Đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: Vì sao gặp khó?
Báo Tiếng chuông - 24/04/2017
Bên cạnh những nỗ lực của TAND và các cơ quan liên quan giải quyết có hiệu quả việc áp dụng biện pháp hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong quá trình phối hợp giải quyết công tác này còn có một số khó khăn, vướng mắc.

 

Ảnh minh hoạ

 

So với năm 2014, trong các năm 2015 và 2016, số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND tăng mạnh. Trong năm 2016, các TAND cấp huyện đã thụ lý 14.217 trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã giải quyết 14.144 trường hợp, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 13.302 trường hợp (chiếm 94,05%). Số hồ sơ thụ lý tăng 55,97 lần, số hồ sơ giải quyết tăng 56,8 lần so với năm 2014.

Theo TAND Tối cao, thực tiễn quá trình xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền của TAND trong thời gian qua cho thấy, công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực từ việc xây dựng hồ sơ đề nghị của các cơ quan chức năng. Các toà án cũng chủ động phối hợp với các Trung tâm đang quản lý người nghiện để tổ chức các phiên họp tại Trung tâm xem xét, giải quyết ngay các hồ sơ đề nghị đã đủ điều kiện, do đó các trường hợp đề nghị xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được giải quyết kịp thời với số lượng tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, qua đó góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương. Tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có bất cập của chính các quy định của pháp luật liên quan.

Khó xác định tình trạng nghiện ma túy

Theo Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ra đời đã tháo gỡ được một phần khó khăn trong việc xác định tình trạng nghiện ma tuý. Tuy nhiên, Thông tư này mới chỉ quy định được quy trình xác định tình trạng nghiện đối với hai loại chất ma tuý, đó là ma tuý nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện) và MTTH dạng Amphetamine, chưa có phác đồ xác định tình trạng nghiện một số loại chất ma tuý mới xuất hiện.

Thông tư này quy định thời gian theo dõi để xác định tình trạng nghiện ma túy cần phải mất từ 3-5 ngày. Trong khi đó, thời gian tạm giữ người vi phạm hành chính tại cơ quan công an thường không quá 24 giờ. Vì vậy, các địa phương phản ánh không đủ thời gian lưu giữ đối tượng vi phạm phục vụ cho việc xác định tình trạng nghiện.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 17 quy định việc xác định tình trạng nghiện ma túy tối 3 ngày đối với nhóm Opiat và tối đa 5 ngày đối với nhóm Amphetamine. Trước quy định trên, ngành y tế đang bị áp lực từ phía người sử dụng trái phép chất ma túy không đồng ý ở lại theo dõi dấu hiệu nghiện, cơ quan Công an và cả ngành y tế đều không có chức năng giữ, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, và vì ngành y tế phải theo quy định chuyên môn của chuyên ngành. Trong khi đó, khi bị cơ quan Công an bắt thì đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy đã vừa sử dụng chất ma túy xong và đang trong tình trạng no thuốc vì thế không có biểu hiện các triệu chứng nghiện theo quy định ra bên ngoài (hội chứng cai) cần có thời gian theo dõi tại bệnh viện để chờ thời gian đói thuốc và biểu hiện triệu chứng nghiện.Hiện tại, chưa có văn bản pháp luật quy định về việc tổ chức quản lý đối tượng vi phạm bị lưu giữ để xác định tình trạng nghiện ma tuý, cụ thể như: Thời gian lưu giữ tối đa, những người có trách nhiệm quản lý trong thời gian lưu trữ, quyền và nghĩa vụ của người nghiện trong thời gian bị lưu trữ… Do đó, các cơ quan thực thi pháp luật triển khai chưa thống nhất công tác này trên thực tế.

Khó xác định nơi cư trú

Về xác định đối tượng có nơi cư trú ổn định, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP quy định nơi cư trú ổn định là nơi người vi phạm thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống. Quy định này chưa chặt chẽ, dẫn đến các cơ quan áp dụng pháp luật hiểu và thực hiện không thống nhất. Trong thực tế, các đối tượng nghiện ma túy nhiều trường hợp không cư trú hoặc sinh sống ổn định ở một nơi mà có thể di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, hoặc tham gia vào những nhóm sử dụng ma túy và thường xuyên thay đổi địa điểm sinh hoạt, hút chích ma túy. Xác minh nơi cư trú ổn định của người nghiện ma túy tại các tỉnh, thành phố khác thường chậm trễ, trả lời chung chung, đa số các trường hợp không trả lời kết quả xác minh, làm mất thời gian của cơ quan công an gửi hồ sơ đi xác minh dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thiện hồ sơ xét duyệt đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thủ tục lập hồ sơ mất thời gian

Về trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện nay phải qua nhiều cơ quan như Công an xã, Công an huyện, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, TAND cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng. Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng rất khó.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, người nghiện ma tuý trong thời gian cai nghiện/điều trị nghiện tại cộng đồng tiếp tục có hành vi sử dụng ma tuý trái phép không bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (mặc dù họ có thể đã chấp hành xong biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn-biện pháp tiền đề cho việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc). Theo phản ánh, quy định này đang gây khó khăn cho các địa phương trong việc đưa người nghiện có vi phạm sử dụng ma tuý trái phép vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian vừa qua.

Để giải quyết vướng mắc này, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đang trình Chính phủ, Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP dự kiến được sửa đổi theo hướng: Người đang tham gia chương trình cai nghiện/điều trị nghiện ma tuý tại cộng đồng nếu tiếp tục có hành vi sử dụng ma tuý trái phép thì vẫn thuộc đối tượng bị lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cũng theo Bộ Tư pháp, hiện chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa một số quy định của Luật phòng, chống ma tuý và Luật Xử lý vi phạm hành chính trong cách tiếp cận về đối tượng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thẩm quyền áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và thời gian chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng như thời gian chấp hành biện pháp quản lý sau cai nghiện.

Hệ quả là hiện nay, có tình trạng các địa phương áp dụng không thống nhất pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý.