Từ một cô bé nghèo khổ, có sắc, Nhi trở thành người đẹp của thành phố biển và là phu nhân giầu có với những gấm lụa, trang sức đắt tiền nhờ lấy được đại gia. Nhưng con đường sung sướng thật ngắn ngủi khi chồng cô bị bắt vì tội buôn đồ cổ trái phép. Cô không đủ nghị lực để vượt qua và trượt dài trong vực sâu thẳm của ma tuý, mại dâm và kết cục là bị nhiễm HIV. Nhưng ánh sáng đã dẫn đường chỉ lối để cô được gặp lại đứa con trai yêu dấu của mình...
Lâm Uyển Nhi sinh năm 1975 tại thành phố biển Nha Trang. Cha bỏ đi khi Nhi còn thơ dại, cô lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Đời sống gia đình cô vô cùng khó khăn. Tuổi thơ của cô phải lam lũ với cây ngô, cây lúa ngoài đồng. Gắng học được lên lớp 9, cô đành phải chia tay trường lớp và thầy cô, bè bạn vì gia đình không đủ điều kiện. Có lẽ cuộc đời của cô sang trang từ khi cô tham dự cuộc thi người đẹp thành phố biển và đạt giải cao nhất. Cô tiến xa hơn qua những đêm trình diễn thời trang tại thành phố Hồ Chí Minh. Và hơn thế nữa là để thực hiện ước mơ xây cho mẹ một ngôi nhà, thay cho ngôi nhà dột nát.
Trong một buổi trình diễn thời trang từ thiện, cô đã lọt vào mắt xanh của một “người hùng”. Anh là người Pháp, giầu có và cũng tới đây để làm từ thiện. Sau buổi diễn anh đã tới làm quen và tặng cô một bó hoa rất đẹp có kẹp thêm 500USD. Sau đó, anh có lời mời cô tới Đà Lạt để làm chương trình từ thiện. Cô đã đồng ý. Chỉ sau 7 tháng, hai người bén duyên và làm lễ kết hôn. Cô tự hào vì mình đã có chỗ dựa vững chắc trong bước đường còn nhiều chông chênh. Anh luôn luôn bên cạnh để chở che cho cô, vừa như là người cha, người anh, người bạn.. Nhưng vì qúa yêu nên anh dễ nổi “máu hoạn thư” khi cô xuất hiện trước ánh đèn lung linh của sân khấu, khi có những chàng trai trêu trọc và dõi theo… Nhi đành phải bỏ nghề. Nhưng trong lòng cô không thôi ước mơ tiến xa theo con đường nghệ thuật. Nhi muốn mở một câu lạc bộ khiêu vũ và quyết định sang
Chỉ còn một cách để giúp Nhi đoạn tuyệt với ma tuý, chồng cô quyết định đưa vợ sang định cư tại Pháp. Trước khi đi, chiều vợ, anh đã đồng ý đi một chuyến du lịch xuyên Việt để lưu lại kỷ niệm. ở Hà Nội, trước ngày sang Pháp, chồng cô thực hiện một phi vụ từ Bỉ sang Anh và dặn vợ “khoảng 10 ngày anh về”. Nhưng không ngờ đó là chuyến chia tay mãi mãi. Anh bị bắt vì tội buôn đồ cổ trái phép. Cú sốc đó đã đưa Nhi trở lại với “nàng tiên nâu”. Cô gặp lại bạn cũ từ thành phố Hồ Chí Minh ra, hai người rủ nhau đi chùa Hương. Cô đã khóc khi nhớ lại nơi đây cô đã từng được chồng cõng lúc mà chân không còn leo nổi. Người bạn thấy cô ủ rũ đã lấy hêrôin mời cô… Tiền bạc, đồ trang sức lần lượt ra đi theo làn khói thuốc. Vì không biết mua thuốc ở đâu, cô phải nhờ bạn mua hộ. 2 triệu 1 liều cô cũng mua, bạn còn dọa thuốc rất đắt và dễ bị công an bắt bỏ tù… Mà đã nghiện rồi thì còn nghĩ gì khác ngoài việc làm sao cho qua cơn vật vã. Tết đến, cô vẫn lang thang, không dám về nhà. Tiền cạn. Bạn lại rủ đi làm mại dâm. Được hơn một tháng thì cô bị công an bắt. Do khéo léo trình bầy hoàn cảnh nên cô được thả. Nhưng biết đi đâu về đâu, làm gì bây giờ? Cơn vật vã khiến cô lại quen đường cũ. Được 3 ngày cô bị bắt đưa vào Trung tâm Lộc Hà. Rồi lên Trung tâm Ba Vì. Tổ y tế gọi cô lên để kiểm tra sức khỏe, và thông báo cái tin cô đã nhiễm HIV...
