Tôi đã từng "bôi bẩn" nền bóng đá?
Các Website khác - 25/12/2005

Tôi đã từng "bôi bẩn" nền bóng đá?

Nhà biên kịch điện ảnh Nguyễn Long Khánh

Cách đây 3-4 năm, tôi hay viết những bài báo về bóng đá xuất phát từ tình yêu cuồng nhiệt với sân cỏ, hơn nữa tôi đã từng là cầu thủ bóng đá của Hải Phòng. Vì bức xúc những chuyện tiêu cực phía sau trái bóng, tôi quyết tâm viết một kịch bản phim dài hơi về bóng đá, phản ánh những mặt trái của bóng đá, hy vọng góp một lời cảnh báo về thực tế "đen" cần phải giải phẫu kịp thời...

ôi hoàn thành kịch bản "Chấm phạt đền" vào tháng 5.2002, gửi một số chuyên gia thẩm định, và họ chung nhận xét "tốt đấy, nhưng còn hiền lành quá". Sau khi sửa lại, tôi tràn đầy hy vọng gửi Hãng Phim truyện Việt Nam, Điện ảnh Chiều thứ 7... nhưng cũng không thấy hồi âm, cuối cùng... đành xếp xó.

Đầu năm 2003, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam chuẩn bị làm phim 19 tập "Trò đùa số phận" của tôi, tình cờ một buổi nói chuyện về bóng đá, chị Thu Huệ - Trưởng phòng Biên kịch - bảo tôi: "Bây giờ mà có một kịch bản viết về bóng đá thì hay quá". Tôi liền đưa ngay kịch bản phim "Chấm phạt đền" cho chị Huệ, chị Huệ xem đồng ý làm, chuyển cho 2-3 đạo diễn đọc,... nhưng họ đều lắc đầu. Bẵng đi nửa tháng, tôi nhận được một cú điện thoại lạ: "Tôi đọc kịch bản "Chấm phạt đền" của anh rất thích! Tôi quyết định nhận làm". Rồi bộ phim "Trận cầu đinh (4 tập) cũng hoàn thành do sự cố gắng "vượt bậc" của đạo diễn Đỗ Chí Hướng (Đạo diễn Xuất sắc phim truyền hình năm 2002) và êkíp làm phim. Bộ phim được công chiếu trên chương trình Văn nghệ Chủ nhật tháng 7.2003.

Sau đó, có người hỏi tôi: "Liệu bóng đá nước mình có đến nỗi như chuyện trong phim không? Nếu đúng thế thì nhức nhối quá!". Cũng có nhiều người gọi điện khen rằng: "Dũng cảm lắm!".

Thế nhưng, có vị lãnh đạo ở thành phố gặp tôi, vỗ vai bảo: "Ông viết thế là ông chơi bóng đá thành phố mình rồi, dở quá". Còn ông anh vợ tôi ở Liên đoàn Bóng đá thì bảo: "Chú viết làm gì những chuyện "vớ vẩn" ấy. Nhiều người trong liên đoàn, trong giới trọng tài, "nói" lắm". (Tôi hiểu là ông anh tế nhị đã thay từ "chửi" bằng từ "nói" cho nó nhẹ đi). Phải chăng họ cho rằng tôi đã "bôi bẩn" nền bóng đá "trong sáng", "trung thực" của nước nhà?

Đến giờ - khi vụ án bán độ của một số cầu thủ U.23 VN tại SEA Games 23 mở ra, tôi mới rùng mình, thấy rằng nó đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người.

Tôi bỗng nhớ đến một buổi chiều đã nhá nhem tối, sau trận chung kết Giải Bóng đá Hải Phòng mở rộng 2003-2004, tôi tình cờ ngồi uống nước với một cầu thủ khá nổi tiếng của đội bóng miền Trung... Khi biết tôi là tác giả kịch bản phim, cậu nói: "Nhiều chuyện chú viết đều đúng cả, có điều chú mới động chạm đến cái vỏ bên ngoài, còn điều cơ bản nhất thì chú lại chưa hiểu nên không đề cập đến".

Nói rồi, cậu tủm tỉm cười: "Chú có hiểu điều mấu chốt tại sao cầu thủ bọn cháu lại có những việc làm tiêu cực, phi thể thao không? Đơn giản là từ khi chúng cháu được đào tạo từ trường năng khiếu, hay ở các đội U.14, U.15... người ta chỉ chú ý nhồi nhét vào đầu một điều duy nhất: Hãy khổ luyện quên mình, phấn đấu bằng mọi cách để đá cho giỏi, cho thật xuất sắc trở thành những ngôi sao bóng đá... Khi đã là "sao" rồi các cậu "sẽ có tất cả tiền bạc, vinh quang và cuộc sống đế vương".
Thế nhưng, khi chúng cháu đã thành những cầu thủ trụ cột của câu lạc bộ rồi được gọi lên Đội tuyển Quốc gia, chúng cháu thực sự vỡ mộng vì chẳng thấy tiền nhiều với cuộc sống đế vương đâu. Người ta hứa hẹn trước các trận đấu, các giải lớn về bóng đá thật nhiều... Nhưng khi kết thúc giải rồi, người ta chia thưởng, chúng cháu chẳng được bao nhiêu: 20 cầu thủ chính thức "cõng" 20 vị; "cõng" cả các quan chức thể thao theo đoàn, các vị lãnh đạo bóng đá gián tiếp từ xa và những ai nữa mà chúng cháu không thể biết. Kết quả là số tiền để có thể thay đổi cuộc sống bọn cháu chỉ là chuyện cổ tích! Mà đời cầu thủ chúng cháu thì cực ngắn: nếu không may dính chấn thương Liên đoàn tài trợ cho ít tiền để chữa trị, thế là chấm hết...

Cho nên ngay cả các vị lãnh đạo bóng đá đến các ông giám đốc các sở thể thao địa phương, các vị "vua sân cỏ" và cả ban huấn luyện đội bóng chẳng ai bỏ lỡ cơ hội kiếm tiền trên các trận đấu cả... Tất cả đã thành hệ thống, thành thói quen mất rồi, chú có viết đến 10 bộ phim về bóng đá cũng chả thay đổi được gì! Chỉ tổ người ta cười cho".

Tôi hiểu ra, nắm chặt tay chàng cầu thủ, cay đắng gật đầu. Và từ ngày ấy, tôi trở thành kẻ xa lạ với môn túc cầu...