Các protein tý hon giúp rạn san hô phát sáng một cách bí ẩn có thể là mấu chốt đảm bảo sự sống của các sinh vật trong rạn san hô. Giới khoa học cho biết, các protein này cũng có thể giúp tìm ra các phương pháp điều trị mới.
Được biết đến như là protein phát sáng, các phân tử này hấp thụ ánh sáng của một màu và phát sáng theo một màu khác. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa giải thích được tại sao chúng lại làm thế. Nhưng họ tin rằng, cơ chế này có thể giúp protein tạo ra thức ăn hoặc lớp phủ chống nắng. Hiểu rõ hơn về vai trò của protein có thể giúp ngăn chặn được sự huỷ hoại các rạn san hô.
Vincent Pieribone, giáo sư sinh học thần kinh và sinh lý học phân tử tế bào tại ĐH Yale (Mỹ), cho biết: "San hô là sinh vật bị đe dọa nhiều bậc nhất trên thế giới. Có hàng ngàn loài san hô, trong đó nhiều loài đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng".
Hiện nay, cộng đồng y tế đang sử dụng protein phát sáng trong phòng thí nghiệm để theo dõi và nghiên cứu các quá trình sinh học có liên quan đến AIDS, bệnh Alzheimer, ung thư và nhiều loại bệnh khác. Các nhà nghiên cứu có thể gắn phân tử phát sáng vào một protein trong tế bào ung thư đang chia đôi hoặc một virus đang lây lan. Sau đó, bằng cách chiếu sáng màu sắc phù hợp, họ có thể quan sát tế bào phân chia hoặc virus lây lan như thế nào, điều không thể thực hiện được nếu không có các protein đặc biệt đấy.
Giới khoa học hy vọng, một ngày nào đấy các protein này sẽ làm sáng rõ sự phức tạp của hệ thần kinh người. Pieribone nói: "Mục đích của chúng tôi là đưa các protein phát sáng vào não sinh vật để xem não hoạt động ra sao. Quan sát được não làm việc như thế nào - dây thần kinh chỉ huy một hành động cụ thể, chẳng hạn như nhấc chân lên - các nhà nghiên cứu có thể sẽ tìm ra cách khắc phục các tổn thương thần kinh cột sống".
Nhiều người bị tổn thương thần kinh cột sống nghiêm trọng có thể ra lệnh cho cơ ở trong não. Nhưng nếu mô thần kinh bị tổn thương, các thông điệp từ não sẽ không thể nào đến được với cơ. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu y khoa là tìm cách đọc mệnh lệnh từ não, sau đó chuyển tới các mô cơ thể phù hợp, có thể là bằng robot.
Protein phát sáng được phát hiện cách đây khoảng 40 năm trong loài sứa Aequorea sống ven biển tây bắc Thái Bình Dương. Vào những năm 1990, khoa học đã nhân bản được các phân tử phát sáng. Các nhà nghiên cứu đã biết cách làm thế nào để gắn phân tử này với tế bào và protein trong cơ thể sinh vật, kể cả con người. Bước đột phá này cho phép protein phát sáng được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu y sinh học.
Giới nghiên cứu đã có thể xử lý ADN của protein phát sáng ở sứa để lấy màu vàng và xanh sẫm. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thể với tay đến được protein màu đỏ, vốn có khả năng thâm nhập sâu vào mô sống. Năm 1999, một nhóm khoa học Nga đã tìm ra một protein giống protein phát sáng ở cỏ chân ngỗng biển (Anemonia majano). Kể từ đấy đến nay, họ đã phát hiện và nhân bản được một số loại protein phát sáng khác từ các loài sống trong rạn san hô, và chắc chắn bản danh sách vẫn chưa kết thúc.
Theo VNN
▪ Sử dụng protein đánh bật HIV khỏi nơi ẩn nấp (05/01/2005)
▪ Cai nghiện từ... não bộ! (08/01/2005)
▪ Phát hiện ra cách mới ngăn chặn HIV tái tạo (07/01/2005)
▪ Năm 2005, dành 10 tỷ đồng mua thuốc điều trị HIV/AIDS (31/12/2004)
▪ Một phát hiện mới trong điều trị AIDS (27/12/2004)
▪ Thí điểm điều trị chống tái nghiện heroin bằng Naltrexone (23/12/2004)
▪ Phương pháp châm cứu hỗ trợ cai nghiện ma tuý .. (13/12/2004)
▪ SH, thuốc trị AIDS mới từ dược thảo (12/12/2004)
▪ Thuốc AIDS giá rẻ sẽ được bán rộng rãi theo đơn bác sĩ (11/12/2004)
▪ Tìm ra các gene chủ đạo đối kháng HIV (10/12/2004)