Lưu ý chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS
Báo Tiếng chuông - 19/01/2017
Hiện nay, không có thuốc điều trị HIV/AIDS để khỏi bệnh hoàn toàn mà chỉ có thuốc ức chế sự phát triển nhân lên của HIV trong máu và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Người nhiễm HIV sẽ được điều trị theo phác đồ điều trị HIV/AIDS của Bộ Y tế và được sử dụng thuốc chữa HIV mới nhất.

 

 

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài thời gian từ khi nhiễm HIV để kiểm soát không chuyển sang giai đoạn AIDS.

Thuốc chống virus: Các thuốc chống lại virus ức chế sự phát triển và nhân lên của HIV ở những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus. Hiện có một số nhóm như:

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleosid (NRTI): Đây là nhóm thuốc chống retrovirus đầu tiên được triển khai. Chúng ức chế sự sao chép của một enzym HIV là men phiên mã ngược. Nhóm thuốc này gồm zidovudine, lamivudine, didanosin, zalcitabine, stavudine và abacavir. Một thuốc mới hơn là emtricitabine, loại thuốc này phải được dùng phối hợp với ít nhất là 2 thuốc điều trị HIV/AIDS khác, loại thuốc này  điều trị cả HIV lẫn viêm gan B.

+ Các chất ức chế protease (PI): Nhóm thuốc này điều trị HIV/AIDS bằng cách cản trở sự nhân lên của HIV ở giai đoạn muộn hơn trong vòng đời của nó bằng cách tác động vào enzym protease của virus, khiến cho HIV bị rối loạn cấu trúc và không gây nhiễm. Các thuốc trong nhóm gồm saquinavir, ritonavir, indinavir, nelfinavir, amprenavir, lopinavir và atazanavir.

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược phi nucleosid (NNRTI). Loại  thuốc này gắn trực tiếp với men phiên mã ngược, gồm các thuốc nevirapine, delavirdine và efavirenz.

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược nucleotid (NtRTI). Những thuốc trị AIDS hoạt động giống với chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleotid nhưng tác dụng nhanh hơn. Thuốc duy nhất trong nhóm này là tenofovir ức chế cả HIV lẫn viêm gan B và  tỏ ra có hiệu quả ở bệnh nhân kháng NRTI.

+ Các chất ức chế hoà nhập: Không cho virus nhân lên bằng cách ngăn không cho màng virus hoà nhập với màng của tế bào khỏe mạnh. Thuốc đầu tiên trong nhóm này là enfuvirtide, enfuvirtide  tỏ ra ức chế được ngay cả những chủng HIV kháng thuốc mạnh nhất.

Thuốc điều hoà miễn dịch: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, như: Alpha-interferon, interleukin 2, Ioprinasine,...

Thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh cơ hội: Nhiều thuốc được sử dụng có hiệu quả để phòng ngừa và điều trị một số bệnh cơ hội xuất hiện ở bệnh nhân HIV/AIDS.

Năm 2011, các nhà khoa học nước Nga đã công bố loại thuốc profital có thể điều trị HIV/AIDS dứt điểm, là hy vọng mới cho điều trị HIV/AIDS, khiến nhiều người lung sục nhưng loại thuốc này vẫn chưa được xác thực, kiểm nghiệm nên mọi người không nên cố gắng tìm kiếm, sử dụng tránh cho tiền mất tật mang.

Ngoài ra việc điều trị HIV bằng thuốc đông y cũng đang là một trong những xu hướng mới của điều trị HIV/AIDS đã được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, thử nghiệm và đạt được kết quả rất khả quan. Kết hợp với việc sử dụng thuốc điều trị HIV/AIDS, bệnh nhân HIV/AIDS nên kết hợp các trị liệu bổ sung như:

- Có chế độ dinh dưỡng tốt, làm việc nghỉ ngơi điều độ.

- Liệu pháp vitamin, liệu pháp vi lượng và châm cứu,...

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc điều trị HIV

Đối với một người bệnh khi phải dùng thuốc thì việc tuân thủ điều trị sẽ đem lại hiệu quả chữa bệnh cao, nhưng đối với người nhiễm HIV/AIDS việc tuân thủ này còn ngăn chặn được HIV, phòng tránh hiện tượng kháng thuốc và duy trì một cách toàn diện sức khoẻ cho người bệnh.

