Bảy cô Tấm của bệnh nhân AIDS
Các Website khác - 09/06/2006

 

Một “cô Tấm” đang chăm sóc cho bệnh nhân ở khoa truyền nhiễm Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) - Ảnh: HẢI HÀ

TT - Bảy cô đều bị nhiễm HIV từ chồng. Nhưng họ không buông xuôi cho số phận mà cứ khát khao sống, khát khao nuôi hi vọng từ việc giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Những người ở Hải Phòng gọi các cô là “những cô Tấm của người mắc AIDS”. Bài viết dưới đây như một ý kiến tham gia diễn đàn về lắng nghe và chia sẻ...

Hơn một năm nay, hình ảnh những nữ tình nguyện viên bị nhiễm HIV này đã trở nên quen thuộc đối với các bác sĩ, y tá và bệnh nhân Bệnh viện Việt Tiệp. Tuần bốn ngày, bảy cô cắt cử nhau thành hai nhóm, một nhóm gồm Lan, Lan Anh, Quyên và Giang trực thứ ba và thứ tư, còn nhóm của Sáu, Mến và Gái làm thứ bảy và chủ nhật.

Hiện nhóm được NAV (Tổ chức Bắc Âu trợ giúp VN) hỗ trợ một chút kinh phí: ăn trưa và đi lại. Ngoài ca trực họ đi làm thêm để nuôi sống bản thân nhưng điều đó không làm giảm nhiệt huyết trong họ. Gặp những trường hợp hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ mà nhóm không đủ lực, các cô chạy đi gõ cửa những nhà hảo tâm để làm cầu nối từ nhịp cầu đó, nhiều gia đình khốn quẫn đã được trợ giúp. Mới đây, một tổ chức từ thiện đã tài trợ hơn 100 cháu nhỏ có cha mẹ nhiễm HIV/AIDS tại Hải Phòng đi chơi dịp tết thiếu nhi…

Họ làm tất tật các công việc, lúc chăm sóc bệnh nhân, khi lại hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách cho ăn uống, rửa vết thương, tắm gội ra sao... Họ vui miệng đùa với chúng tôi: “Công việc của chúng tôi lúc thì như y tá, hộ lý, khi lại như người nhà bệnh nhân”. Chúng tôi biết có bệnh nhân vốn sống lang thang ra đi trong đơn độc, nhóm đã tắm rửa, khâm liệm cho người xấu số.

Trưởng nhóm Nguyễn Thị Sáu cho biết hiện tại ngoài việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện, nhóm thường xuyên xuống cộng đồng tư vấn, hướng dẫn gia đình người nhiễm HIV cách chăm sóc ăn uống, điều trị; những địa chỉ phát thuốc chữa miễn phí...

Không dừng lại ở đó, nhóm còn thiết lập được mạng lưới “chân rết” khá đông đảo là các nhóm mở rộng tại tám quận huyện ở Hải Phòng với gần 70 thành viên; các thành viên được nhóm đưa lên bệnh viện tập huấn các kỹ năng chăm sóc để trở về cộng đồng giúp đỡ người bệnh.

Chúng tôi gặp các tình nguyện viên sau buổi họp “nhóm chủ chốt” tại một quán nước bên cổng bệnh viện. Họ đến bằng xe đạp. Nhìn những gương mặt tươi như hoa, ríu rít chuyện trò, ít ai nghĩ rằng họ đang mang trong mình thứ virus quái ác. “Tìm lại sự lạc quan trong tột cùng bất hạnh quả không dễ dàng.

Đã có lúc chúng tôi ngỡ cuộc đời mình đã đến bước đường cùng” - Sáu tâm sự. Sáu đã có những chuỗi ngày chìm trong đớn đau tuyệt vọng, bởi lấy chồng chưa kịp làm mẹ cô đã trở thành góa phụ mang virus HIV nhiễm từ chồng. Đầu năm 2005, khi trở thành tình nguyện viên chăm sóc cho bệnh nhân AIDS, cô nhận ra rằng cuộc đời vẫn đầy ý nghĩa khi mình còn giúp ích được cho người khác.

Với Lan, người đã cùng Sáu gây dựng nhóm “Phụ nữ tự lực”, điều an ủi duy nhất chính là cô con gái 3 tuổi không bị nhiễm virus như bố mẹ nó. “Ngày đen tối” đã chấm dứt khi Lan dứt khoát đưa chồng đi cai nghiện, còn mình sắp xếp thời gian để đi tình nguyện. Các thành viên khác trong nhóm cũng thế, có người còn bị gia đình hắt hủi, người thân xa lánh... “Trong hoàn cảnh ấy, người ta rất cần một chỗ dựa, một sự sẻ chia…” - Lan tâm sự.

Và nhóm “Phụ nữ tự lực” chuyên chăm sóc những người cùng cảnh ngộ đã ra đời. Mỗi thành viên đều tự nhủ nếu trong nhóm có ai ngã xuống trước thì mình sẽ tận tình chăm sóc.

TRỌNG PHÚ - HẢI HÀ