Trong phần hai của tự truyện, chàng tiền đạo của ĐTVN tiếp tục thổ lộ về những khó khăn khi phong độ không tốt, và còn bật mí về việc đang học đàn piano.
![]() |
Với Công Vinh, sự động viên từ gia đình, thấy Calisto và đồng đội đã làm nên thành công ngày hôm nay |
Chúng tôi gặp Công Vinh tại sảnh Khách sạn La Thành trong thời gian Vinh tập trung đội tuyển chuẩn bị cho các trận đấu vòng loại Châu Á. Nói chuyện một lúc thì mọi người xung quanh đó đều nhận ra Vinh. Ngay lập tức, mọi người tới gần, nghe Vinh kể chuyện, đề nghị đuợc chụp ảnh cùng. Vinh cuời nhỏ nhẹ và nhận lời.
Bây giờ thì Vinh đúng là một “người hùng”, được rất nhiều người dân Việt Nam quan tâm và nhớ đến. Nhưng chắc hẳn, những người đã theo dõi sự nghiệp thi đấu của Vinh, hay theo dõi giải AFF vừa rồi, không ai có thể quên được giây phút Vinh òa khóc ngay trên sân khi vẫn không thể ghi nổi bàn thắng sau nhiều trận.
Và Vinh tiếp tục chia sẻ về những cảm giác trong cuộc đời cầu thủ của mình.
![]() |
Công Vinh trong vòng vây của người hâm mộ tại sảnh khách sạn La Thành. |
Làm tiền đạo, sợ nhất bị người ta nói “tịt ngòi”
Quyết định ở lại để học bóng đá, tôi biết mình phải cố gắng hơn rất nhiều để không thua kém bạn bè.
Một năm sau đó, tôi tiến bộ rõ rệt. 18 tuổi, tôi được gọi vào đội tuyển U20 quốc gia và giữ băng đội trưởng. Sau đó tôi được lên đội 1 của Sông Lam Nghệ An và đá JVC cup ở Mỹ Đình. Đá tốt và được danh hiệu vua phá lưới, may mắn đã mỉm cười với tôi. Hồi đó, chỉ còn mười mấy ngày nữa là tới Seagames 22 tại Việt Nam, nhưng sau khi xem tôi đá tại giải đó, ông Riedl đã gọi ngay tôi vào đội tuyển quốc gia.
Cảm giác được có mặt trong đội tuyển quốc gia, được sánh vai cũng với những cầu thủ lớn, đứng vào vị trí mà trước đây những cầu thủ lẫy lừng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức từng đứng, thực sự là một cảm giác rất đặc biệt. Tôi không được đá chính mà chỉ là cầu thủ dự bị, nhưng 18 tuổi, với tôi, như thế là một sự ghi nhận nào đó cố gắng của tôi trong suốt thời gian trước. Nó khiến tôi thấy rằng tôi không sai lầm khi ở lại và tiếp tục sự nghiệp cầu thủ.
Nhưng đời bóng đá bạc lắm. Bản thân tôi trong 10 năm làm cầu thủ cũng đã gặp đủ những thăng trầm rồi. Khi tôi thi đấu thành công, mọi người tung hô và nhớ đến tôi. Nhưng nếu một vài trận ở những giải quan trọng mà không ghi được bàn là ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Họ gọi tôi bằng cái từ “tịt ngòi”. Làm tiền đạo mà bị nói là “tịt ngòi” thì làm gì còn cái gì đau hơn, đáng sợ hơn. Làm tiền đạo mà không ghi nổi bàn thắng thì coi như vô dụng.
Năm 2005 là thời điểm đầu tiên mà tôi bị gọi là “tịt ngòi”, khi trước Seagames 23, rất nhiều trận đấu tôi đã không thể ghi được bàn. Tôi đã từng khổ sở, thậm chí phải khóc khi trong giải LG Cup và Agribank Cup tôi không thể ghi bàn. Phải đến khi ghi 4 bàn trong trận gặp đội tuyển Lào ở Seagames 22, tôi mới giải tỏa được tâm lí.
