![]() |
Các chuyên gia khoa học vẫn miệt mài tìm những phương pháp mang tính bước ngoặt nhằm giúp cho người nhiễm HIV/AIDS thoát khỏi căn bệnh thế kỷ. Ảnh minh họa |
Kéo dài tuổi thọ nhờ điều trị ARV
ARV là viết tắt của Antiretrovaral là một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể. Nếu điều trị ARV hiệu quả thì có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, làm giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS. Thuốc ARV được khuyến khích sử dụng kết hợp để ngăn chặn hình thành kháng thuốc.
Việc sớm tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng virus ARV giúp bệnh nhân hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Thuốc kháng virus ARV phải điều trị suốt đời, không sử dụng một thuốc hoặc 2 thuốc mà phải kết hợp từ 3 thuốc trở lên mới có tác dụng ức chế phát triển virus HIV lâu dài, tránh được hiện tượng virus HIV kháng lại thuốc. Phải uống thuốc đều đặn hàng ngày, đúng giờ và thực hiện chế độ ăn phù hợp với từng loại thuốc được sử dụng, tránh ảnh hưởng đến sự hấp thu của thuốc. Tiếp cận sớm với điều trị ARV, sử dụng phác đồ đúng và tuân thủ điều trị tốt sẽ bảo đảm sự thành công, đem lại sức khỏe tốt cho bệnh nhân.
Việt Nam là một trong 15 nước nhận được tài trợ từ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về AIDS (PEPFAR) kể từ năm 2005 trở lại đây với tổng số tài trợ trị giá khoảng 500 triệu USD. Theo chương trình này, những người nhiễm HIV ở Việt Nam được nhận thuốc ARV miễn phí.
Cấy ghép nội tạng giữa những người nhiễm HIV
Vào năm 2010, các bác sĩ tại bệnh viện Groote Schuur ở Nam Phi đã cấy ghép thận giữa hai người nhiễm HIV và có kết quả rất tích cực. Sau 3 năm, đã có 20 bệnh nhân cũng tiến hành ca cấy ghép nội tạng này.
Cụ thể, tỷ lệ sống sót sau phẫu thuật trong một năm là 84% và tại thời điểm 5 năm là 74%. Con số này thấp hơn không đáng kể so với tỷ lệ tương ứng 91% và 85% với những người âm tính HIV.
Các chuyên gia hy vọng việc cấy ghép nội tạng ở người dương tính HIV sẽ sớm bắt đầu ở Mỹ. Trong thực tế, đã có hàng nghìn bệnh nhân có cơ hội sống lâu hơn khi được tiến hành phẫu thuật cấy ghép này.
"Xóa bỏ" virus HIV ra khỏi cơ thể người
Năm 2014, nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm ra phương pháp tách các virus HIV/AIDS ra khỏi tế bào con người mà không làm tổn hại đến tế bào, mở ra hy vọng về một hướng điều trị loại bỏ hoàn toàn căn bệnh thế kỷ AIDS.
Theo đó, các chuyên gia thuộc Đại học Temple đã tách thành công virus HIV trong tế bào người bằng cách sử dụng enzym phối hợp cắt DNA có tên gọi "nuclease" và axit ribonucleic hướng dẫn (gRNA) để tiêu diệt các DNA nhiễm virus HIV (DNA HIV-1).
Từ đây, các gRNA sẽ mở đường đến các khu vực kiểm soát gene ở hai đầu hệ gene HIV. Các "nuclease" sẽ tấn công vào các khu vực này và loại bỏ bớt thành phần DNA và RNA, gồm cả hệ gene HIV. Sau đó, các tế bào có thể tự chữa lành và hàn gắn lại phần đầu các hệ gene, tái tạo lại tế bào khỏe mạnh không nhiễm virus HIV.
Tiến sĩ Kamel Khalili, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Hầu hết các phương pháp điều trị hiện nay có thể kéo dài thời gian sống của bệnh nhân HIV/AIDS nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus HIV ra khỏi cơ thể người bệnh. Phát hiện mới này mở ra hy vọng mới có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thế kỷ bằng phương pháp tách bỏ hoàn toàn hệ gene HIV ra khỏi tế bào chủ".
Phương pháp này đã được tiến hành thử nghiệm ở một số loại tế bào khác nhau, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ hơn nữa trước khi tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người.
Tinh chỉnh gene loại bỏ gene của virus HIV-1
Trong năm 2016, các nhà khoa học đã có một khám phá mang tính bước ngoặt, khi lần đầu tiên tìm ra cách loại bỏ ADN của virus HIV trong mô sống, đồng thời đưa phương pháp chữa trị tận gốc căn bệnh thế kỷ này đến gần chúng ta thêm một bước.
