Bình luận viên mùa World Cup đắt "sô"
Các Website khác - 07/06/2006
Bình luận viên mùa World Cup:
Đắt "sô"

Ông
Nguyễn Văn Vinh.
Sự nở rộ của các tờ tin nhanh World Cup và cuộc chạy đua gắt gao của các đài truyền hình, từ đài trung ương đến địa phương, đã khiến cuộc cạnh tranh giành các bình luận viên có tiếng trở lên sôi nổi hơn bao giờ hết. Mùa World Cup này, một số bình luận viên đã có "thương hiệu" làm không hết việc và chạy sô... bở hơi tai.


Một trong những bình luận viên đắt khách nhất trong mùa World Cup này là Giám đốc kỹ thuật của HAGL Nguyễn Văn Vinh. Tên của bình luận viên nghiệp dư nhưng rất được mến mộ này có mặt ở danh sách của cả... 3 đài truyền hình: VTV3, VTC và HTV (TPHCM). Vị giám đốc kỹ thuật than thở, cả 3 đều là chỗ "quen biết" từ lâu cả nên rất khó từ chối.

"Thân này ví xẻ làm...3 được", giờ ông đang phải đau đầu để tìm cách "phân thân" ra 3 nơi. "10 ngày đầu World Cup tôi phải ra Hà Nội để bình luận cho VTV3, xen kẽ là VTC, sau đó trở lại TPHCM làm cho HTV, từ tứ kết, bán kết, chung kết lại trở ra Hà Nội" - ông Vinh xếp lịch.

Cũng bận rộn không kém là TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú. Bình luận viên nghiệp dư có tiếng này là khách mời trường quay của cả VTV, VTC và một đài HTV khác (Truyền hình Hà Nội).

Ông
Mai Đức Chung.
Dù vậy, với tiêu chí sự độc đáo cũng là yếu tố cạnh tranh, các đài truyền hình cũng cố gắng khai thác và lăngxê những gương mặt mới, độc đáo.

VTV đưa ra một danh sách 12 khách mời bình luận viên trong mùa World Cup này, trong đó có những cái tên quen mà lạ như cựu tuyển thủ QG Hồng Sơn, HLV Mai Đức Chung...., một bình luận viên "độc quyền" là nhà báo rất am hiểu bóng đá, đặc biệt là nước Đức - Vũ Chí Anh.

Đội ngũ khách mời của VTC cũng hùng hậu không kém với hơn chục người, từ cựu cầu thủ Đặng Gia Mẫn, Vũ Mạnh Hải, Trịnh Minh Huế đến các nhà báo Yên Ba, Nguyễn Lưu....

Trong cuộc đua với các đài trung ương, các đài địa phương có vẻ lép vế hơn về tầm ảnh hưởng để thu hút nhân tài. Nhưng chính vì thế, mỗi đài lại phải sáng tạo cách làm riêng. Truyền hình Hà Nội sau khi mua được bản quyền trích đoạn các trận đấu World Cup với giá rẻ bất ngờ (một người nhà đài tiết lộ là thấp hơn con số 100.000USD rất nhiều, thậm chí có khả năng còn được... cho không), cũng quyết tâm làm World Cup cho ra tấm ra món.

"Truyền hình Hà Nội là một trong những đài đi đầu về làm bình luận trực tiếp World Cup, nhưng năm nay, nhiều khách mời quen thuộc mà chúng tôi lăng xê đã bị các đài trung ương mời mất rồi. Nhưng cứ yên tâm đi. Chúng tôi sẽ có những "phát hiện" mới, đảm bảo sẽ rất bất ngờ. Ăn nhau là sự sáng tạo mà thôi" - bình luận viên Ngô Thanh của TH Hà Nội hứa hẹn.

Ông Vũ Chí Anh.
Thù lao cho mỗi buổi lên hình cũng là một sự cạnh tranh khá... tế nhị. Ở khía cạnh này, VTV và VTC cũng xứng đáng là kỳ phùng địch thủ, khi đưa ra hai con số cũng "sêm sêm" nhau. Trong khi VTV đưa ra giá sàn 400.000 đồng cho một buổi lên hình, thì VTC có khác chút ít, 400.000 đồng cho buổi phát sóng trước 22h, còn sau 22h tăng giá 500.000 đồng.

Với các đài địa phương, trong khi Truyền hình Hà Nội vẫn giữ mức... thiếu cạnh tranh (200.000/lần lên sóng), thì truyền hình Bình Dương xứng danh là "đại gia" khi có thể hét giá cao nhất 600.000 đồng thù lao cho một lần bình luận.

Nhưng hầu hết các khách mời đều cho rằng, thù lao chỉ là chuyện nhỏ, vui là chủ yếu. "Mỗi lần như thế cũng giống như mình tập thể dục cho cái đầu, xào lại những kiến thức mình đã chiêm nghiệm. Cũng là một cách để học rất lý thú" - ông Nguyễn Văn Vinh khẳng định. Thu Ngọc