Teen Mỹ "đốt" tin nhắn
Các Website khác - 14/02/2009
Sành điệu là biết cách ăn mặc? Sành điệu là có dàn nghe nhạc hi-fi? Sành điệu là phì phèo thuốc lá trong trường học? Câu trả lời: Hãy nhìn những bộ mặt ngơ ngơ, mấy ngón tay lia lịa trên bàn phím điện thoại di động không rời thì biết đó là… teen.

Những ngón tay cái sưng phồng
 
Trung bình mỗi tháng bạn gửi bao nhiêu tin nhắn? 5 tin nhắn một ngày thì một tháng khoảng 150 tin nhắn. Chỉ như “muối bỏ biển” với những “đại cao thủ” nhắn tin.
 
“Cao thủ nhắn tin” đầu tiên là Reina đến từ bang California với 14529 tin nhắn. Tính ra mỗi ngày bạn nhắn 484 tin và nếu mỗi hai phút bạn nhắn một tin, không tính thời gian đi ngủ. Bố của Reina sững sỡ khi nhận được cái hoá đơn điện thoại “Con gửi tin nhắn cho cả trường hả?” Đi hát karaoke, khi các bạn đang mải mê ca cẩm thì Reina cũng nhắn tin cho đứa bạn thân nhất đang ngồi cạnh mình. Cô bé cũng nhắn tin khoe khoang số lượng tin nhắn kỷ lục của mình cho mấy đứa bạn. Tháng rồi tin nhắn đạt mức kỉ lục vì “đang kì nghỉ đông nên con chán như con gián” Reina biện minh với ba mẹ như vậy. Reina đang nghỉ đông nên mới nhắn tin nhiều như thế.
 

Ảnh minh họa.

 
Nhưng còn Wll Paige Horne, cô bé 15 tuổi đến từ Ohio thì nhắn 15.000 tin nhắn trung bình mỗi tháng. “Em đâu cần nhìn màn hình. Em thuộc lòng vị trí của mấy nút bấm rồi nên cứ bấm vô tư thôi”. Bố mẹ của Paigne cũng khá dễ dãi nên không phàn nàn gì chuyện “đốt” tin nhắn như vậy. Chỉ tội cho hai ngón cái bầm dập tả tơi! Theo nghiên cứu của mạng điện thoại hàng đầu của Mỹ, AT&T, teen đang sử dụng điện thoại di động đầy chất… xì tin. Đặc biết nhất là gửi tin nhắn qua điện thoại. Đó là cách bộc lộ và duy trì tình cảm không thể tiện hơn. Bảy trên mười người được hỏi thú nhận họ đang dùng điện thoại để gửi tin nhắn tình yêu hay để cưa cẩm ai đó.

Muốn hiểu teen thì nhắn tin

Theo khảo sát của công ty điện thoại Sam Sung thì một nửa teen và phụ huynh Mỹ cho rằng nhắn tin qua điện thoại làm tình cảm khăng khít hơn vì ba mẹ và teen có nhiều cơ hội trò chuyện hơn qua tin nhắn. Các dịch vụ mua sắm cũng lợi dụng hình thức tin nhắn qua điện thoại để “dụ dỗ” teen mua sắm và đua nhau nâng cấp dịch vụ bán hàng qua tin nhắn. Một số teen rất thích thú với dịch vụ này. Nếu thấy giá hời thì sẽ chạy ngay ra cửa hàng. Một số khác không đồng ý vì xét cho cùng, thư quảng cáo là thư rác “Teen ngày nay không xem tivi và cũng chẳng đọc báo. Internet cũng đã lỗi thời và teen chỉ mê mẩn cái điện thoại di động. “Đàn cá” đã đổi dòng. Chúng tôi muốn câu cá thì cũng phải đổi dòng” Một chuyên gia nghiên cứu thị trường về teen đã nói vậy. Và trên những web, blog cho phụ huynh thì bao giờ cũng có những lời chỉ dẫn cụ thể cách nhắn tin với teen qua điện thoại.

Đừng để thói quen tạo tính cách xấu

Teen nghiện nhắn tin ảnh hưởng cả đến môn… tập làm văn. Hai phần ba teen thừa nhận có dùng những biểu tượng mặt cười hay “ngôn ngữ của teen” trong những bài tập làm văn, ví dụ viết U thay vì you. Và những lỗi viết hoa, câu cú lộn xộn đang làm đau đầu thầy cô dạy văn. Thói quen tạo tính cách mà!

 
Nghiêm trọng hơn cả, hiện tượng xấu đang phổ biến trong giới học sinh Mỹ: nhắn tin gợi dục (sexting- ghép từ chữ sex và texting) Đã có những chuyện đáng tiếc xảy ra. Như một số bạn nữ trong một đội cổ vũ trung học nổi tiếng ở Mỹ đã phải rời đội vì ảnh khoả thân của mấy bạn bị phát tán khắp nơi. Tác hại xấu của nhắn tin qua điện thoại đã thâm nhập vào trường học.
 
Vì đơn giản những người trong cuộc không ý thức được sự lan truyền mạnh mẽ của tin nhắn qua điện thoại được ví như cảnh cháy rừng nên lời khuyên đựơc đưa ra là phải thật cẩn thận với những hình ảnh “nóng”, những ngôn từ nhạy cảm trước khi gửi cho ai đó.
 
Theo Giadinh.net