Các chuyên gia từ Đại học Temple (Mỹ) sử dụng công nghệ tinh chỉnh gene đã có thể loại bỏ gene của virus HIV-1 (virus HIV cơ bản nhất) trong cơ thể của chuột. Đây là lần đầu tiên con người có thể làm được điều này trên một cơ thể đang sống.
Theo đó, các chuyên gia đã sử dụng một loại virus đã "thuần hóa" - rAAV. Giáo sư Khalili cho biết: "Khả năng phân phối đến nhiều cơ quan và chỉnh sửa gene HIV của virus này là những điểm cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết trọn vẹn căn bệnh thế kỷ".
Các thử nghiệm trên con người sẽ được thử nghiệm trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu.
Giảm kích thước của các ổ lưu trú HIV
Việc các chuyên gia khoa học đang thử nghiệm thuốc GS-9620 là triển vọng lớn điều trị HIV. Thuốc GS-9620 với cơ chế gắn kết vào thụ thể TLR7 (The Toll-Like Receptor 7), có khả năng đánh thức các tế bào lympho đã nhiễm HIV, khiến chúng tái hoạt động và sinh sản. Sau đó, các tế bào này bị tiêu diệt bởi thuốc điều trị kháng virus ARV. Dòng thuốc mới này được kỳ vọng làm giảm kích thước của các ổ lưu trú HIV, vốn là nguyên nhân quan trọng khiến việc điều trị HIV phải duy trì suốt đời.
Hai nghiên cứu của hãng dược Gilead trên nhóm thuốc gắn kết thụ thể TLR7, mang tên GS-9620 đã được công bố tại Hội nghị Conference on Retroviruses and Opportunistic Infections (CROI) ở Seattle. Hiện, thuốc GS-9620 đã tiến hành thử nghiệm pha I và đánh giá độ an toàn trên người.
Protein Gammora có thể chữa HIV
Các chuyên gia nghiên cứu đến từ Đại học Jerusalem’s Hebrew, Israel vừa tuyên bố loại protein có tên Gammora có thể làm giảm virus HIV, tiền thân của căn bệnh AIDS khoảng 97%.
HIV bắt đầu tấn công nhanh vào hệ thống miễn dịch từ khi ta mắc phải, phá hủy các tế bào mang chức năng bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Do đó, Gammora buộc các virus sản xuất quá tải trong các tế bào, gây ra một loại làm vô hiệu hóa virus.
Phát ngôn viên của Lực lượng đặc nhiệm AIDS Israel Hagai Ayad cho hay: “Những loại thuốc được bán trên thị trường có thể làm giảm và ngăn ngừa HIV trở thành AIDS. Chúng có thể ngăn chặn nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn virus”. Do đó, Gammora là "một phương pháp mới, có thể đem đến cơ hội chữa trị hoàn toàn HIV/AIDS”. Các thử nghiệm lâm sàng cho loại protein này dự kiến sẽ bắt đầu trong năm tới.
Truyền máu từ dây rốn của người có gene kháng HIV
Mới đây các bác sĩ tại Barcelona (Tây Ban Nha) đã xác nhận có thể chữa được HIV bằng cách truyền máu từ dây rốn của người có gene kháng HIV để loại bỏ virut HIV.
Thực tế họ đã đạt được thành quả bất ngờ với một bệnh nhân đặc biệt. Đó là một người đàn ông 37 tuổi sống tại Barcelona. Người này bị nhiễm HIV từ năm 2009, nay đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, gene đột biến CCR5 Delta 35 đã tác động đến protein trong bạch cầu, qua đó giúp cơ thể sở hữu khả năng kháng lại HIV. Ước tính, chỉ 1% dân số thế giới mang gene CCR5 Delta 35 trong người.
Trước khi truyền máu, toàn bộ tế bào máu của bệnh nhân sẽ bị phá hủy, thay thế bằng các tế bào mới mang gene kháng HIV. Việc này nhằm bảo đảm cho virus không thể gắn kết vào các tế bào cũ nữa.
▪ Phát minh loại thuốc uống một liều kéo dài tác dụng trong hai tuần (21/11/2016)
▪ Phát hiện kháng thể vô hiệu hóa 98% các chủng virus HIV (19/11/2016)
▪ Quy định việc thanh toán và hỗ trợ thuốc kháng Virus HIV (16/11/2016)
▪ Israel phát hiện protein có thể chữa HIV (04/11/2016)
▪ BHYT: Giảm gánh nặng kinh tế cho người nhiễm HIV/AIDS (02/11/2016)
▪ Thí điểm bán dụng cụ xét nghiệm HIV trong trường đại học (28/10/2016)
▪ Tích cực mở rộng BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS (18/10/2016)
▪ Thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia (17/10/2016)
▪ Vẫn quá sớm để khẳng định chữa được HIV (08/10/2016)
▪ Trong tương lai, công nghệ sẽ đẩy lùi bệnh HIV (04/10/2016)