Chia sẻ kinh nghiệm triển khai hiệu quả thí điểm mục tiêu 90-90-90
Báo Tiếng chuông - 06/08/2016
Là 1 trong 5 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, TP.HCM) được lựa chọn thực hiện thí điểm mục tiêu 90-90-90, chỉ sau hơn 9 tháng triển khai, tính đến tháng 6/2016, Thanh Hóa đã đạt được gần hết các mục tiêu đã cam kết.

Phóng viên Trang tin điện tử Tiếng Chuông - Trang tin của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi trao đổi với ông Lê Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa về kinh nghiệm triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90.

 

Ông Lê Trường Sơn - Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thanh Hóa

 

PV: Xin ông chia sẻ kinh nghiệm và kết quả triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Trường Sơn: Thực hiện kế hoạch triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90 (90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định), ngành Y tế tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các ban, ngành, các dự án quốc tế nỗ lực triển khai các hoạt động từ việc tổng rà soát người nhiễm HIV còn sống, tăng cường tiếp cận truyền thông, tư vấn, xét nghiệm HIV và chuyển tiếp điều trị ARV, triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Để thực hiện được mục tiêu 90-90-90, Thanh Hóa phải triển khai và mở rộng các dịch vụ về HIV/AIDS xuống cộng đồng, tận thôn bản nhất là vung sâu, vùng xa, vùng khó khăn có nhiều đối tượng nguy cơ cao, nhiều người nhiễm HIV. Bên cạnh đó, thực hiện lồng ghép các dich vụ, từ việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao, tư vấn xét nghiệm, can thiệp, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và điều trị thuốc virus HIV bằng ARV.

Tính đến tháng 6/2016, kết quả thực hiện các mục tiêu trên địa bàn tỉnh khá là khả quan. Có tới 82% số người nhiễm HIV biết được tình trạng người nhiễm HIV của mình; hơn 85% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; trên 70% số người nhiễm HIV đã điều trị ARV ổn định trên 12 tháng.

Theo tôi, để đạt được những mục tiêu 90-90-90, quan trọng nhất là sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, ngành y tế phải phối hợp với các đơn vị triển khai mạnh mẽ có hiệu quả các can thiệp từ truyền thông, tư vấn xét nghiệm, can thiệp giảm tác hại và điều trị ARV. Đồng thời, tổ chức lồng ghép được các phòng khám điều trị HIV/AIDS vào cơ sở khám chữa bệnh và phân cấp về cơ sở (điều trị 2.0 tại tuyến xã).

PV: Xin ông cho biết, Thanh Hóa gặp những khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình thực hiện thí điểm mục tiêu 90-90-90?

Ông Lê Trường Sơn: Thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu 90-90-90 cũng là thuận lợi và khó khăn chung trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

Trong thời gian tới, nếu tỉnh không tiếp tục được hỗ trợ nguồn lực từ trung ương và các tổ chức quốc tế, cũng như nỗ lực của các cấp, các ngành trong tỉnh thì dịch HIV/AIDS vẫn có nguy cơ bùng phát và làm ảnh hưởng đến những thành quả và nỗ lực trong nhiều năm của công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.

PV: Theo ông, để tỉnh đạt được các mục tiêu 90-90-90 đã cam kết, cần phải có giải pháp gì? Xin ông cho biết kế hoạch thực hiện thí điểm mục tiêu trên địa bàn thời gian tới?

Ông Lê Trường Sơn: Trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tổ chức nhiều hoạt động, nỗ lực để có thể đạt được các mục tiêu 90-90-90 đã cam kết. Đặc biệt, tỉnh tập trung rà soát, lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, như người tiêm chích ma túy, người bán dâm, nam có quan hệ đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV… từ đó tìm các biện pháp tiếp cận tư vấn, động viên các đối tượng nguy cơ cao đi xét nghiệm HIV.

Bên cạnh đó, mở rộng xét nghiệm lưu động xuống tận thôn, bản, xã phường, thị trấn, đào tạo huấn luyện cho các y tế thôn bản, xã phường có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV tại xã, phường, thôn bản.

Tư vấn cho những người nhiễm HIV đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị sớm ARV, tổ chức cấp phát thuốc ARV tại các xã, phường.

Rà soát số liệu người nhiễm HIV hiện còn sống và quản lý trên địa bàn, giới thiệu những người chưa được tiếp cận điều trị đi điều trị ARV, tăng cường tìm những trường hợp nhiễm HIV mất dấu và những trường hợp mới.

Tăng cường truyền thông về tiếp cận sớm và điều trị sớm, sự cần thiết và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, nhất là các khu miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, xây dựng đề án xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; Mở rộng các cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc tại xã nhằm tăng số bệnh nhân điều trị Methadone.

Đồng thời, thực hiện kiện toàn bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV theo Thông tư 15/2015/TT-BYT ngày 26/6/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!