Ấn Độ: Lực lượng an ninh biên giới đối mặt với đại dịch AIDS
Các Website khác - 30/08/2005

Có một thực tế khốc liệt đang diễn ra trong lực lượng quân nhân gìn giữ an ninh biên giới Ấn Độ (Indian Border Security Force – BSF), đó là sự gia tăng số lượng người nhiễm HIV/Aids.

Theo nguồn tin từ các phương tiện truyền thông, quá lo lắng trước tình trạng này, BSF đã triển khai nhiều biện pháp toàn diện nhằm ngăn ngừa đại dịch lây lan, trong đó có cả biện pháp tăng cường mối liên hệ chặt chẽ với UNAIDS. Văn phòng của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại New Delhi cho biết, họ quyết định sẽ mở một Trung tâm giám sát bệnh dịch HIV/Aids ở đây trước những diễn biến bất lợi của đại dịch.

Ông R.S. Mooshahary, tổng giám đốc BSF cho biết, lực lượng an ninh biên giới đã kết hợp với UNAIDS trong một hiệp định nhằm quản lý và phòng chống tốc tốc độ lây nhiễm HIV/Aids. Ông nói: “Chúng tôi đã ký một hợp đồng thỏa thuận hợp tác với UNAIDS nhằm tăng cường các biện pháp phòng trừ. Về cơ bản, chương trình của chúng tôi sẽ tập trung nâng cao công tác tuyên truyền hiểu biết và tư vấn trong nhóm quân nhân”.

Khi được hỏi về thực trạng hơn 70 lính BSF nhiễm HIV dương tính trên toàn quốc, ông Mooshahary cho rằng: “Con số đó vẫn còn thấp so với các lực lượng an ninh khác. Tình huống này không có gì đáng báo động cả”. Theo thỏa thuận hợp tác, phía UNAIDS sẽ hỗ trợ BSF xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình phòng chống HIV toàn diện trong mọi cấp bậc BSF.

Chương trình mới sẽ bao gồm các sáng kiến nâng cao hiểu biết, khóa đào tạo, giáo dục những đối tượng cùng trang lứa với quân nhân và kết hợp các chủ đề có liên quan với HIV/AIDS/STI (sexually transmitted infections: các lây nhiễm qua quan hệ tình dục) vào những buổi ngoại khóa trong chương trình giảng dạy của tất cả viện đào tạo BSF trên toàn quốc. Ông Mettine Dve, thành viên của UNAIDS tại New Delhi cho biết: “Với chương trình này, năng lực quản lý, phân phối các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao và những nỗ lực giảm bớt kỳ thị phân biệt đối xử của chuyên gia y tế BSF sẽ được nâng lên rất nhiều”.

Hồi đầu tháng tư năm nay, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Pranab Mukherjee và giám đốc UNAIDS đã công bố hoàn thành việc ký kết hiệp định hợp tác nhằm ngăn chặn đại dịch HIV/Aids trong giới quân nhân Ấn Độ. Bác sĩ N. Mishra, Chỉ huy chính về y tế của BSF cho biết: “BSF là lực lượng bán quân sự đầu tiên triển khai chương trình tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục biện pháp phòng chống HIV/AIDS. Chúng tôi đã cố gắng truyền đạt cho quân nhân của mình chống lại thái độ phân biệt đối xử khi họ tỏ ra e ngại phải ngủ chung giường với người nhiễm HIV. Hiện nay, đa phần quân nhân đã chấp thuận việc đi chung xe buýt và ăn chung phòng với những người nhiễm HIV/AIDS khác”.

Ông Pranab cũng cho biết, các vùng biên giới Bangladesh, một số vùng thuộc bang miền tây Ấn Độ Maharastra và vùng bờ biển ở nam Ấn Độ Andhra Pradesh là những nơi có tỉ lệ quân nhân nhiễm HIV cao hơn cả so với các vùng khác trên toàn quốc. Theo Mettine Dve, có nhiều nguyên nhân khiến lực lượng này đặc biệt dễ nhiễm virus HIV nhưng trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu là số binh lính này tuổi đời còn rất trẻ và đa phần đều phải sống xa gia đình trong một thời gian dài.

Dương Kim Thoa theo http://www.indiadaily.com