Tình tiết đáng lo sợ nhất không chỉ dừng ở đó, mà chắc sẽ có nhiều người rùng mình khi nghe cô kể lại: “ Lúc đi khách, tôi luôn yêu cầu đối tác đeo bao và nói mình bị nhiễm HIV, nhưng chỉ có khoảng 50% khách làng chơi chịu dùng, số còn lại vì muốn có cảm giác thật, có người còn bảo “trông cô khoẻ thế kia, si đa thế nào được”. Trong người tôi thường chỉ mang 2-3 chiếc bao, gặp khách hàng là người lao động ngoại tỉnh, không có tiền nên họ chơi tập thể thì đâu có đủ bao…”
Hết hạn ở Trung tâm, cô về Vĩnh Phúc ở nhờ nhà bạn. Một lần theo bạn đi hát tại quán cà phê, cô lại cặp với một người đàn ông và có bầu. Nhưng anh ta đã né tránh và nhờ người đưa cho cô 1 triệu đồng rồi bặt tin luôn từ đó. Có tiền, cô lại dốc hết vào để mua thuốc. Hết tiền cô lại về Hà Nội đứng đường. Mặc dù bụng to vượt mặt nhưng cô vẫn đi nhưng chẳng có khách. Đôi khi xin xỏ được 10 nghìn đủ để thuê trọ qua đêm. Không kiếm được thì nay ngủ bờ này, mai bụi khác. Cô cũng ý thức được rằng mình phải găm vài trăm trong người để đợi khi sinh. Nhưng không kiếm được tiền, cơn vật mỗi ngày đã dốc hết hầu bao cuối cùng đó.
Sinh con được 7 ngày. Cũng là 7 ngày hai mẹ con phải nằm ở ghế đá trong vườn hoa lạnh lẽo. Đến lúc đứa con sốt nặng, cô cuống cuồng bế con vào viện. Không phải là để chữa bệnh cho con vì đâu có tiền mà là bỏ nó trước phòng bác sĩ, những mong con được cứu chữa.
Ra vào Trung tâm tới 3 lần. Nhưng lần này Nhi đã quyết định ở lại hẳn vì được gặp lại con mình. Nếu như không có những ngôi nhà nhân ái như Trung tâm giáo dục lao động số 2 Ba Vì thì cuộc đời cô sẽ ra sao? Và nếu lang thang thì liệu sẽ có bao nhiêu người bị lây nhiễm căn bệnh chết người chỉ vì không chịu bảo vệ, vì thiếu hiểu biết…
Bỏ con trong cơn nguy quẩn tuyệt vọng, Nhi không mong được gặp lại con. Một đứa trẻ còn chưa khô rốn đã phải cùng mẹ lang thang vạ vật tại vườn hoa lạnh lẽo, rồi bị bỏ rơi không hơi sữa, không hơi ấm mà có thể sống được. Có lẽ bù lại tất cả những gì thiệt thòi nhất mà bé phải chịu từ khi mới lọt lòng, ông trời đã trao lại bản năng sống cho bé quyết liệt hơn những đứa trẻ khác. Sự kỳ diệu với bé không chỉ được nương tựa nơi trung tâm mà còn được gặp lại mẹ, được chăm sóc và được mẹ ru hời...
Mong muốn lớn nhất của Nhi bây giờ là nhận được sự thông cảm từ mọi người, và tha thiết mong cha, mẹ ruột ở nơi xa hãy bỏ qua cho cô những lỗi lầm. Người cha của con cô hãy vì tương lai của đứa bé mà dang tay đón nhận lại con mình. Tin vui nhất đã giúp Nhi sống thanh thản là may mắn đứa con của cô đã không bị nhiễm HIV.
Khánh Quỳnh
▪ Điều gì làm nên sức mạnh tình yêu? (19/05/2006)
▪ Sex Chống AIDS (19/05/2006)
▪ Đông Âu và Trung Á báo động trước dịch HIV/AIDS (18/05/2006)
▪ Sự lãng mạn của Adam (16/05/2006)
▪ San Francisco kỷ niệm 25 năm chống AIDS (16/05/2006)
▪ Vì sao người ta yêu (13/05/2006)
▪ Zimbabwe: Kết án người phụ nữ xâm hại tình dục trẻ em (12/05/2006)
▪ CDC: Đưa xét nghiệm HIV vào thủ tục bắt buộc (12/05/2006)
▪ “Kiều nữ” tân thời (09/05/2006)
▪ Những gì phụ nữ thực sự cần (09/05/2006)