![]() |
Trợ giúp pháp lý cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh minh họa |
Chị N.T.L. lây nhiễm HIV từ chồng. Sau khi chồng mất vì căn bệnh thế kỷ, chị L. và con gái bị gia đình chồng ruồng bỏ. Hoang mang, bất lực, chị L. không biết bấu víu vào đâu. Qua người quen giới thiệu, chị tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Ở đây chị được các trợ giúp viên tư vấn, được bảo vệ trước tòa nên giành được quyền lợi theo pháp luật quy định.
Chị L. là một trong những trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS hiếm hoi tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước để được hỗ trợ, tư vấn về pháp luật. Bởi không phải người nhiễm HIV nào cũng biết được quyền lợi của mình và đủ tự tin tìm đến các cơ quan công quyền để xin được tư vấn pháp luật. Họ luôn coi mình là đối tượng yếu thế trong xã hội, bị kỳ thị, phân biệt đối xử.
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS), người nhiễm HIV/AIDS có quyền: Sống hòa nhập với cộng đồng xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khỏe; được học văn hóa, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối và được đảm bảo các quyền khác theo quy định của pháp luật... Luật quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế, những người nhiễm HIV vẫn luôn bị kỳ thị và phân biệt đối xử; gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tìm việc làm, học tập... Đặc biệt, trẻ em nhiễm HIV lại càng khó khăn hơn khi xin đi học.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm giúp người nhiễm HIV tự tin vươn lên trong cuộc sống, chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng, Nhà nước đã có chính sách trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
Theo chính sách này, người nhiễm HIV cũng được trợ giúp pháp lý như các đối tượng thuộc diện khác, tức là được tư vấn pháp luật, cử luật sư đại diện bào chữa tại tòa, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Những quy định về trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV rất rõ ràng, song trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, cho biết những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV được hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, do định kiến của cộng đồng đối với những người nhiễm HIV còn nặng nề, họ bị phân biệt đối xử nên hầu hết ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ, không tìm đến Trung tâm để được trợ giúp pháp lý.
Mặt khác, nhận thức về pháp luật của các nhóm đối tượng này còn hạn chế, họ thường có tâm lý buông xuôi, bỏ mặc nên dễ bị xâm phạm về quyền mà không biết hoặc không biết tìm kiếm đến Luật Trợ giúp pháp lý; không biết đến các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.
Bà Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, cho biết hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS tại các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: Vấn vấn đề thủ tục, vấn đề công khai danh tính, địa điểm thường nằm trong khuôn viên cơ quan nhà nước, không có phòng tiếp riêng.
Bên cạnh đó, người nghiện chích ma túy, người lao động tình dục và người có quan hệ tình dục đồng giới không phải là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí của nhà nước. Chưa kể đến, các trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cũng như các trợ giúp viên pháp lý còn thiếu kỹ năng làm việc với nhóm dễ bị tổn thương.
Do các nhóm đối tượng này còn bị kỳ thị, phân biệt đối xử khá nặng nề trong xã hội nên một số các bộ phận còn ngại tiếp xúc với các nhóm đối tượng này. Mặt khác, nhận thức về pháp luật của các nhóm đối tượng này còn hạn chế nên họ dễ bị xâm phạm về quyền mà không biết hoặc không biết tìm kiếm sự trợ giúp ở đâu.
Để giải quyết những khó khăn trong công tác này, bà Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, thời gian tới cần thiết phải có sự tham gia của liên ngành trong công tác trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, để công tác này thực sự đạt được hiệu quả cao nhất trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia 63 tỉnh, thành phố cũng cần phải có các hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại địa phương. Đồng thời, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích và có sự hỗ trợ về kinh phí từ nguồn kinh phí của trợ giúp pháp lý nhà nước hằng năm cho các tổ chức tư vấn pháp luật đang thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
▪ Cách xử trí khôn ngoan khi bị những kẻ ngáo đá bất ngờ tấn công (17/11/2016)
▪ Tham gia BHYT 5 năm liên tục, khi khám chữa bệnh dịch vụ được hưởng gì? (15/11/2016)
▪ Cần Thơ: Cắt cơn nghiện nhanh bằng phương pháp mới (14/11/2016)
▪ Bằng miệng mà cũng lây bệnh sao, bác sĩ? (12/11/2016)
▪ Ma túy và HIV khiến con người dễ mắc bệnh trầm cảm (10/11/2016)
▪ 6 điều các chuyên gia Harvard khuyên bạn nên dạy con (09/11/2016)
▪ Lợi và hại khi sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố (07/11/2016)
▪ Nhiều phụ nữ đối mặt với nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS (05/11/2016)
▪ Cảnh báo nhiều tai họa khi nghiện rượu (05/11/2016)
▪ Có thể bất tỉnh, tử vong do mê trò hít bóng cười (28/10/2016)