Người phụ nữ chất phác. Chị Xót không biết chữ, không biết đi xe đạp. Nơi xa nhất mà chị từng tới có lẽ là thành phố Nha Trang, chỉ cách nhà chưa đầy 10km. Cuộc sống lam lũ, phẳng lặng của người phụ nữ nông thôn chất phác, ít giao tiếp nên chị không biết HIV là gì, càng không thể nghĩ đến việc mình có thể nhiễm HIV. Thậm chí khi chồng mất vào năm 2001, chị và bốn người con cũng không tưởng tượng đến chuyện đó. Mãi năm sau chị mới biết mình cũng đang mang HIV trong người. Nhà không có ruộng, mướn ruộng làm cũng không đủ ăn. Hàng ngày, chị tỉ mẩn ra vào bắt sâu, tưới, bón mảnh vườn độ 100m2 để lấy rau ăn. Nhờ Nhóm Giáo dục đồng đẳng, chị nhận được 500USD làm vốn mua một con bò cái. Thế là lại có thêm việc cắt cỏ, phơi rơm để dành và dắt bò đi ăn cỏ. Có lẽ đến nay chị Xót cũng chưa thể hiểu được một cách đầy đủ về HIV/AIDS. Và chị cũng chưa ý thức được vai trò của phụ nữ trong phòng, chống căn bệnh này. Hàng ngày, mối quan tâm lớn nhất của người đàn bà lam lũ vẫn chỉ là những công việc nhà nông đơn sơ mà bận rộn để lo cho cuộc sống. Nhưng với những việc làm của mình, chị đã minh chứng được với mọi người rằng, dù có nhiễm HIV/AIDS vẫn có thể sống và làm việc như bao nhiêu người khác. Bởi “cuộc sống vẫn tiếp diễn” Chị thật thà kể: “Tôi đã 50 tuổi rồi. Khi ông xã mất, xã kêu tôi lên thử máu, cho uống thuốc 3-4 tháng. Ngày ngày tôi ra vườn chăm rau, rồi đi chăn bò. Thu nhập ít. Một năm phải mất 5 tháng mùa mưa là không làm được rau, nên thiếu ăn dài. Tôi không có lo lắng gì về sức khoẻ cả. Tôi vẫn bình thường. Người đàn ông phong trần. Rất nhiều người trong giới lao động ở thành phố Cà Mau gọi anh là Khải Si Đa. Anh không hề có ý định che giấu bệnh của mình. Có lẽ vì sống vô tư và lao động chân tay nhiều nên trông anh thật rắn rỏi, mạnh khoẻ. Khuôn mặt phong trần luôn ánh lên nụ nười trong sáng. Anh khoe “Mỗi bữa tôi vẫn ăn hết bay hai suất cơm”. Tám năm về trước, vợ anh mất do AIDS. Hàng xóm sợ hãi đến mức bí mật đốt căn nhà của gia đình anh. Cô đơn và tuyệt vọng, gửi đứa con duy nhất lại cho mẹ đẻ ở quê, Khải đạp chiếc xe lôi vừa đi vừa kiếm tiền sau một tuần thì tới thị xã Cà Mau. Sống che giấu một thời gian, đến năm 2000 anh mới tham gia vào nhóm giáo dục đồng đẳng do Trung tâm Y tế thành phố tổ chức. Nhờ sự can thiệp của ngành y tế, Khải được sử dụng một chiếc xe lôi máy để làm ăn. Mỗi ngày anh kiếm khoảng trăm ngàn đồng, đủ để chi tiêu, gửi về nuôi con trai ăn học và thi thoảng giúp đỡ người phụ nữ đã chia sẻ cùng anh những vui buồn trong cuộc sống. Anh tâm sự: “Ngày cao nhất tôi kiếm được chừng trăm ngàn đồng từ chiếc xe ba gác, tới tận Rạch Giá, Bạc Liêu, xa nhất là khoảng 300 km. Tôi bị nhiễm HIV nhưng không phải dấu, không phải sợ, mình có làm gì lây cho họ đâu. Tôi biết mình nhiễm HIV cách đây 7 năm rồi, sức khoẻ vẫn tốt. Nhiễm là do chích chung với vợ, ngày đó đã nghe tới HIV nhưng chưa hiểu con đường lây. Bị rồi mới được tư vấn. Nay tham gia đồng đẳng, đi tuyên truyền cho người nghiện. Tôi có lên truyền hình vài lần nên nhiều người biết tôi rồi, nhưng họ không ngại khi đi xe của tôi”. Dù HIV là hiện hữu, nhưng chị Xót, anh Khải và nhiều người nhiễm HIV khác nữa đã chứng minh được rằng, cuộc sống vẫn có rất nhiều ý nghĩa. Họ vẫn ngày ngày lao động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, giúp ích cho mình và đóng góp cho xã hội. Và những tấm gương như chị Xót, anh Khải sẽ khuyến khích, động viên rất lớn đối với những người không may mắc vào “căn bệnh thế kỷ”. Khánh Quỳnh |
▪ Hiệp hội y khoa HIV vui mừng trước bản đạo luật CARE tái cấp phép (22/05/2006)
▪ Có phải tình dục để "giải đen"? (22/05/2006)
▪ Cuộc đời Lâm uyển nhi (20/05/2006)
▪ Điều gì làm nên sức mạnh tình yêu? (19/05/2006)
▪ Sex Chống AIDS (19/05/2006)
▪ Đông Âu và Trung Á báo động trước dịch HIV/AIDS (18/05/2006)
▪ Sự lãng mạn của Adam (16/05/2006)
▪ San Francisco kỷ niệm 25 năm chống AIDS (16/05/2006)
▪ Vì sao người ta yêu (13/05/2006)
▪ Zimbabwe: Kết án người phụ nữ xâm hại tình dục trẻ em (12/05/2006)