Dùng thuốc uống hay thuốc tiêm?
Các Website khác - 17/08/2005
ơư
Chỉ dùng thuốc tiêm trong trường hợp rất cần thiết.

Thấy con bị ốm mấy ngày chưa khỏi, nhiều bà mẹ sốt ruột muốn bác sĩ cho dùng thuốc tiêm để bệnh rút nhanh, và thất vọng khi trong đơn vẫn chỉ có thuốc uống. Thực ra, bác sĩ chọn dạng thuốc này là vì sự an toàn của đứa trẻ.

Uống thuốc là một trong những cách điều trị cơ bản lâu đời với cả y học cổ truyền và y học hiện đại. Các thuốc Tây được mua và uống theo đơn của bác sĩ. Bằng cách này, thuốc được hấp thu qua đường tiêu hóa từ từ, tương đối phù hợp với sinh lý và đặc biệt hiếm khi gây phản ứng tức thì đe dọa đến tính mạng người dùng. Một số báo cáo đã cho thấy, tỷ lệ sốc phản vệ do uống thuốc là rất thấp. Trong hầu hết các trường hợp đau yếu thông thường, thuốc uống hoàn toàn bảo đảm hiệu quả chữa bệnh.

Còn tiêm thuốc (có thể tiêm dưới da, tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch) là một tiến bộ của y học. Thuốc tiêm được hấp thu trực tiếp vào máu, do đó thường cho tác dụng nhanh mạnh và đầy đủ hơn. Tuy vậy các chuyên gia đều cho rằng, thuốc tiêm chỉ nên sử dụng trong các trường hợp cấp cứu hoặc với các ca không thể dùng thuốc uống được. Nên tiêm ở cơ sở y tế có điều kiện về trình độ và trang thiết bị. Sở dĩ phải làm như vậy là vì những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, thuốc tiêm dễ gây ra sốc phản vệ. Các thống kê cho thấy thuốc tiêm đóng vai trò chính gây ra các trường hợp sốc phản vệ nặng và nhiều trường hợp đã tử vong. Như vậy, sử dụng thuốc đường tiêm sẽ có tỷ lệ rủi ro cao hơn nhiều so với đường uống.

Thứ hai, sử dụng thuốc tiêm còn gắn liền với việc làm lây truyền bệnh tật qua đường máu (giang mai, HIV/AIDS, viêm gan do virus...) nếu không vô khuẩn tốt dụng cụ tiêm truyền.

Thứ ba, khi tiêm thuốc, bệnh nhân sẽ đau hơn. Và thứ tư, về góc độ kinh tế, thuốc tiêm bao giờ cũng đắt hơn thuốc uống.

Vì những lý do trên, các chuyên gia khuyên rằng không nên lạm dụng thuốc theo đường tiêm.

BS Nguyễn Hoàng, Sức Khỏe & Đời Sống