Năm 2008, một lần nữa chuyện tồi tệ lại xảy đến với tôi, trong một giải đấu mà toàn dân tộc đều khát khao chiến thắng. Khi đá vòng bảng, thi đấu không tốt, không ghi được bàn, tôi bị chỉ trích nhiều lắm, thậm chí nhiều người miệt thị. Đá xong một trận, tôi lại về đóng cửa phòng, không nói chuyện với ai, tôi như là bị trầm cảm, suy nghĩ rất nhiều và buồn. Thậm chí tôi đã nghĩ đến chuyện buông xuôi vì được sự tin yêu của người hâm mộ, HLV tin tưởng mà tôi không làm đuợc gì. 5 năm tôi thi đấu tốt thì không sao, nhưng chỉ cần 3 trận không ghi được bàn thẳng, tôi như trở thành kẻ tội đồ. Về Việt Nam tôi không dám ra đường, không dám gọi điện cho gia đình.
Không có bố mẹ, không có thầy "Tô", chắc tôi không gượng lên được
Một điều tồi tệ nữa mà tôi phải hứng chịu trong thời gian đó là sức ép từ dư luận, từ báo chí. Trước đó, chuyện tình cảm của tôi không suôn sẻ. Và ngay lập tức, nhiều người nói rằng vì chuyện đó mà tôi sa sút phong độ, đá tồi. Nhưng sự thật thì đâu phải thế. Chuyện tình cảm chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi vẫn luôn có tham vọng trở thành một cầu thủ lớn, có một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp, vì thế, tôi cũng đã tự tạo áp lực nặng nề cho chính mình.
Trong trận gặp Lào hôm 10/12 - đúng ngày sinh nhật lần thứ 24 của tôi, tôi đã nghĩ rằng trận đó sẽ là trận để giải tỏa tâm lí, ghi được bàn thắng và tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng tôi không làm được điều đó. Hết hiệp 1 tôi bị thay ra. Tôi ngã sụp, tai như ù đi, tôi òa khóc, nghĩ rằng mình mất tất cả rồi, nghĩ rằng mọi thứ với tôi thế là chấm dứt rồi, sự nghiệp vứt rồi không còn cái gì nữa. Một sinh nhật buồn nhất và cô đơn nhất trong cuộc đời.
Nhưng cũng đúng thời điểm đó, có một câu nói của thầy Calisto ở cuối trận mà tôi không bao giờ có thể quên. Cuối trận gặp Lào, ông nói với tôi rằng, cứ bình tĩnh, ông không cần tôi ở trận đấu này, ông cần tôi ở trận đấu khác. Sự tin tưởng không thay đổi vào đúng lúc tuyệt vọng nhất khiến tôi nghĩ rằng mình chưa hoàn toàn vô dụng.
Rồi bố và mẹ lần lượt gọi điện, động viên tôi thực sự làm tôi ấm lòng hơn. Tôi không phải là một kẻ cô độc, tôi còn có rất nhiều người thân bên canh, rất nhiều thứ ngoài bóng đá. Vì thế, tôi không thể coi những chuyện đã xảy ra là dấu chấm hết, phải có niềm tin.
Và tôi làm được. Trận chung kết với Thái Lan là một trận đấu trong mơ của tôi, ở đó có khoảnh khắc lịch sử mà cả đời tôi sẽ không thể nào quên được.
![]() |
Giây phút Vinh trở thành người hùng của trận đấu. |
Tôi không hề nghĩ mình là người nổi tiếng
Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ tôi là một người nổi tiếng. Trên sân đấu, mọi nguời gọi tên tôi, ủng hộ tôi, đó là điều mà cầu thủ nào cũng khao khát. Bây giờ đi ra đường ai cũng biết, đó là một niềm hạnh phúc.
