Hội thảo “ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS cho trẻ em” (7/7/2008)
Các Website khác - 08/07/2008
 
“Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS cho trẻ em” là tiêu đề hội thảo do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF ) phối hợp cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế) tổ chức tại Thác Đa, Ba Vì ( Hà Tây) ngày 05/7/2008. Tham dự có đại diện UNCEF, lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế), Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ( Bộ LĐ-TBXH), cơ quan phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hà Tây, lãnh đạo câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng chống HIV/AIDS cùng đông đảo phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí cả nước.

    Sau phần phát biểu khai mạc về mục đích nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em của hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Chu Quốc Ân đã có bài trình bày về thực trạng tình hình dịch HIV/AIDS trong trẻ em trên thế giới và ở Việt Nam. Theo đó, tính đến tháng 12/2007, thế giới hiện có 33,2 triệu người nhiễm HIV còn sống, trong đó phụ nữ có 15,4 triệu người và có tới 2,5 triệu người nhiễm là trẻ em dưới 15 tuổi….Đối với nước ta, số người nhiễm hiện còn sống là khoảng 122 ngàn người, tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi từ 20- 39 ( chiếm 80,28%) và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Mặc dù hiện tại, con số trẻ em nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS chưa cao song với chiều hướng nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai ngày càng tăng đòi hỏi Việt Nam cần phải có những đánh giá, nhận định và giải pháp kịp thời nhằm giảm thiểu các tác động của HIV/AIDS đến gia đình và trẻ em. Về vấn đề này, ông Chu Quốc Ân cho biết, ngoài các tác động gián tiếp của HIV/AIDS như phá vỡ cấu trúc gia đình, làm mất đi thu nhập, tăng chi phí chi tiêu, ảnh hướng nghiêm trọng đến đời sống của phụ nữ và trẻ em, HIV/AIDS còn ảnh hưởng tực tiếp đến trẻ như làm cho các em trở thành mồ côi; đời sống trở nên khó khăn hơn, lâm vào nghèo đói, không được chăm sóc và làm mất đi nhiều quyền cơ bản khác của trẻ…
Tiếp đó, các đại biểu cũng đã được nghe bà Marjatta, Trưởng phòng Y tế Dinh dưỡng UNICEF Việt Nam trình bày vấn đề về tăng cường đáp ứng đối với vấn đề trẻ em và AIDS với các nội dung chủ yếu đề cập đến Chương trình Hành động Hà Nội- Mục tiêu đoàn kết vì trẻ em- chung tay phòng chống HIV/AIDS: “4Ps”, bao gồm: Prevent mother-to- children transmission of AIDS ( Dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con); Provide paediatric treatment ( Điều trị cho trẻ nhi nhiễm HIV); Prevent infection among adolescents and young people ( Dự phòng lây nhiễm ở nhóm thành niên và vị thành niên) và Protect and support children affected by HIV/AIDS ( Bảo vệ và hỗ trợ trẻ bị ảnh hưởng và AIDS). Bà Marjatta cũng đã cung cấp thông tin về tình hình dịch HIV tại khu vực châu á- Thái Bình Dương 2007; tăng cường “4Ps” trong khu vực và các hoạt động nhằm giảm lây truyền từ mẹ sang con thông qua điều trị bằng thuốc ARV và điều trị trẻ nhiễm HIV/AIDS bằng ART…;
Các nhà báo tham dự hội thảo cũng đã được nghe ông Nguyễn Anh Quang, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS trình bày, chia sẻ về tình hình lây nhiễm HIV; trao đổi, thảo luận về những mô hình, trường hợp cụ thể trong công tác nâng cao nhận thức, giảm phân biệt đối xử, kỳ thị đối với trẻ em nhiễm HIV cũng như các giải pháp cho các em hoà nhập cộng đồng tại một số địa phương ở Hà Tây.
Trong khuôn khổ một ngày hội thảo, các đại biểu cũng đã được nghe các phần trình bày về chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác phòng chống HIV/AIDS ở trẻ em của Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ( Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Trọng An và tổng quan công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV/AIDS của Cục Phòng chống HIV/AIDS; cùng các chuyên gia chia sẻ những khái niệm, thuật ngữ và phương pháp tiếp cận đối tượng, xử lý thông tin khi viết bài về người bị nhiễm HIV nói riêng và lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS nói chung.
Đặc biệt, các đại biểu tham dự hội thảo cùng các nhà báo đã có dịp tâm sự, chia sẻ với hai cha con bị nhiễm HIV/AIDS, đại diện cho những người không may bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Ba Vì, Hà Tây đến tham dự và đóng góp ý kiến với Hội thảo./.
Tuấn Cường ( Tạp chí LĐXH)