Cai nghiện từ... não bộ!
Các Website khác - 08/01/2005

Trong tương lai không xa, tất cả các con nghiện, từ ma túy, thuốc lá, cho đến rượu và cả chứng ăn uống vô độ... đều có thể cai bỏ đơn giản khi uống một loại thuốc chống nghiện độc nhất

Từ lâu, giới khoa học suy đoán rằng tất cả các dạng nghiện ngập, từ ma túy cho đến rượu, thuốc lá và cả chứng ăn uống quá độ ở người béo phì, dường như có mối liện hệ nào đó với nhau. Cho đến vài năm trước đây, suy đoán này mới được các nhà nghiên cứu đưa vào phòng thí nghiệm trong mục tiêu tìm ra nguyên nhân chính. Các loại dược phẩm có cùng chức năng như biệt dược topiramate, thường được các bác sĩ kê đơn cho việc phòng ngừa các cơn tai biến ngập máu ở người bệnh động kinh (epileptic), đã chứng tỏ tác dụng hiệu quả đồng thời đối với một số dạng nghiện. Và, các nhà nghiên cứu đã dần lật tẩy một số hóa chất não bộ có tác dụng kích thích cảm giác thèm thuốc ở các dạng nghiện nói chung.

Topiramate: Hiệu quả cao.- Mới đây, bác sĩ Gabriel Rubio, giám đốc chương trình cai nghiện thuộc Trung tâm Sức khỏe tâm thần Retiro ở Madrid, đã thành công khi áp dụng phương pháp chữa trị bằng việc kê đơn viên topiramate. Trong một bài báo trên tạp chí chuyên đề Tâm thần học Archives số ra mới đây, ông cho biết có nhiều hứa hẹn đối với chứng nghiện rượu và đặc biệt các đối tượng phàm ăn khi sử dụng viên topiramate cũng có khả năng cao hơn 6 lần lấy lại trạng thái ăn uống điều độ chỉ trong vòng 3 tháng so với những người uống viên placebo (viên thuốc đánh lừa tâm lý). 1/3 các trường hợp bệnh nhân béo phì được chữa trị đã có những tiến triển tốt từ tình trạng phàm ăn sang ăn uống có điều độ và hầu hết cứ năm người nghiện ma túy thì một có thể bỏ hẳn nhu cầu hút chích. Topiramate cho thấy hiệu quả cao hơn gấp 4 lần so với các liệu pháp cai nghiện y khoa hiện nay khi sử dụng hai loại thuốc khác là acamprosate và naltrexone. Trong khi đó, một nghiên cứu tại ĐH Virginia, Mỹ, cũng đã có những dấu hiệu triển vọng khi có đến một nửa số bệnh nhân được chữa trị đã giảm cân và 1/5 bỏ hẳn hút chích, thậm chí không ai có cảm giác thèm thuốc lá.

Mặc dù vậy, điều làm cho biệt dược topiramate chậm phổ biến là hai tác dụng phụ không tốt của nó: Gây mệt mỏi, buồn ngủ và khó phát âm. Tuy nhiên, theo chuyên gia về thần kinh Bankole Johnson thì những khó khăn liên quan đến nhận thức là không đáng kể so với các “dư chấn” do rượu gây ra. Và nhà sản xuất Johnson & Johnson đang có kế hoạch loại bỏ một số thành tố gây tác dụng ngoài ý muốn để cho người nghiện dễ sử dụng hơn.

Và nhiều dược phẩm hứa hẹn khác.- Các nghiên cứu khoa học gần đây cũng đã đề xuất những loại dược phẩm hứa hẹn khác. Chẳng hạn như loại nhựa munchies có trong lá cần sa (marijuana), có tác dụng kích thích cảm giác thèm ăn, đã đưa đến loại thuốc khác: Rimonabant, có tính năng triệt tiêu cảm giác này. Rimonabant còn có tác dụng làm giảm cảm giác ngon miệng và cả cảm giác thèm nicotine và rượu. Công ty dược Sanofi-Aventis mới đây đã thông báo một kế hoạch phân phối rimonabant dưới dạng viên ăn kiêng vào năm 2006 với nhãn hiệu acomplia. Peter Kalivas, chuyên gia thần kinh ở ĐH Y Nam Carolina, người có nhiều năm nghiên cứu chứng nghiện ở động vật, tin rằng manh mối chính đó là khả năng giảm thiểu tuyệt đối mức độ glutamate, một hoạt chất có tính năng kích hoạt vật chuyển xung thần kinh (neurotransmitter) vốn gây ra cảm giác thèm thuốc. Bằng kỹ thuật quét phản ứng hóa chất não bộ trên 13 con nghiện cocaine sau khi tiêm cho các đối tượng nghiên cứu chất ức chế sản xuất glutamate n-acetylcysteine, ông phát hiện rằng loại thuốc này đã giảm nhanh cảm giác thèm thuốc.

Mục tiêu sinh - hóa khác cho các loại dược phẩm cai nghiện là gamma-aminobutyrate, hay GABA, có tính năng duy trì trạng thái bình thường của não bộ. Ở hầu hết các dạng nghiện, não bộ thường phóng thích nhiều hóa chất glutamate khi họ nhìn hoặc ngửi thấy mùi rượu hoặc thuốc lá, khiến chủ thể mất khả năng tự kiểm soát bản thân. Các vỏ ngoài nhân (một phần rất nhỏ của não bộ, nằm ngay phía trên chân mày, có chức năng kiểm soát cảm xúc) sẽ bị tràn ngập dopamine - hóa chất đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển tải xung thần kinh và tạo cảm giác hạnh phúc, làm cho con nghiện dễ chịu hơn khi ngồi uống rượu. Vì vậy, một chiến lược hứa hẹn là khơi dậy tác dụng của GABA. Baclofen, một loại biệt dược giúp giãn cơ, được thí nghiệm từ năm 2002 tại Ý, cũng cho thấy khả năng giảm nhu cầu về rượu ở con nghiện. Cũng vào năm đó, các nhà nghiên cứu đã thông báo baclofen tác dụng hiệu quả đối với chứng nghiện cocaine, heroin, nicotine và methamphetamines trên chuột thử nghiệm.

H. Đạo (Theo Science và Newsweek)