Trước hết, thay mặt QH và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi đến toàn thể các quý vị lời chào mừng và những tình cảm hữu nghị nồng nhiệt nhất. Thưa Ngài Chủ tịch, Năm năm về trước, cũng chính tại nơi đây, Hội nghị lần thứ nhất những người đứng đầu cơ quan lập pháp quốc gia đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và ngoại giao Nghị viện, đặc biệt là quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc (LHQ). Tại Hội nghị Thiên niên kỷ ngay sau đó, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ của các nước thành viên LHQ cũng đã khẳng định cam kết tăng cường sự hợp tác giữa LHQ và IPU và nghị viện các nước. Sự phát triển năng động của hợp tác liên nghị viện trên các lĩnh vực từ hòa bình, an ninh, chống khủng bố, giải trừ quân bị đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, tăng cường bình đẳng giới, phòng ngừa nạn dịch HIV/AIDS..., đã và đang hỗ trợ một cách hữu hiệu các nỗ lực chung của LHQ. Nhằm tăng cường phối hợp hành động liên nghị viện trên các vấn đề toàn cầu và khu vực, nhiều diễn đàn được tổ chức tại khắp các châu lục, trong đó có Diễn đàn nghị viện Á-Âu, Diễn đàn nghị viện châu Á-Thái Bình dương mà QH Việt Nam chúng tôi vinh dự đăng cai tổ chức trong năm 2004 và 2005. Sự gắn kết và tương hỗ giữa Nghị viện và Chính phủ ở mọi cấp độ đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) trên thế giới. Ngày nay, mặc dù với những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế, thế giới chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những thách thức tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường, đe doạ sự phát triển chung của nhân loại. Quá trình toàn cầu hoá diễn biến nhanh chóng tạo cho các dân tộc chúng ta cơ hội giao lưu, hợp tác lớn lao, song cũng làm gia tăng hố ngăn cách và sự tương phản giữa giàu nghèo, đe dọa gạt nhiều nước sang bên lề của tiến trình phát triển. Tại hội nghị lần này, để tạo bước chuyển biến mới trong hành động của Nghị viện vì phát triển, chúng tôi đề nghị thiết lập Ðối tác nghị viện toàn cầu vì các MDGs. Ðó là mối quan hệ hợp tác tăng cường năng lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa các Nghị viện trong việc thúc đẩy chính phủ nước mình thực hiện tốt các cam kết đối tác với các MDGs, trong đó có những cam kết về tài trợ cho phát triển theo tinh thần của Hội nghị Môn-tơ-rây và Tuyên bố Thiên niên kỷ, giải quyết các vấn đề nợ nước ngoài, tạo thuận lợi thương mại, chuyển giao công nghệ, tăng đầu tư trực tiếp...; hỗ trợ và giám sát chính phủ tiến hành các đàm phán đa phương có lợi cho hoà bình, an ninh và hợp tác phát triển. Thưa Ngài Chủ tịch, Sau 60 năm tồn tại và phát triển, LHQ đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề hệ trọng của nhân loại. Tuy nhiên, để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của thế giới ngày nay, đã đến lúc LHQ cần phải được cải tổ để trở thành công cụ hữu hiệu hơn nhằm theo đuổi các mục tiêu cao cả cũng như các nguyên tắc cơ bản đã được ghi trong Hiến chương. Theo chúng tôi, các biện pháp cải tổ cần tập trung theo hướng bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong các công việc của LHQ, tăng cường vai trò trung tâm của Ðại hội đồng, là cơ quan đại diện của tất cả các nước thành viên... Chúng tôi cho rằng sự phát triển không ngừng của mối quan hệ đối tác giữa LHQ và IPU sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho LHQ trong quá trình cải tổ, tự đổi mới mình. Thưa Ngài Chủ tịch, Trong những năm qua, với chính sách đổi mới, Chính phủ, QH Việt Nam cùng với cả dân tộc mình đã thực hiện thành công Chiến lược quốc gia toàn diện về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, đạt được nhiều tiến bộ trên hầu hết các lĩnh vực mà MDGs đề ra. Việt Nam đạt được những thành tựu này cũng là nhờ sự đồng tình, ủng hộ và sự giúp đỡ quý báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho đất nước và nhân dân chúng tôi. Nhân dịp này, thay mặt QH và nhân dân Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những tình cảm hữu nghị và sự giúp đỡ quý báu đó và một lần nữa khẳng định quyết tâm của QH Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác liên nghị viện vì các mục tiêu cao cả của thời đại là hoà bình, ổn định và phát triển vững bền. Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch và sự chú ý của các quý vị. * Bài phát biểu tham luận của Chủ tịch Nguyễn Văn An đã gây được sự chú ý của các đại biểu dự Hội nghị, đặc biệt đề xuất về việc thiết lập Ðối tác Nghị viện toàn cầu vì các MDGs. Về chủ đề trên, tại phiên thảo luận buổi sáng cùng ngày 8-9, Ðoàn đại biểu QH nước ta đã tham gia ý kiến, nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nghị viện trong việc nâng cao chất lượng của một nền dân chủ thông qua các chức năng đại diện , xây dựng pháp luật và giám sát cơ quan hành pháp. Ðối với chức năng đại diện, vấn đề quan trọng là phải tạo ra những cơ chế và kênh để nhân dân có thể đóng góp vào các quyết sách quan trọng của đất nước. Ðối với chức năng đại diện, tính dân chủ thể hiện ở tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật mà QH thông qua. Luật phải điều chỉnh có hiệu quả các mối quan hệ xã hội mà thực tế cuộc sống đòi hỏi. Ở Việt Nam, trước khi thông qua những đạo luật quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân dân như Luật Dân sự, Luật chống tham nhũng, v.v. QH đều phổ biến rộng rãi dự thảo luật để lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Ðể làm tốt chức năng này, các nghị sĩ và các ủy ban của QH cần có một bộ máy giúp việc chuyên nghiệp có hiệu quả để giúp việc. Về chức năng giám sát của Nghị viện, Việt Nam cho rằng, chức năng này có một vai trò hết sức thiết yếu đối với việc nâng cao chất lượng dân chủ. Do vậy, chất vấn tại kỳ họp QH là hoạt động thu hút được sự quan tâm của đông đảo quần chúng nhân dân trong cả nước. Ngoài ra, QH luôn có chương trình giám sát chuyên đề theo nhiệm kỳ, hàng năm đối với những vấn đề quan trọng, những công trình trọng điểm quốc gia... Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước bạn, đồng thời cởi mở, học hỏi kinh nghiệm và thực tiễn hoạt động tốt của các nước nhằm thực hiện chiến lược phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
|