Đường đến Olympic: Quyết vượt vũ môn
Các Website khác - 26/03/2008
Hoàng Anh Tuấn, một trong những hi vọng Vàng của thể thao VN. Ảnh: Hoàng Minh

Giadinh.net - Kể từ Olympic Sidney 2000 với tấm Huy chương Bạc của nữ võ sỹ Teakwondo Trần Hiếu Ngân, thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn chưa có thêm một lần được xướng tên mình tại đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới.

Giấc mơ đoạt huy chương kéo dài ròng rã 8 năm đang trở nên cháy bỏng.

Về lí thuyết, chúng ta có cơ hội lớn để cụ thể hóa tham vọng ấy, nhưng thực tế khó khăn song hành lại đặt ra những bài toán không dễ giải chút nào.

Huy chương – vì vị thế thể thao nước nhà

20 suất chính thức tham dự Olympic, một con số kỉ lục của TTVN từ trước đến nay và kỷ lục này cũng đặt ra mục tiêu lớn, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả vận động viên lẫn những người làm thể thao nước nhà từ nay đến tháng 8.

Có điều, đó chắc chắn chưa phải là mục tiêu lớn nhất mà TTVN đặt ra để tự nâng tầm mình, trong một năm mọi tinh hoa của thể thao thế giới đều hội tụ về Bắc Kinh và mọi con mắt chú ý của hơn 6 tỷ người hâm mộ trên khắp hành tinh cùng hướng về Olympic.

Sự thực là 8 năm kể từ khi VĐV Trần Hiếu Ngân mang về tấm HCB Teakwondo đối kháng (nữ), TTVN im tiếng ở đấu trường Olympic. Nhìn sang các nước trong khu vực, như Thái Lan hay Indonesia, kì Olympic nào họ cũng “rinh” ít nhất 5 đến 6 HCV (tổng số huy chương trên dưới 20). Ngay cả Phillipines, đối thủ chúng ta luôn “bỏ xa” tại các kì đại hội khu vực (SEA Games) cũng thường ổn định với thành tích từ 2 – 3 lần bước lên bục cao nhất.

Qua rồi cái thời SEA Games là thước đo lớn nhất và duy nhất của nhiều nước trong khu vực. Thái Lan, Indonesia từ lâu đã đặt SEA Games xuống hàng... mục tiêu thứ yếu. Tầm vóc nền thể thao của họ giờ chỉ được khẳng định bằng thành tích tại đấu trường Olympic.

Xét trên khía cạnh đó, chúng ta đã bị các nước trong khu vực bỏ lại phía sau một khoảng cách xa. Bởi vậy, mục tiêu lớn của TTVN trước thềm Olympic Bắc Kinh không gì khác ngoài việc... dần san lấp khoảng cách này, bằng những tấm huy chương cao quý.

Mục tiêu ấy được thể hiện qua số lượng VĐV được tập trung đầu tư chuẩn bị cho Olympic rất đông đảo, 70 VĐV (từ đó hy vọng sàng lọc được 20 VĐV chính thức giành quyền dự Olympic).

Những bài toán nan giải

Theo một số nhà làm thể thao, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tại kỳ Olympic này, Việt Nam có nhiều môn có thể đoạt huy chương, và... đầu tiên là Wushu.

Mặc dù trải qua cuộc “thay máu” về lực lượng, đội tuyển Wushu hứa hẹn sẽ giành được ít nhất 1 huy chương Vàng (và có thể nhiều huy chương các loại). Bởi xét trên bình diện thế giới, trình độ của các VĐV Wushu Việt Nam hiện nay chỉ thua kém Trung Quốc, nơi phát tích của môn thể thao này. Còn các đối thủ đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, dù đã có sự đầu tư phát triển mạnh mẽ, song vẫn chưa đủ sức cạnh tranh cùng những gương mặt tài năng như Thùy Linh, Trà My...

Bên cạnh Wushu, Bóng bàn (Đoàn Kiến Quốc), Điền kinh (có ít nhất 1 suất đặc cách) và Đấu kiếm (1 suất đặc cách) góp mặt tại đấu trường Olympic. Nhưng người hâm mộ cũng chẳng nên trông chờ gì vào thành tích từ các môn này, bởi trình độ VĐV của ta còn một khoảng cách nhất định so với mặt bằng thế giới và hầu hết VĐV này đến Bắc Kinh chỉ với mục tiêu học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.

Nếu nhìn vào thực tế, cơ hội giành huy chương của TTVN sẽ chỉ tập trung vào Cử tạ và Teakwondo. Riêng Cử tạ, VĐV Hoàng Anh Tuấn đang là ĐKVĐ châu Á (hạng – 56kg) và chỉ có duy nhất một đối thủ cạnh tranh là Li Zheng (Trung Quốc). Trong khi đó, Teakwondo vẫn duy trì được sức mạnh truyền thống, với nhiều tên tuổi như Nguyễn Trọng Cường hay “độc cô cầu bại” Nguyễn Văn Hùng.

Có điều, theo dự toán mới được báo cáo thì để giành huy chương, Teakwondo cần được đầu tư ít nhất 500.000 USD cho công tác tập huấn, chuẩn bị. Khoản tiền này quá lớn và dù đã hết sức cố gắng, lãnh đạo ngành thể thao chỉ có thể đáp ứng khoảng 50% (tức gần 250.000 USD). Với mức độ đầu tư như vậy, theo TTK Liên đoàn Teakwondo Việt Nam là “chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế cho các VĐV”.

Trong khi đó, với “niềm hy vọng Vàng” Hoàng Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Cử tạ Đỗ Đình Kháng đã trình đề xuất đầu tư trọng điểm 60.000 USD. Song cũng như Teakwondo, những khó khăn về tài chính cũng khiến việc “rót tiền” gặp nhiều trở ngại. Hoàng Anh Tuấn nhiều khả năng sẽ phải tự khắc phục sự thiếu thốn để nỗ lực hướng về mục tiêu “giật” Vàng Olympic.

Bên cạnh những khó khăn về tài chính, điều khiến nhiều lãnh đạo ngành thể thao đau đầu là phong độ của nhà vô địch cử tạ châu Á này, hiện không thực sự tốt. Mức tạ tối thiểu để giành “Vàng” tại Olympic (ở hạng cân của Tuấn) là trên 290 kg. Tuy nhiên, thời gian qua, Tuấn không mấy khi duy trì được khối lượng tạ ổn định ở mức này. Nếu từ nay đến Olympic, tình hình của Tuấn không được cải thiện, nguy cơ anh và TTVN mất “Vàng” là rất lớn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của các VĐV và cố gắng tạo điều kiện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thể thao Việt Nam sẽ quyết vượt vũ môn, đem vinh quang về cho Tổ quốc.

Minh Thành