Điều trị HIV cần lưu ý những vấn đề sau đây:

– Ức chế sự nhân lên của virus HIV và kìm hãm lượng virus trong máu ở mức thấp nhất. Thuốc ARV không chữa khỏi hoàn toàn bệnh HIV

– Phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc và tử vong doc các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở bênh nhân nhiễm HIV.

– Cải thiện chất lượng sống và tăng thời gian sống cho người bệnh

– Ngăn cản sự tiến triển HIV sang AIDS ở bênh nhân nhiễm HIV 

– Người điều trị HIV vẫn phải áp dụng biện pháp dự phòng lây nhiễm virut cho người khác, với những người điều trị ARV khi tình trạng miễn dịch chưa phục hồi cần tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

– Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối y lệnh điều trị.

– Do HIV có tỉ lệ nhân lên và đột biến rất cao nên cần phải dùng thuốc đúng liều, đúng giờ và đều đặn mỗi ngày. Nếu uống không đúng sẽ dẫn đến việc nồng độ thuốc trong máu thấp, các đột biến của hiv sẽ xuất hiện sự kháng thuốc, việc điều trị sẽ thất bại.

– Trường hợp phát hiện quên uống thuốc theo lịch thì phải uống ngay liều thuốc vừa quên, uống liều tiếp theo như thường lệ. Nếu thời gian uống thuốc liều kế tiếp dưới 4 giờ, cần để trên 4 giờ mới uống liều kế tiếp. Nếu quên 2 liều trong một tuần, người bệnh phải báo bác sĩ ddieuf trị để được hướng dẫn.

Tác dụng phụ của thuốc

– Buồn nôn: Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh có thể uống thuốc trong hoặc ngay sau bữa ăn hoặc có thể uống thuốc chống nôn trước khi uống ARV 30 phút. 

– Tiêu chảy: Nếu uống thuốc người bệnh thấy bị tiêu chảy, cần đánh giá mức độ tiêu chảy và các triệu chứng kèm theo. Khi bị tiêu chảy cần uống oresol để bù nước, điện giải. Nếu nặng cần truyền dịch hoặc có thể phải dùng các thuốc chống tiêu chảy để hạn chế tiêu chảy tạm thời.

– Đau đầu: Trường hợp người bệnh thấy đau đầu khi dùng thuốc có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol để giảm bớt đau đầu.

– Đau bụng, khó chịu ở bụng: Đối với hiện tượng này người bệnh cần phải theo dõi kỹ. Trường hợp đau liên tục cần tới cơ sở y tế nơi cấp thuốc để được xử lý, thậm chí là phải thay thế thuốc khác hoặc đổi phác đồ điều trị.

– Phát ban, ngứa: Cũng giống như các thuốc điều trị khác, thuốc ARV cũng có thể gây dị ứng. Nhẹ thì có biểu hiện ban đỏ rải rác, ngứa… Khắc phục bằng cách: uống thêm thuốc kháng histamin. Tuy nhiên nếu dị ứng nặng có thể đe dọa tính mạng cần ngừng thuốc ngay và điều trị tích cực tại các trung tâm y tế có đủ điều kiện.

– Thiếu máu: Một số thuốc ARV có tác dụng ức chế tủy xương làm cho tủy xương giảm khả năng sinh ra hồng cầu gây thiếu máu với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt. Thường xuất hiện sau 4-6 tuần hoặc có thể xuất hiện sau vài tháng điều trị bằng thuốc ARV. Có thể bổ sung vitamin B12, viên sắt, folic… để khắc phục tình trạng này.

– Rối loạn giấc ngủ, ác mộng: Nên dùng vào buổi tối, trước khi đi  ngủ, các triệu chứng này thường không kéo dài. Có thể dùng các loại thuốc an thần, thuốc hỗ trợ để ngủ tốt hơn.

– Bệnh lý thần kinh ngoại vi: Biểu hiện rối loạn cảm giác ngoại vi, chủ yếu ở đầu chi, đi lại khó khăn. Cần sử dụng vitamin B liều cao để hỗ trợ, nếu nặng phải thay thế thuốc.

– Thuốc có thể độc với gan, thận: Một số thuốc gây hủy hoại tế bào gan, tăng men gan, cần ngừng thuốc khi tăng men gan gấp 5 lần bình thường.

– Phân bố lại mỡ: Một số thuốc làm tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy, teo mô  mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông má.

– Độc với thần kinh trung ương: Biểu hiện lẫn lộn, rối loạn tâm thần, trầm cảm, cần dừng và thay thế thuốc khi bệnh nhân có vấn đề về tâm thần kinh.

Các thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ, vì thế trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử trí phù hợp.