Được và mất
Các Website khác - 24/04/2006
Được và mất

Quang Minh
Nhân bài viết về chuyến đi tập huấn Bulgaria 18 tháng của đội U.18 Thể Công đăng trên báo Lao Động cách đây ít lâu, chúng tôi nhận được bức thư của một nhà giáo ở Hà Nội bày tỏ ý kiến về việc các em không được học văn hoá tiếp. Ông muốn thông qua báo Lao Động gửi tới lãnh đạo Cục Quân huấn hai sáng kiến, mong giúp các em được tiếp tục con đường học hành.

Văn Quyến và Issawa
(Thái Lan) tại SEA Games 22.
Kèm theo bức thư là một bản thuyết trình dự thảo dự án đưa giáo viên ra nước ngoài dạy học theo mô hình của Mỹ, đồng thời dự đoán trước lý do không có kinh phí như lãnh đạo CLB Thể Công từng viện dẫn, ông cũng đặt luôn ra phương án 2, tổ chức lớp học từ xa qua thư điện tử và cho biết sẵn lòng giúp Thể Công miễn phí trong việc tổ chức thực hiện công việc này. "Không phải vì tôi nhiều thời gian (tôi rất bận), nhưng tôi muốn giúp các anh để từ các anh làm lộ ra một cách làm việc khác cùng một lối tư duy khác để làm gương cho xã hội... Nếu tận dụng thời giờ của thanh niên thì họ sẽ đỡ rơi vào "nhàn cư" như những "đàn anh" hư hỏng vừa rồi".

1. Chợt nhớ đến cuộc trả lời phỏng vấn cũng mới đây của tuyển thủ Thái Lan Issawa trên một tờ báo thể thao. Khi được hỏi về nguyên nhân bóng đá Thái Lan hơn VN trong suốt bao nhiêu năm qua, Issawa đã lý giải từ một nguyên nhân... ngoài bóng đá: Các cầu thủ Thái Lan được học bóng đá từ trong trường học và tất cả các cầu thủ Thái Lan đều bắt buộc phải hoàn thành đầy đủ chương trình học phổ thông, cho dù ra nước ngoài luyện tập, nên họ có một nền tảng chuyên môn và kiến thức đầy đủ.

Còn Niweat Siriwong - trung vệ số 1 ĐT Thái Lan đang thi đấu ở VN, và là một cử nhân kinh tế - thì cho biết, tất cả các cầu thủ Thái Lan đều tự xác định dù đi hành nghề ở bất cứ đâu, việc trau dồi kiến thức cũng là nhiệm vụ hàng đầu, tất cả họ đều cố gắng học thêm tiếng Anh và ngôn ngữ của địa phương mà họ thi đấu. Nghe mà chợt liên tưởng đến lứa cầu thủ tài năng của VN đang dính vào vòng lao lý như Văn Quyến, Quốc Anh, Quốc Vượng, Bật Hiếu. Suy cho cùng tất cả nguyên nhân sâu xa cũng từ sự thiếu hiểu biết, nghèo học vấn.

2. "Giữa chuyện học hành và đá bóng, trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta chỉ được chọn một. Được cái này phải mất cái kia, chuyện học sau này có thể tiếp tục sau", trả lời câu hỏi của Lao Động làm sao để tiếp tục việc học cho các em, vị lãnh đạo CLB Thể Công đã nói thế để bảo vệ quan điểm tập trung vào chuyên môn, ngừng học văn hoá. Nhưng từ bài học của Thái Lan và tấm gương nhãn tiền của những Quyến, Vượng, Quốc Anh, nào ai đã dám chắc: Chúng ta sẽ được cái gì và mất cái gì, nếu chọn con đường mạo hiểm đó? Bài học của Thể Công chắc chắn cũng không phải là của riêng CLB này, mà còn dành cho nhiều CLB khác của bóng đá VN.