Chuyện về những người dũng cảm
Các Website khác - 22/07/2008

Dù chưa hẳn là những VĐV hàng đầu thế giới nhưng câu chuyện về cuộc đời họ giống như những thước phim vừa cảm động, vừa ly kỳ. Như Lopez Lomong từ trẻ mồ côi trở thành VĐV điền kinh tài năng, kình ngư Grant Hackett năm lần bảy lượt vượt qua bệnh tật...

Lopez Lomong: "chạy để sống"

Lopez Lomong - VĐV "chạy để sống"

Ở tuổi 23, Lopez Lomong được xem như niềm hi vọng số 1 của Mỹ ở cự ly chạy 1.500m tại Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng để có được như ngày hôm nay, ít ai biết rằng chàng trai da màu này đã phải trải qua thời thơ ấu vừa kinh hoàng vừa đau khổ.

Sinh ra tại Kimotong, một vùng quê nghèo của đất nước Sudan. Năm 6 tuổi, gia đình Lopez Lomong phải dắt díu nhau chạy lên núi để tránh sự truy sát của quân đội Janjaweed trong thời nội chiến ở Sudan. Nhưng ba ngày sau, Lomong đã thất lạc người thân trên đường lẩn trốn và bị phiến quân bắt giữ.

Theo lời kể của Lomong, khi ấy có hơn 100 đứa trẻ bị tống vào một gian phòng chật hẹp. Tại đây, Lomong đã nhìn thấy những đứa trẻ cùng tuổi mình chết dần mỗi ngày do bệnh lỵ hoặc đói. Sau ba tuần bị giam giữ, Lomong được cứu thoát và đưa vào trại tị nạn tại Kakuma ở Kenya.

Sau mười năm sống trong trại tị nạn, Lomong được đưa sang Mỹ cùng với 3.800 đứa trẻ khác trong chiến dịch có tên gọi "Lost boys of Sudan" (tạm dịch là những đứa trẻ bị thất lạc của Sudan). Tại Mỹ, Lomong được nuôi trong gia đình của Robert, Barbara Rogers và được cho ăn học tử tế. Sau đó, Lomong tham gia điền kinh và trở thành nhà vô địch các trường đại học Mỹ ở cự ly 1.500m và 3.000m. Tháng 7-2007, anh được nhập tịch Mỹ và giành được một suất tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 cùng đội tuyển Mỹ ở cự ly 1.500m.

Sau tất cả, Lopez Lomong cho biết tài năng của anh bắt nguồn từ những lần "chạy giặc" để giành lấy sự sống.

Grant Hackett - "đội trưởng phi thường"

Grant Hackett-"đội trưởng phi thường" của đội tuyển bơi lội Úc

Báo chí Úc đã dùng biệt danh "đội trưởng phi thường" để gọi kình ngư 28 tuổi Grant Hackett. Sau 11 năm gắn bó với đường bơi, Hackett đã thu thập tất cả danh hiệu ở các nội dung bơi tự do và được đánh giá là một trong những VĐV bơi lội vĩ đại nhất của Úc và thế giới. Olympic Bắc Kinh 2008 sẽ là Olympic cuối cùng trong sự nghiệp của Hackett và anh đang hướng đến mục tiêu giành chiếc HCV thứ ba ở nội dung bơi 1.500m. Ngày 20-7, kình ngư cao 1,97m này cũng đã gây bất ngờ lớn khi phá kỷ lục thế giới ở cự ly 800m tự do.

Tuy cuộc đời không gian truân và vất vả như Lopez Lomong nhưng Hackett cũng đã vượt qua hàng loạt bệnh tật để trở thành tượng đài trên đường bơi. Cụ thể, Hackett từng bị chấn thương rất nặng ở vai phải năm 2005 và tưởng chừng phải giã từ sự nghiệp. Nhưng sau đó anh đã phấn đấu trở lại đường bơi. Và anh lại đánh bại bệnh hen suyễn, bệnh phổi...để có mặt tại Bắc Kinh.

Natalie du Toit - "cô gái dũng cảm"

Bị tai nạn xe, mất đi chân trái khi còn rất trẻ nhưng Natalie du Toit đã không đầu hàng số phận mà tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành một trong những VĐV khuyết tật vĩ đại nhất thế giới. Và cô gái người Nam Phi này còn "làm nên lịch sử" khi giành quyền tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 cự ly bơi 10km. Từ đây, Natalie du Toit đã trở thành VĐV khuyết tật đầu tiên trong lịch sử giành được quyền tham dự Olympic.

Ngoài ba cái tên trên, Olympic Bắc Kinh 2008 còn có những gương mặt đáng chú ý như: nữ kình ngư 41 tuổi Dara Torres, VĐV điền kinh Muna Lee, VĐV bơi lội Laure Manaudou...

QUỐC THẮNG tổng hợp