Vũ Tiến Thành: Mặt trái của con đường công danh
Các Website khác - 29/12/2005
Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã:

Kỳ 4: Vũ Tiến Thành: Mặt trái của con đường công danh

Nếu không có lệnh bắt khẩn cấp thì một ngày sau, ông Vũ Tiến Thành đã lên đường sang Brazil tìm cầu thủ ngoại và tiếp tục khoá học huấn luyện viên chuyên nghiệp - mà chỉ thời gian ngắn nữa, ông sẽ là người Việt Nam đầu tiên được FIFA cấp bằng này...

Vũ Tiến Thành ngày bị bắt giam.
Những người làm bóng đá đều gọi ông Thành bằng cái tên Thành "móm" và ông cũng chẳng bao giờ phản ứng cái tên này.

Vũ Tiến Thành đáng lẽ đã đi theo con đường cầu thủ khi thi vào Trường Nghiệp vụ thể thao TPHCM cùng lứa với thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm, nhưng bị loại ở phần năng khiếu. Không làm quan võ được thì làm quan văn, ông Thành tiếp tục trui rèn để thi vào Trường Đại học TDTT 2 khoá 7 năm 1983. Lớp bóng đá đại học 7 ông là "thủ khoa", là thủ lĩnh nhờ khả năng tổ chức lẫn điều hành và tài ngoại giao.

Ra trường năm 1987, với "bằng đỏ" và ông được nhận thẳng về Trường Nghiệp vụ thể thao - nơi mà 5 năm trước ông thi vào, nhưng bị đánh rớt.

Về trường, ông Thành sớm khẳng định khi lứa Minh Chiến, Đỗ Khải, Nguyên Chương, Anh Trung... một tay thầy Thành dẫn dắt. Ông cũng là một trong ba sinh viên trẻ được cử đi Brazil học chuyên sâu và nâng cao về bóng đá. Những bài ông viết từ Brazil khi ấy được ký tên Lâm - Thành - Lâm (Dương Vũ Lâm - Vũ Tiến Thành - Võ Thái Lâm) thật ấn tượng về một đất nước được xem là xứ sở bóng đá thần tiên.

Sau khoá ấy, nếu ông Dương Vũ Lâm đi lên bằng đường quan chức thì ông Thành lại mở đường bằng lối mòn chuyên môn. Ông xắn tay vào công việc đào tạo với chức vụ trưởng bộ môn, là cánh tay phải của Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ thể thao TPHCM và tiếp cận với ĐT bằng việc phiên dịch với chức danh trợ lý ngôn ngữ.

Vũ Tiến Thành là HLV làm trợ lý cho các thầy ngoại nhiều nhất và ở đấy, ông học cũng rất nhiều. Uy tín Vũ Tiến Thành nâng lên từ đấy, qua thành công của các đội tuyển ở nhiều thời kỳ khác nhau.
Sự nghiệp HLV đội bóng đá đầu tiên của ông ở giải quốc gia là đội Bưu điện, nhưng giới bóng đá biết đến ông nhiều nhất lại là ở đội Đông AÁ - Thép Pomina với chức danh Giám đốc điều hành. Tại đây, ông vừa làm vừa tiếp tục hoàn thiện việc học tập của mình sau khi đã trở thành giảng viên của FIFA (là người thứ hai của Việt Nam, sau ông Lê Thế Thọ) và được cấp đủ mọi chứng chỉ C, B, A trong các khoá dạy.

Chỉ độ ba tháng nữa là hoàn thiện bằng cấp HLV chuyên nghiệp, thì đúng lúc ấy ông bị bắt. Bị bắt khi tin rằng mình không thể bị bắt, vì ai cũng bồi dưỡng trọng tài kiểu như mình và thậm chí là ghê hơn mình rất nhiều.

Vũ Tiến Thành từng là trợ lý ngôn
ngữ cho nhiều đời HLV ngoại.
Ông Thành có người anh ruột là Vũ Thanh Tùng - từng là cầu thủ A2 toàn quốc và cũng từng là giảng viên khoa Bóng đá Trường Đại học TDTT 2. Anh em ruột, nhưng tính cách ông Tùng khác với tính cách ông Thành rất nhiều. Ông Thành dám làm tất cả với mục đích rất lớn, trong khi ông Tùng lại bất chấp nhiều lời giới thiệu làm "quan" để rút ra làm kinh doanh. Ông Tùng tâm sự rằng, ông biết tính em mình rất "máu" với công việc, nhưng nhiều khi cái gì cũng lao vào và không nghĩ ngợi hậu quả. Ông Tùng còn nói rằng đã nhiều lần khuyên ông Thành làm bóng đá nên nghĩ đến điểm dừng và coi chừng những danh vọng thường đi kèm với cạm bẫy.

