Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngay cả những người khỏe mạnh cũng còn phải “thắt lưng buộc bụng” với các khoản chi tiêu hàng ngày thì với những người có HIV, ngoài nỗi lo cơm áo, họ còn thêm một nỗi lo nữa là liệu có được tiếp tục nhận thuốc điều trị ARV miễn phí như trước đây.
Hầu hết những người có HIVđang được điều trị ARV ở nước ta hiện nay đều gặp khó khăn về kinh tế và không có khả năng chi trả nếu nguồn thuốc viện trợ bị cắt giảm.
Anh Nguyễn Văn Dũng, một người có HIV đang được điều trị ARV theo chương trình cấp thuốc miễn phí tại bệnh viện Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, “Tôi có nghe phong phanh là có thể lượng thuốc sẽ bị cắt giảm, do đó một số người sẽ không được cấp thuốc miễn phí nữa. Nếu đó là sự thực thì quả là điều đáng sợ, thậm chí tôi không dám nghĩ tới chuyện đó”.
Tình hình điều trị ARV ở Việt Nam (tính đến 2/2008) Dự án | Số điểm điều trị ARV | Số bệnh nhân | Chương trình Quốc tế | 94/64 tỉnh | 1818 | CT Quỹ Tòan cầu | 64 /20 tỉnh | 4692 | PEPFAR | 39 /6 tỉnh | 9771 | Quỹ Clinton và chương trình quốc gia | 8 /6 tỉnh | 1045 | Tổng cộng | | 17582 |
|
Nỗi lo này không chỉ của riêng người có HIV, không ít cán bộ y tế cũng bày tỏ những trăn trở của mình. Bác sĩ Trần Văn Tùng, một cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm điều trị cho người có HIV tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tâm sự, “Tất nhiên, điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của cán bộ y tế, bản thân chúng tôi không bao giờ mong muốn như vậy, nhưng nếu điều tồi tệ ấy xảy ra, chúng tôi cũng không biết sẽ phải giải thích với bệnh nhân ra sao để họ hiểu”.
Một tin vui mới nhận được, đáp lại câu hỏi của các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày Thế giới Phòng chống HIV/AIDS, mùng 1 tháng 12 năm 2008, đại diện Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) đã khẳng định, kinh phí hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS chắc chắn sẽ không bị cắt giảm. Tuyên bố này, dường như đã bớt được phần nào nỗi lo lắng của hàng vạn người có HIV ở Việt Nam đang được điều trị ARV miễn phí theo các chương trình hỗ trợ quốc tế.
Ông Peter Piot, giám đốc điều hành của UNAIDS nói: Chúng ta đừng nên quên rằng, HIV/AIDS đang hoành hành ở mọi nơi. Chúng ta có nhiều lý do để quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là trong ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS. Trước tiên, vì chúng tôi đã tìm cách để duy trì những gì chúng ta đã làm được bất chấp ảnh hưởng do khủng hoảng về kinh tế, tài chính gây ra. Thứ hai, vì những gì chúng ta đang làm vẫn chưa đủ để đẩy lùi HIV/AIDS trong lĩnh vực phòng tránh và điều trị. Và thứ ba, vì ngăn chặn HIV/AIDS là một công việc đầy khó khăn, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian và công sức. Phòng chống HIV/AIDS phải gắn liền với bảo vệ quyền con người, đấu tranh cho sự bình đẳng giới và tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe xã hội”.
Quốc Khánh