Kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Báo Tiếng chuông - 16/06/2016
Tính đến 31/3, toàn quốc đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) cho 108.500 người nhiễm HIV, trong đó 17 tỉnh/TP miền Trung và Tây Nguyên chỉ có trên 4.600 bệnh nhân (chiếm 4,2%).
TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS điều hành Hội thả - Ảnh: Kim Thoa

 

Lộ trình cắt giảm kinh phí của PEPFAR cho thuốc ARV là 40% vào năm 2017 và cắt hoàn toàn 100% vào năm 2018. Hiện Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS chưa cam kết hỗ trợ sau năm 2017, trong khi ngân sách trong nước rất hạn chế cho phòng, chống HIV/AIDS.

Để ứng phó với sự thiếu hụt ngân sách này, đặc biệt cho công tác điều trị HIV/AIDS, Chính phủ đã có chỉ đạo: “Chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT)”. Muốn vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải đáp ứng được các điều kiện để hợp đồng khám, chữa bệnh với BHYT và người nhiễm phải có thẻ BHYT. Đây là hai điều kiện cần và đủ để thực hiện chủ trương chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS. Nhưng thực tế, trong 349 cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay, phần lớn chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người HIV với bảo hiểm xã hội, do mô hình tổ chức, nhân lực và cơ chế quản lý, cung ứng thuốc ARV chưa thuận lợi. Đồng thời, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT chiếm tỷ lệ thấp, chừng 30 - 50% tùy từng địa phương.

Hiện nay, tại 17 tỉnh/TP miền Trung và Tây Nguyên, tình hình dịch HIV/AIDS mặc dù không nghiêm trọng, số người hiện đang điều trị tại khu vực này thấp chỉ trên 4.600 bệnh nhân và được điều trị tại 53 cơ sở. Tuy nhiên, việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS và mở rộng tiếp cận BHYT của người nhiễm HIV vẫn được chú trọng nhằm bảo đảm mọi người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV sau khi hết viện trợ quốc tế.

Được sự hỗ trợ của PEPFAR, USAID, Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức “Hội thảo hướng dẫn kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS và kế hoạch mở rộng độ bao phủ BHYT trong khám chữa bệnh (KCB) cho người HIV/AIDS”, trong hai ngày 14-15/6 tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Hội thảo nhằm giúp các tỉnh lựa chọn được phương án kiện toàn phù hợp, xây dựng kế hoạch và thực hiện KCB cho người HIV/AIDS được chi trả qua Quỹ BHYT, bên cạnh đó đưa ra các giải pháp mở rộng BHYT trong nhóm người nhiễm HIV tại khu vực này. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đại biểu đến từ cơ quan BHXH, Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh viện đa khoa đang triển khai điều trị ARV của 17 tỉnh, thành phố trong khu vực và đại diện các tổ chức quốc tế.

Các đại biểu được nghe những định hướng, khung kế hoạch các hoạt động kiện toàn cơ sở điều trị, các dự thảo quy trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở điều trị qua BHYT, quy trình dự trù, phân phối, báo cáo thuốc ARV khi thanh toán qua quỹ BHYT, kế hoạch mở rộng BHYT và cơ chế tài chính cung ứng thuốc ARV từ quỹ BHYT. Đồng thời, Hội thảo cũng được nghe những chia sẻ kinh nghiệm kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS của thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng.

Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tại 17 tỉnh/TP khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có 53 cơ sở điều trị, trong đó có 2 cơ sở thuộc BV trung ương, 12 cơ sở thuộc BVĐK tỉnh, 11 cơ sở thuộc BV huyện/TTYT huyện có hai chức năng, 11 cơ sở thuộc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, 12 cơ sở thuộc TTYT huyện chỉ có chức năng dự phòng, 5 cơ sở thuộc trung tâm 06, trại giam. Số bệnh nhân đang được điều trị tại các BV trung ương đóng trên địa bàn, BVĐK tỉnh chiếm 40,3%. Số bệnh nhân đang điều trị tại TTYT dự phòng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS chiếm 51,4%. Số còn lại đang điều trị tại các cơ sở tuyến huyện.

Tham dự và chủ trì Hội thảo, TS Nguyễn Hoàng Long Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo, để thực hiện chủ trương của Chính phủ, dù còn rất nhiều khó khăn các địa phương vẫn cần khẩn trương kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, tăng cường truyền thông về sự cần thiết của BHYT trong KCB nói chung và điều trị, chăm sóc HIV/AIDS nói riêng. Cục trưởng đã đưa ra các phương án cụ thể đối với từng mô hình tổ chức để địa phương có thể lựa chọn.