![]() |
Công Vinh và người hâm mộ (Ảnh FC Công Vinh) |
Nhưng ra khỏi trận đấu, tôi trở về là một Công Vinh sống nội tâm, chỉ có mối quan tâm lớn nhất tới gia đình và có những sở thích bình thường như bao người khác. Tôi thích đi ăn uống ở những quán ăn vỉa hè, nghe nhạc trẻ, nhạc hip hop, đọc truyện tranh - Phong Vân, Tứ đại danh bộ..., đọc báo và học thêm tiếng Anh.
Tôi đang học cả piano. Điều này nghe có vẻ kì lạ đối với một cầu thủ bóng đá nhưng tôi đá bắt đầu học rồi. Tôi thích đắm mình trong âm nhạc, thưởng thức một giai điệu nhẹ nhàng để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Và cho đến bây giờ, điều khiến tôi tự hào nhất và vui nhất trong cuộc đời mình là tôi đã có thể lo được cuộc sống tốt hơn cho gia đình của mình. Bố mẹ tôi bây giờ đều đã già yếu rồi nên tôi phải là trụ cột gánh vác.Vì thế, khi đón bố ra tù, rồi dần dần lo được công việc cho bố, mua được xe, năm vừa rồi thì mua được nhà để bố không phải sống nhà thuê lúc tuổi già, tôi như thấy nhẹ lòng. Bố mẹ đã bớt khổ, bớt cơ cực rồi.
Hai chị dù lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn và tôi cũng cố gắng giúp đỡ hai chị. Còn em Chi thì tôi sẽ lo cho em học hết đại học, giúp em xin việc sau khi ra trường là tôi cũng đã yên tâm về em rồi.
Trước đây, việc chèo chống gia đình với tôi là việc quá khó khăn, tưởng chừng không thể làm nổi. Nhưng bây giờ thì tôi đã làm được.
Chuyện tình cảm của tôi rùm xùm trong suốt thời gian qua có lẽ là bởi vì người ta đang chú ý tới tôi nhiều quá. Nhưng thực sự, từ giờ về sau, tôi không còn muốn chia sẻ về chuyện này nữa. Đó là chuyện của riêng tôi và sẽ giữ cho mình.
Bây giờ, tôi đang chẳng có ai. Và những điều tôi quan tâm nhất sẽ chỉ là sự nghiệp và gia đình của tôi... Trước mắt là vòng loại châu Á. Sau 28 tết đá ở Trung Quốc tôi sẽ được về nhà ăn Tết. Năm nay, tôi chỉ được ở nhà ăn Tết 3 ngày, mùng 2 đã phải ra Hà Nội tập trung với đội T&T. Làm cầu thủ, nhiều lúc tôi phải hi sinh thời gian dành cho gia đình, người thân. Nhưng tôi chấp nhận. Tôi phải cống hiến hết sức mình đã. Sau này, tôi sẽ còn nhiều thời gian để tận hưởng...
Theo Kênh 14
▪ Thua đậm tuyển TQ: Ông Tô… biết từ lâu rồi! (22/01/2009)
▪ Giá lạnh Hàng Châu quật ngã ĐT Việt Nam (22/01/2009)
▪ Chùm ảnh: Khi ông "Tô" và học trò thất thế (22/01/2009)
▪ Những sự kiện thể thao đáng xem trong dịp tết (22/01/2009)
▪ Thất bại mang đến nhiều bài học cho thầy trò Calisto (22/01/2009)
▪ Tuyển Việt Nam thua đậm chủ nhà Trung Quốc (22/01/2009)
▪ Man City tố Milan thất tín và bố Kaka hám tiền (21/01/2009)
▪ Kaka hé lộ khả năng đầu quân cho Real Madrid (21/01/2009)
▪ Trận Việt Nam - Trung Quốc được VTV phát sóng trực tiếp (21/01/2009)
▪ Vợ chồng Becks 'diễn' trong phòng ngủ (21/01/2009)