp nhận sự tụt hậu nhất thời để làm lại từ đầu. Phải làm cho BĐVN thực sự sạch, không còn “H5N1 tiêu cực”, dù phải tổn thất lớn. VFF vừa có một số đề nghị có tính tích cực như đề nghị C14 điều tra một số trận đấu có dấu hiệu tiêu cực ở cấp độ đội tuyển. Có thể đó là chuyển biến đáng ghi nhận nhưng dư luận đang đòi hỏi VFF phải thực sự kiên quyết ở mặt trận quan trọng này.

VFF nên làm gì lúc này?

Xin trả lời: VFF đang tìm mọi cách để các giải ở mùa bóng 2006 chạy trơn tru. Đó cũng là một “canh bạc” lớn của chính VFF trong hoàn cảnh uy tín của BĐVN xuống đến mức thấp nhất. Nhưng dư luận đặt câu hỏi nóng bỏng hơn: VFF phải làm gì để đối phó với “cơn sóng thần” vừa qua? Có người nói VFF đang... đắp chăn, chưa tỉnh ngủ! Nói vậy hơi quá nhưng phải công nhận rằng sự ứng phó của VFF với “cơn sóng thần” vừa qua là thiếu bản lĩnh. VFF là một tổ chức xã hội có tính nhạy cảm cao, trong trường hợp này nên tổ chức ngay cuộc họp của ban chấp hành và có thông báo kết luận chính thức, để ổn định dư luận. Một tổ chức xã hội mà không tận dụng được chất xám của xã hội là điều không bình thường. Làm sao để công luận đứng về phía mình là điều Thường trực VFF phải suy nghĩ.

Trách nhiệm của Ủy ban TDTT

Với chức năng quản lý Nhà nước, ủy ban phải dũng cảm nhận trách nhiệm mới có thể giúp BĐVN làm lại từ đầu được. Khóa V của VFF mới hoạt động được 6 tháng đã lâm vào khủng hoảng khi ông Lê Thế Thọ, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, phải từ chức. Chiếc ghế “nhạy cảm” đó được xử lý ra sao, nhân sự Thường trực VFF còn lại có đủ bản lĩnh, năng lực để lèo lái VFF thoát khủng hoảng? Một kế hoạch giúp VFF đối phó với cơn khủng hoảng này một cách hiệu quả nhất phải được xây dựng ngay một cách khoa học, bởi chắc chắn cơn khủng hoảng này còn kéo dài.

Nói tóm lại, công việc trước mắt của VFF, của Ủy ban TDTT là một kế hoạch ứng phó với khủng hoảng, trên cơ sở chống tiêu cực một cách triệt để và cương quyết. Song song với việc thực hiện kế hoạch đó là vạch cho được một chiến lược để BĐVN phát triển đúng hướng.

HLV Phạm Huỳnh Tam Lang:

VFF đã để tiêu cực hoành hành quá lâu !

. Phóng viên: Thưa ông, ông có suy nghĩ gì khi BĐVN lâm vào khủng hoảng như hiện nay?

- HLV Phạm Huỳnh Tam Lang: Tôi rất buồn cho tình cảnh hiện tại của BĐVN, rất tiếc cho các cầu thủ đã dính vào tiêu cực. Sự thật họ đã phản bội người hâm mộ VN. Là một người làm bóng đá, gắn bó với bóng đá, tôi cảm thấy lo lắng trước tình trạng này, bởi bóng đá cần có công chúng, nhưng một khi công chúng hâm mộ đã ngán ngẩm và quay lưng với bóng đá thì bóng đá khó phát triển.

Theo tôi, cái gốc của vụ việc là ở sự giáo dục đạo đức cầu thủ. Các cầu thủ phải được dạy để hiểu bóng đá là một nghề và muốn tồn tại trong nghề đó, chỉ có tài năng, có chuyên môn không thôi chưa đủ. Cầu thủ muốn có chỗ đứng lâu dài trong công chúng thì cần phải có đạo đức tốt, không chỉ trên sân bóng mà cả cách hành xử trong xã hội. Nhưng rất tiếc hiện nay công tác giáo dục đạo đức cầu thủ đã bị các CLB và dường như cả VFF... bỏ quên. Thế nên, không ít cầu thủ hiện nay trên sân bóng thì chọn lối chơi thô bạo nhằm triệt hạ đối phương, ngoài đời thì làm quen với bia rượu, cờ bạc, hút xách... Khi bắt đầu nổi tiếng, họ đã quên ngay những giai đoạn khó khăn của mình để tạo dựng tên tuổi và bắt đầu đi vào con đường lầm lỗi.

. Ông có hy vọng với sự giúp đỡ của CQĐT, lần này tiêu cực sẽ bị tiêu diệt tận gốc?

- Với cách làm như hiện nay, chắc chắn tiêu cực sẽ giảm đi (chứ chưa chắc đã trừ được tận gốc, nếu VFF không chùn tay). Tuy nhiên, VFF đã để cho tiêu cực hoành hành BĐVN quá lâu, để xảy ra quá nhiều vụ việc lớn rồi mới xử lý một lúc là bất cập. Do vậy, BĐVN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn: cầu thủ giỏi mất hết (bởi khi mua độ, người ta thường nhắm vào những cầu thủ trụ cột), lòng tin của người hâm mộ sút giảm, thành tích, thứ hạng trên đấu trường quốc tế chắc chắn sẽ tụt giảm. Nhưng phải chấp nhận thực tế, chấp nhận sự thật để tìm cách đưa BĐVN vượt qua cơn khủng hoảng.

. Không ít cầu thủ ngày nay vào sân thi đấu mà chỉ nghĩ đến tiền, nó khác thời của thế hệ như ông?

- Tất nhiên, cuộc sống bây giờ không giống như thời tôi còn thi đấu. Giờ nhiều cầu thủ có được đời sống kinh tế dư dả nhờ đá bóng. Và những cầu thủ khác, dĩ nhiên, cũng muốn được như vậy. Nhưng tài năng mỗi người mỗi khác nên không phải ai cũng thành công nhờ đá bóng được. Một số người do quá nóng vội nên đã đi lạc hướng.

. Ông đánh giá như thế nào giai đoạn vừa qua của BĐVN?

- Đó là giai đoạn... khó nói của BĐVN. Có khá nhiều vụ tiêu cực đã xảy ra trong thời gian ấy, như vụ Trương Văn Dưỡng, vụ Chu Văn Mùi... và cả những vụ việc xảy ra trong 5 mùa giải thử nghiệm chuyên nghiệp. Nếu không có tiêu cực, trong thời gian đó cũng như trong hiện tại, BĐVN chắc chắn đã tiến xa hơn!

AN MỸ thực hiện

Nhóm PV TDTT

Xem loạt bài: Bóng đá VN: Từ tiêu cực đến tiêu cực