Thể thao Việt Nam: Tham vọng "lật đổ" Thái Lan
Các Website khác - 27/01/2006
Thể thao Việt Nam:
Tham vọng "lật đổ" Thái Lan

Dũng Minh
Năm 2005 kết thúc với SEA Games 23 là thuốc thử thành công của thể thao VN trong tham vọng vươn lên đứng vững chắc trong tốp đầu khu vực Đ.N.Á. Với một khoảng cách chỉ còn 12 HCV thua Thái Lan, VN đang ấp ủ một cuộc "lật đổ". Trong cuộc gặp gỡ cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái đã không ngần ngại công khai tham vọng của thể thao VN "đặt mục tiêu tới năm 2010, đuổi kịp và vượt Thái Lan", nghĩa là đứng đầu SEA Games, bên cạnh các mục tiêu Asiad và Olympic khác.

Hữu Việt đã giành HCV SEA Games
đầu tiên sau 40 năm cho bơi lội VN.
Qua mặt Thái Lan ở SEA Games 2009?

Suốt bao năm qua, Thái Lan đối với VN luôn là "ông kẹ" không thể vượt qua, nhưng đã đến lúc, điều ấy không còn là bất khả thi. Đã có hẳn một kế hoạch và mốc thời gian cụ thể để thể thao VN thực hiện cuộc lật đổ. SEA Games 24 (2007) tổ chức ở Thái Lan, dĩ nhiên VN chưa thể đặt mục tiêu đứng đầu, nhưng tham vọng của TTVN là đứng thứ hai và bám thật sát Thái Lan, chuẩn bị điều kiện để SEA Games 2009 tổ chức trên sân trung lập (Lào), cuộc "tranh đấu" ngôi bá chủ Đông Nam Á với Thái Lan sẽ chính thức diễn ra. Trưởng đoàn thể thao VN tại SEA Games 23 Nguyễn Hồng Minh khẳng định, đây là mục tiêu "nhìn thấy được". Để thực hiện được tham vọng này, thể thao VN phải chuẩn bị đủ thế và lực để vượt lên ở những môn thể thao Olympic mà hiện nay chúng ta đang ngang ngửa hoặc kém Thái Lan về số huy chương vàng trong khi vẫn duy trì được sức mạnh ở những môn mà lâu nay ta hơn Thái Lan: Karatedo, taekwondo, wushu, silat...

Những môn đã được xác định là phải đẩy nhanh tốc độ là điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, boxing. Tại SEA Games 23, điền kinh là môn mà VN đã thu hẹp khoảng cách ngắn nhất so với Thái Lan, 8 HCV so với 11. Nhưng còn có những môn mà khoảng cách giữa VN và Thái Lan còn quá xa, như boxing tại SEA Games vừa rồi, Thái Lan có 6 HCV trong khi VN trắng tay; bơi lội, Thái Lan có 5, VN mới chỉ có 1 tấm đầu tiên. Chính vì vậy, chủ trương tập trung cho các môn mũi nhọn này đã được lãnh đạo ngành thể thao VN bắt đầu ngay từ năm 2006 này. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, những môn mũi nhọn được xác định trên đây sẽ nhận được sự đầu tư đặc biệt: Ưu tiên kinh phí đi tập huấn, thi đấu nước ngoài trong khi những đội khác có thể bị cắt giảm.

...Tầm châu lục, chờ đến 2015

Tự tin vào mục tiêu vượt Thái Lan ở SEA Games 2009, nhưng ở tầm châu lục và Olympic thì ông Minh thừa nhận: "Chưa vượt được họ đâu". Trong khi Thái Lan đã có 3 HCV tại Olympic Athens (2 cử tạ, 1 boxing) thì VN trắng tay và tại Olympic Bắc Kinh 2008, chúng ta mới chỉ dám phấn đấu có 1 vàng, 1 bạc cho dù Giám đốc sở TDTT Hà Nội Hoàng Vĩnh Giang tự tin tuyên bố, riêng Hà Nội phải phấn đấu có ít nhất 30 VĐV vượt qua vòng loại Olympic. Tại Asiad, tình hình cũng tương tự. Bởi vậy, cho dù đặt mục tiêu vượt Thái Lan ở SEA Games, nhưng hướng phát triển của thể thao VN từ 2006 được Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái tiếp tục khẳng định là sẽ hạn chế đến mức tối đa việc đầu tư cho những môn thể thao của khu vực (như võ gậy tại SEA Games 23) mà đầu tư mạnh vào các môn thể thao cơ bản. Có như vậy mới mong đuổi kịp Thái Lan ở các đấu trường châu lục vào năm 2015. Năm 2006 sẽ khởi đầu cho tham vọng mới của thể thao VN.