Chiết xuất các chất chữa bệnh hiểm nghèo từ me rừng
Các Website khác - 14/08/2003

Các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã tách chiết thành công một số axit hữu cơ và hợp chất nhóm alkaloid, tannin từ me rừng. Những thử nghiệm gần đây cho thấy, các chất trên ở một số loài me có khả năng hỗ trợ điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư và HIV/AIDS.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chiết xuất được từ me rừng những hợp chất thuộc nhóm triterpenoid (như Phyllanthol Beta-amyrin, betulic), nhóm flavonoid (như quercetin-3-glucosid, rutin, kaemferol- 3-O-glucosid)... Những nhóm chất trên đều có tác dụng chữa bệnh.

Me là một chi lớn trong họ Thầu dầu ở Việt Nam, gồm khoảng trên 40 loài với nguồn gene đa dạng, phân bố rộng. Một số loài me từng được sử dụng để chữa trị các bệnh phổi, tiểu đường, viêm đau thận, gan, hoa liễu, đậu mùa. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiều hợp chất chiết xuất từ me có hoạt tính chống vi sinh vật gây bệnh như virus viêm gan B, vi khuẩn, nấm..., đồng thời có khả năng giải độc, chống suy giảm miễn dịch, ức chế enzyme sao chép virus HIV-1.

Do đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia đã kiến nghị gây trồng các loài me để vừa phục hồi rừng trên đất trống, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa bổ sung nguồn nguyên liệu trong sản xuất dược phẩm.