Vài tháng gần đây, tại các quán bia, quán bar, bến xe, thậm chí cả chợ lao động tại Hà Nội xuất hiện một nhóm bạn trẻ mặc đồng phục, vai đeo túi xách, cầm một xấp giấy trên tay... Khách hàng trong "tầm ngắm" cần được "chăm sóc" đặc biệt chính là cánh mày râu.
Không ít người lầm tưởng họ là nhân viên tiếp thị thuốc lá hay rượu, bia. Hỏi thì nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ: "Vâng, chúng tôi là nhân viên tiếp thị, sản phẩm chúng tôi mang đến là sức khỏe tình dục an toàn cho nam giới".
Công việc của những tiếp thị viên sức khỏe (TTVSK) bắt đầu từ 17 giờ 30, giờ mà cánh mày râu chọn các quán nhậu làm điểm hẹn sau một ngày làm việc. TTVSK Nguyễn Trọng Đồng cho hay: "Chúng tôi chia làm các nhóm nhỏ phát tài liệu truyền thông, phát bao cao su, giới thiệu khách hàng tới dịch vụ tư vấn sức khỏe nam giới, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, thông tin liên quan đến phòng chống HIV/AIDS... Nói chung, tùy thuộc vào khách hàng, ai có nhu cầu giải đáp gì chúng tôi tư vấn tại chỗ luôn". Nghe Đồng nói, tôi thắc mắc: "Chuyện tế nhị thế ai lại đem đi tiếp thị bao giờ ?". Như chạm đúng "mạch", Đồng đáp ngay: "Chính vì ở Việt Nam, mọi người vẫn xem tình dục là vấn đề tế nhị và nhạy cảm nên đại dịch HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang ngày một tăng nhanh. Mong muốn của bọn mình là được góp sức giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng". Tưởng chừng nghề tiếp thị sức khỏe - một công việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam sẽ rất khó kiếm người, đặc biệt là các bạn nữ thường ngại ngùng, xấu hổ khi nhắc đến hai từ "tình dục". Vậy mà, tiếp thị viên Lê Ngự Bình cho biết: "Trở thành TTVSK không phải dễ. Chúng tôi phải qua đợt thi tuyển gắt gao. 80 người dự thi, chỉ chọn được 8 người, trong đó có 5 nữ. Ngoài lòng nhiệt tình, kỹ năng giao tiếp, đòi hỏi chúng tôi phải có những kiến thức về HIV/AIDS". Cũng chính vì tế nhị nên việc nói để cho khách hiểu hoàn toàn không đơn giản. Lê Thị Bích Thuận, một thành viên trong nhóm tâm sự: "Sau khi được các chuyên gia tư vấn trang bị những kiến thức, cũng như kỹ năng tiếp cận, mình rất tự tin, hăm hở đi gặp khách hàng. Vậy mà... bước vào quán bia, chưa nói hết câu chào, mình đã bị họ dội cho gáo nước lạnh: "Tiếp thị hả? Hết tiền rồi. Không mua đâu. Đi chỗ khác!…", rồi xua đuổi như thể chúng tôi mang dịch bệnh đến. Có những lần, đang phát tài liệu tuyên truyền HIV/AIDS, có người không ngần ngại rút ví ra hỏi bao nhiêu tiền để mua... "tự do". Lại có khi các bạn nữ bị khách buông lời trêu ghẹo, sàm sỡ. Gặp phải tình huống ấy, các TTVSK phải kiên trì, nhẹ nhàng giải thích để mọi người hiểu được công việc đầy ý nghĩa. Không dừng lại ở các khu vui chơi, giải trí, địa bàn tiếp theo mà nhóm tiếp thị tìm đến là các công trình xây dựng, các chợ lao động tại Thanh Xuân, Mỹ Đình, Xuân Đỉnh... Đây là những nơi tập trung đông nhất các khách hàng trẻ tuổi, song lại thiếu hiểu biết về kiến thức an toàn tình dục nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Thêm, thành viên của nhóm kể: "Cánh đàn ông ở đây hầu hết là dân tỉnh lẻ, ít có điều kiện tiếp xúc với các hoạt động truyền thông sức khỏe tình dục nên họ háo hức lắm. Buồn cười nhất là khi hướng dẫn đeo bao cao su đúng cách, một anh công nhân thật thà: tưởng đơn giản mà cũng phức tạp nhỉ? Trước sự nhiệt tình của khách hàng, lắm hôm cả đội thay nhau nói rát cả cổ họng, nửa đêm mới về đến nhà". Sau một thời gian đi tiếp thị tiếp xúc với khách hàng, các thành viên trong nhóm tiếp thị sức khỏe rút ra kết luận: sự hiểu biết về sức khỏe tình dục và HIV/AIDS trong nam giới còn hạn chế và có phần sai lạc. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người tỏ vẻ e ngại khi nói chuyện với TTVSK. Long - một dân nhậu thú nhận: "Những chuyện này chỉ tìm hiểu qua sách báo thôi. Đến bác sĩ tư vấn thì ngại, hỏi bạn bè thì cũng... mù tịt. Được TTVSK giải đáp, tôi nhẹ cả người. Sự xuất hiện của các bạn trẻ tại quán nhậu như là lời nhắc nhở chúng tôi trước những cám dỗ. Lúc đã "quá chén", ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra...". Còn Sơn, công nhân tại khu đô thị Ciputra tâm sự: "Được gặp các TTVSK tôi mới biết thế nào là tình dục an toàn. Biết rồi mới thấy sợ, may mà mình chưa rước họa vào thân, nếu không đến lúc ân hận thì đã quá muộn". Chưa đầy 4 tháng đi vào hoạt động, con số 12.000 người được "tiếp thị" sức khỏe tình dục, đồng nghĩa với việc công việc "tiếp thị" mà các bạn trẻ đang làm thật sự có ý nghĩa và cần thiết cho các đấng mày râu và xã hội. |
(theo Thanh Niên) |
▪ Thêm một căn bệnh khủng khiếp cho loài người (12/06/2006)
▪ Đại dịch AIDS sẽ làm Trung Quốc thiệt hại hàng tỉ đô la (12/06/2006)
▪ Nguyên nhân vô sinh và lối thoát (09/06/2006)
▪ Bí ẩn sự ham muốn (08/06/2006)
▪ Bảy cô Tấm của bệnh nhân AIDS (09/06/2006)
▪ Đi hiến tinh trùng (08/06/2006)
▪ Công bố kế hoạch trợ giúp dự phòng, điều trị, chăm sóc HIV/AIDS (07/06/2006)
▪ Tin vui cho người vô sinh nam: điều trị vi phẫu (07/06/2006)
▪ Elton John khóc cho 60 người bạn chết vì AIDS (06/06/2006)
▪ Chính sách với người bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt tội phạm ra sao? (06/06/2006)