"Gác mái ngư ông về viễn phố..."
Các Website khác - 20/03/2006

"Gác mái ngư ông về viễn phố..."

TT - Tin đâu như sét đánh ngang tai: ông Trần Thanh Ngữ, người mà dân làng thể thao VN thường gọi thân mật là chú Tư - "cha đẻ" của bóng đá nữ, đua xe đạp nữ, thể dục nhịp điệu ở VN, đã về với cõi vĩnh hằng vào trưa qua 19-3-2006.

Ở các trận đấu bóng đá nữ của giải vô địch quốc gia diễn ra chiều qua, tất cả các đội đã dành một phút mặc niệm để nhớ đến ông, người mà những ngôi sao bóng đá nữ VN như Ngọc Mai, Kim Hồng, Mỹ Oanh... đã coi như một người cha thứ hai của mình.

Ra đi ở tuổi 76 không phải là quá sớm, nhưng chúng tôi bàng hoàng bởi chỉ mới tháng trước, nói chuyện về thể thao VN ông còn nói cười sang sảng: "Chú Tư mày 76 rồi nhưng còn khỏe lắm, một tuần đi bộ được ba lần từ nhà ở Trần Đình Xu (TP.HCM) xuống đến Sở thú mà". Thế mà hôm 13-3 nghe ông bị đột quị vì tai biến và đến trưa qua thì "ngư ông đã gác mái về viễn phố". Đây chính là câu nói thường nhật của ông mỗi khi gặp tôi: "Yên tâm đi, chú đến 99 tuổi mới gác mái về viễn phố à...".

Thế mà, chú Tư ơi...!

Tự đáy lòng, tôi cho rằng đến nay vẫn chưa tìm được một người cán bộ làm thể thao nào tuyệt vời như ông. Chú Tư rất giỏi. Cái giỏi của ông có thể viết thành sách được chứ không chỉ trong một bài viết mà đủ. Nếu chẳng giỏi, sao ông gầy dựng được bóng đá nữ, xe đạp nữ? Nếu chẳng giỏi, sao ông làm được những cuộc đua xe đạp oai hùng như "Về thăm Trường Sơn", "Về Điện Biên", "Về Pắc Bó"?

Ông Trần Thanh Ngữ sinh ngày 24-11-1930 tại Rạch Giá. Ông tốt nghiệp ở Pháp về ngành dược.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ông là một nhà kinh tài có nhiều đóng góp cho cách mạng. Sau khi đất nước thống nhất, ông được cử làm trưởng Phòng TDTT Q.1, TP.HCM. Ông đã được lưu dụng làm việc cho đến năm 70 tuổi mới về hưu, có nhiều đóng góp rất to lớn cho ngành thể thao VN.

Ông đã từ trần lúc 11g30 ngày 19-3-2006, hưởng thọ 76 tuổi. Linh cữu quàn tại 71 Bến Chương Dương, Q.1. Lễ động quan vào lúc 6 giờ ngày 23-3, sau đó an táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ vô cùng thương tiếc ông và xin chia buồn cùng gia quyến.

Tôi nhớ hồi năm 1994 khi dẫn đoàn đua đến thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng già đã ôm lấy chú Tư mà bảo rằng: "Anh Tư làm thể thao mà rất chính trị. Một cuộc đua như thế này là một hoạt động vô giá để kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên".

Nhưng, nếu chỉ nói cái giỏi không thôi thì thật chưa đủ về chú Tư. Điều ông khiến các cộng sự, VĐV, phóng viên không chỉ nể mà còn thương thật sự là ở chữ "tình". Cái tình của ông thật bao la. Đó là những đêm không ngủ, lụi cụi đi từng phòng xem "mấy đứa nhỏ" có ngủ được không, có đói bụng không... khi dẫn tuyển bóng đá nữ VN dự giải quốc tế ở Malaysia năm 1997 và SEA Games 19.

Nhưng, ông có một câu chuyện ít người biết, chỉ thân lắm ông mới kể, mà sau này tôi đã đưa vào trong một bài viết về ông trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật. Câu chuyện ấy ai đọc cũng tỏ ra thán phục. Số là ở cuộc đua "Về Điện Biên", một nữ cuarơ bị té, rách cái ngàn vàng. Các HLV, bác sĩ, lãnh đạo đội đua khi chứng kiến chỉ biết ngẩn ra nhìn. Riêng ông, lập tức rút ngay khăn tay lau đùi cô bé rồi tự mình và cả bác sĩ theo đoàn ký vào để xác nhận! Sau này, khi cô gái lập gia đình, cả hai vợ chồng đã đến và xin được gọi ông là ba đỡ đầu.

Hôm gặp ông lần cuối, nói chuyện về thể thao VN, ông vẫn còn rất hăng say và dí dỏm: "Thể thao mình chỉ thật sự cất cánh khi nào mà lãnh đạo thì đầu phải to hơn bụng, vì suy nghĩ nhiều hơn ăn; còn VĐV thì bụng phải to hơn đầu vì được ăn nhiều, không phải lo nghĩ! Tiếc thay bây giờ toàn ngược lại không hà...".

Nói chuyện với ông thích lắm, cả buổi không chán. Vì ông làm thể thao nhưng bụng đầy cả một bồ thơ phú. Bình sinh ông thích nhất là nhà thơ Nguyễn Công Trứ, người ngang tàng, tài hoa và đa tình. Ông bảo rằng mình cố bén gót theo chỉ học được hai chữ "đa tình". Không, hôm ấy tôi cãi với ông và nói rằng Nguyễn Công Trứ có câu Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông - Và sự nghiệp của chú Tư với thể thao VN thế là đã quá lớn, quá đủ để khi yên nghỉ không thẹn với nước nhà.

Nhưng, nói thế thôi chứ tôi không ngăn được nước mắt khi viết những dòng này... Chú đi như thế vẫn là sớm đấy chú Tư ơi...

HUY THỌ