Ngày ông Thành bị bắt thì ông Tùng là người lao vào đầu tiên khi Cơ quan điều tra đưa Thành về nhà khám xét. Ông hốt hoảng mặt tái mét trong khi ông Thành thì cứ tươi cười an ủi các thành viên trong gia đình rằng đừng lo. Ông Thành còn ôm vợ bị bệnh tim khá nặng vào lòng mà nói: "Em đừng lo lắng nhiều! Anh không có gì đâu!". Cái không có gì đấy có thể ông Thành không cảm nhận được, nhưng ông Tùng - anh ông Thành - thì biết, bởi từng là cầu thủ ông biết cái môi trường ấy rất khủng khiếp.

Đến giờ thì ông Thành đã bị kết tội với 20 triệu đồng hối lộ trọng tài. Số tiền mà ông Thành luôn cho rằng chẳng đáng là bao và chẳng là cái gì so với hàng trăm triệu bồi dưỡng và cả những canh bạc ngoài sân cỏ.

Cái bình thường mà ông Thành nghĩ lại là cái vòng lao lý đốt hết tất cả những công danh sự nghiệp của một ông thầy có rất nhiều học trò là tuyển thủ và cũng là một HLV Việt Nam có nhiều gắn bó với đội tuyển nhất.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này thì chị Mai - vợ ông Thành - đã dẫn hai con ông về ngoại để hy vọng được chăm sóc tốt hơn, do chị bị bệnh tim rất nặng. Gia đình bên chồng khi nói về cô dâu phải ở nhà nuôi hai con, trong khi chờ chồng tù tội về, cho biết không dám nhắc đến Thành. Thậm chí, những hình ảnh kỷ niệm khi ông Thành đi tây, đi Tàu và những vật lưu niệm của ông, gia đình cũng đóng thùng cất hết không muốn vợ ông nhìn vào đấy như một nỗi đau không bao giờ quên.

Những người anh, người em trong gia đình ông Thành đến giờ vẫn lo lắng cho người thân mình ở trại giam và tự hỏi: "Thành về rồi sẽ làm gì? Sẽ phải bắt đầu từ đâu, hay tất cả lại phải làm lại từ đầu?". Nhóm P.V thể thao

Cho đến nay, đã có 4 cầu thủ thừa nhận đã nhận tiền độ từ Quốc Vượng là: Văn Quyến, Văn Trương, Quốc Anh, Bật Hiếu. Văn Trương đã nộp lại toàn bộ số tiền 20 triệu đồng, cộng với thái độ thành khẩn, hối lỗi nên cho đến nay vẫn chưa bị khởi tố. Riêng Hải Lâm hiện là cầu thủ duy nhất trong nhóm này chưa nhận tiền. Đối với Phước Vĩnh, chiều qua Cơ quan điều tra đã tiếp tục mời lên làm việc, song Vĩnh vẫn kiên quyết phủ nhận việc tham gia bán độ và nhận tiền. Chiều qua, Phước Vĩnh đã được trở về Đà Nẵng, nhưng sẽ phải có mặt ngay khi được yêu cầu.

Liên quan đến vụ tiêu cực của các trọng tài VN, theo nguồn tin của Lao Động, hiện Cơ quan điều tra đã có trong tay lời khai của trọng tài Lê Văn Tú, khẳng định: HLV trưởng M. Hải Phòng Đinh Thế Nam đã tiếp xúc và dàn xếp tỉ số với Tú trong trận Đồng Tháp - Hải Phòng ngày 6.3.2005 (hoà 1-1).

Kỳ 1: Những gương mặt "đen" - mặt trái và số phận nghiệt ngã (26.12.2005)

Kỳ 2: Trương Thế Toàn - con tốt trong "chợ người"

Kỳ 3: Thành Vinh - một ngày mưa ảm đạm