Bộ luật Lao động 2012 đã quy định về hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc” tại Khoản 2 Điều 8, Điểm c Khoản 1 Điều 37 và Khoản 1 Điều 183 nhưng chưa có định nghĩa rõ ràng, giải thích cụ thể nên quy định này vẫn chưa đi vào cuộc sống, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Bởi vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) kiến nghị trong lần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động 2012 thì phải quy định cụ thể đối với hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về quấy rối tình dục tại nơi làm việc và chưa có trường hợp quấy rối tình dục nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với ILO khảo sát, nghiên cứu nhanh về tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại Việt Nam. Khảo sát này được thực hiện trên 102 người là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, sinh viên...
Mặc dù là nghiên cứu nhanh, số người được hỏi chưa nhiều, chưa có thông tin định lượng nhưng kết quả cho thấy quấy rối tình dục diễn ra khá phổ biến, ở mọi nơi, mọi môi trường, với nhiều độ tuổi. Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới (78,2%).
Nhiều ý kiến cho rằng, quấy rối tình dục vẫn là một chủ đề khá “nhạy cảm”, ít người dám lên tiếng. Chính nhận thức xã hội đã ảnh hưởng đến vấn đề xây dựng pháp luật. Cụ thể là pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định về quấy rối tình dục nhưng còn nhiều bất cập, thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng.
Bộ luật Lao động 2012 là văn bản đầu tiên quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại các Điều: 8, 37, 182, 183. Đây cũng chính là những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đặc biệt, năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ, rõ ràng hướng dẫn cho người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc phòng chống hành vi quấy rối tình dục.
Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, độ ảnh hưởng và tác động chưa mạnh, chưa có tính bắt buộc, cưỡng chế mang tính quyền lực nhà nước mà chỉ dừng lại ở mặt khuyến khích. Tiếp đó, một loạt các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Bộ luật Lao động 2012 có đề cập đến nội dung về quấy rối tình dục nhưng vẫn còn khá chung chung, thiếu chế tài và cơ chế xử phạt.
Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam, quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục. Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự. Hành vi không được coi là hành vi quấy rối tình dục: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa vị thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục. Các hình thức quấy rối tình dục: Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là hành vi liên quan đến thể chất, lời nói hoặc phi lời nói bao gồm các nội dung chủ yếu sau: + Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính chất như tiếp xúc, hay cố tình sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. + Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười ngụ ý về tình dục hay những những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những lời yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. + Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay…Hình thức này cũng bao gồm phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục. |
▪ Giải mã bệnh thích khoe 'của quý' của phái mạnh (07/10/2016)
▪ Khuyến khích MSM sử dụng bao cao su, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV (06/10/2016)
▪ Tinh trùng tràn ra ngoài khi quan hệ thì có nhiễm HIV không? (04/10/2016)
▪ Người điều trị HIV vẫn có nguy cơ làm lây nhiễm? (01/10/2016)
▪ Bác sĩ chuyên khoa Tâm thần khuyến cáo ứng phó với dân “đập đá” (30/09/2016)
▪ Giáo dục giới tính cho trẻ để tránh những hệ lụy buồn (26/09/2016)
▪ 9 điều mẹ đừng quên dạy con gái trước tuổi dậy thì (24/09/2016)
▪ Kinh nghiệm phòng ngừa lạm dụng ma túy (21/09/2016)
▪ Giảm thiểu tác hại trong mại dâm: Bảo đảm an toàn, sức khỏe và quyền con người (19/09/2016)
▪ Kiểm soát phản ứng phụ trong điều trị HIV (16/09/2016)