Yêu... thể thao
Bancha Khamthong |
TTCN - “Hoạt náo viên không phải là một nghề, mà đơn thuần chỉ là một hoạt động thể thao nhằm cổ vũ cho đội tuyển bóng đá nói riêng và tất cả các đội tuyển thể thao khác nói chung.
Họ như một người lãnh đạo, khởi xướng cho khán giả với những câu khẩu hiệu, những hành động thật sự ấn tượng để truyền lửa cho chính khán giả và các VĐV của mình”
Hòa trong lớp sóng đỏ của hàng ngàn cổ động viên chiều 3-9 trên khán đài sân vận động Thống Nhất, TP.HCM lại có một sự khác biệt ngộ nghĩnh là... một cổ động viên Thái Lan. Khuôn mặt cười, râu một chỏm như vua hề Charlie Chaplin, anh ta luôn gây nên những tràng cười sảng khoái, thân thiện ở mỗi động tác của mình.
Đó là Bancha Khamthong. Năm nay 40 tuổi, anh không chỉ được dân hâm mộ thể thao Thái Lan mà cả các nước trong khu vực “nhẵn mặt” khi là một trong năm hoạt náo viên nổi tiếng nhất của thể thao Thái Lan (gồm: Dakdae - Bancha, Tourae, Samart, Darinya, Kitja).
Họ là những người kích động khán giả, truyền lửa cho các cầu thủ trên sân bóng và làm nóng hơn tinh thần của các cổ động viên. Theo Bancha, cũng như những người hâm mộ khác, niềm hạnh phúc và cũng là điều tưởng thưởng lớn nhất với họ không chỉ là chiến thắng của “gà nhà” mà còn là khi trái tim mình đồng điệu với các cầu thủ khi thua trận. Luôn có mặt bên đội tuyển nhưng hoạt náo viên cũng lại giống như người hâm mộ ở chỗ: tự nguyện và không hề có thù lao.
Bancha trước khán đài B sân vận động Thống Nhất chiều 3-9 |
Một lần cách nay đã 10 năm, anh chính thức xin gia nhập làm hoạt náo viên cho đoàn thể thao nước nhà và đến nay anh đã tham gia cổ động hầu hết các hoạt động thể thao lớn trong nước, hay cùng các đội tuyển đi tham dự các giải đấu quốc tế.
Để có được nguồn kinh phí cho việc đi lại của mình, không chỉ riêng Bancha mà những hoạt náo viên khác đều phải đi tìm sự ủng hộ hảo tâm của những nhà tài trợ, xin trợ cấp của chính phủ và phải tự “mở hầu bao” của chính mình.
Nhưng bù lại Bancha rất được các vận động viên Thái Lan yêu mến. Và gần như tất cả những nơi mà đoàn thể thao Thái Lan từng tham dự, anh đều có mặt như tại những đại hội thể thao lớn trong khu vực và thế giới: SEA Games 22 tại VN, Thế vận hội Athens 2004, Đại hội thể dục thể thao sinh viên vừa diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong những lần đi như thế, anh lại có dịp hiêu biết thêm văn hóa và ngôn ngữ khác trên thế giới. Anh khoe với chúng tôi những câu tiếng Việt đã học được trong các lần đến VN và một vài bài hát tiếng Việt “ruột”: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Bài ca SEA Games và cả một vài bài dân ca Nam bộ. Theo anh, đó là thu hoạch của mình trong những lần cùng đoàn thể thao Thái Lan sang VN. Với các nước khác cũng vậy.
Niềm vui và nỗi buồn
Bancha giúp một cổ động viên VN make up... |
Dù là người tạo niềm vui cho người khác, bản thân hoạt náo viên cũng có những nỗi buồn. Đó là việc “quay lưng” của các nhà tài trợ khi họ từ chối đài thọ kinh phí cho việc di chuyển, ăn ở theo đoàn của các hoạt náo viên. Nỗi buồn tất nhiên còn là việc đội nhà thua.
Nhưng theo Bancha, buồn mà đau nhất là việc bị các khán giả quá khích sân nhà “giận cá chém thớt” hay khán giả sân khách cay cú, chửi bới, xua đuổi hay tấn công mình. Chính vì vậy, Bancha nói rất chân thành: khán giả VN là số 1, hiền hòa, thân thiện nhưng cuồng nhiệt không kém.
Tuy nhiên, điều thôi thúc họ sống mãi với thể thao chính là niềm vui. “Bạn đã bao giờ có cảm giác một mình chạy giữa khán đài toàn là người không cùng dân tộc mình nhưng vẫn làm cho họ hoan hô, cổ vũ mình chưa? Lúc đó, tôi luôn thấy hãnh diện vì mình là hình ảnh đại diện một nền thể thao thật trong sáng, và mình là "sứ giả" cho tinh thần yêu thể thao của dân tộc mình".
10 năm gắn bó với nghề hoạt náo viên, Bancha khoe mới đây anh vinh dự được Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tặng huy chương vì sự nghiệp thể dục thể thao Thái Lan, cho những năm tháng đóng góp trong các hoạt động... la, hét trên các trường đấu thể thao trong nước và nước ngoài của mình.
Khi chúng tôi đề cập đến chuyện vợ con nghĩ gì về hoạt động của anh, Bancha cho rằng gia đình, bạn bè nhiều lần khuyên anh nên chọn một nghề để có thể đảm bảo cuộc sống cho mình sau này. Anh cười và lý giải: “Mình sống chỉ có một lần và cần phải sống vì niềm đam mê. Ngoài ra, sẽ thật sự hạnh phúc khi niềm đam mê của mình lại có thể giúp ích nhiều người, nhất là được đóng góp vào những thành công của thể thao nước nhà”.
Có lẽ vì vậy mà đã 40 tuổi Bancha vẫn chưa có vợ. Anh liên tục đi xa, “như thế thì làm sao có vợ được chứ, trừ khi có cô nào cũng làm nghề như mình thì khi ấy sẽ tính sau”.
Nghề hoạt náo?
Khi hỏi anh: ở Thái Lan, liệu tương lai hoạt động hoạt náo này có thể trở thành một nghề nghiệp chính thức như bao công việc khác hay không, câu trả lời là không. Tuy nhiên Bancha hi vọng trong tương lai nó sẽ được nhìn nhận là một nghề thật sự.
Nói về sự cuồng nhiệt của các cổ động viên VN, Bancha thắc mắc: sao cổ động viên VN dữ dội như thế mà lại không thành lập được một đội hoạt náo viên? Lực lượng hùng hậu, nhiệt huyết tràn dâng của các fan hâm mộ nếu được tổ chức bởi những hoạt náo viên (giống như người cầm trịch) sẽ biến thành một sức mạnh đáng kể cho tinh thần thi đấu của các tuyển thủ.
Q.THẮNG
▪ "Vũ Tiến Thành chưa bao giờ bàn bạc với tôi" (09/09/2005)
▪ Giải Quần vợt Mỹ mở rộng 2005: Hai tay vợt Nga thất bại (11/09/2005)
▪ Bệnh nan y (10/09/2005)
▪ "Gia pháp" VFF (11/09/2005)
▪ Tôi đành hy sinh sự nghiệp vì gia đình (10/09/2005)
▪ Federer sẽ lại đánh bại Hewitt (10/09/2005)
▪ Tu luyện để vượt qua cạm bẫy (11/09/2005)
▪ Thái Lan mạnh nhất qua giải tiền SEA Games (10/09/2005)
▪ Tìm phương án thay thế Đông Á - Pomina (10/09/2005)
▪ Bolton có thể thắng (11/09/2005)