Mặc dù nhiễm trùng đường hô hấp không khẳng định bệnh tiến triển sang giai đoạn AIDS và cũng không phải là điều kiện để bắt đầu điều trị thuốc kháng virut (ARV), nhưng nếu các bệnh này xảy ra mạn tính hoặc tái diễn được xem là triệu chứng giai đoạn lâm sàng 2 ở trẻ nhiễm HIV...
Bệnh thường gặp ở trẻ
Các nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm tai giữa, chảy mủ tai, viêm xoang và viêm họng) là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và xảy ra phổ biến hơn ở trẻ nhiễm HIV.
Phần lớn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ có liên quan đến nhiễm virut đường hô hấp gây ra. Nhiễm virut theo mùa cũng là nguyên nhân gây viêm tai giữa, viêm xoang và viêm họng theo mùa. Nhiễm trùng virut khiến cho trẻ dễ bị bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập, đặc biệt là liên cầu và tụ cầu.
![]() Ảnh minh họa (nguồn Internet) |
Do đặc điểm giải phẫu tai ở trẻ em:
Vòi nhĩ nằm ngang và nhỏ nên dễ bị bịt kín, gây ứ đọng dịch nên trẻ em hay bị viêm tai giữa, viêm xoang và viêm họng... đặc biệt ở lứa tuổi từ 2-6 tuổi. Hầu hết trẻ nhiễm HIV đều bị viêm tai giữa khi 3 tuổi và có đến 80% trẻ bị tái phát và các biến chứng hay xảy ra như thủng màng nhĩ, chảy nước tai và điếc.
Viêm hầu họng: Ở trẻ thường do nhiễm virut hoặc liên cầu nhóm A Streptococcus pyogenes. Không thể phân biệt chính xác 2 kiểu nhiễm trùng này dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, nhưng nhiễm liên cầu thường ít gây chảy nước mũi hơn. Viêm họng do liên cầu khuẩn thường đi kèm với sưng hạch dưới hàm, sốt, viêm amidan và đôi khi có sốt phát ban.
Điều trị như thế nào?
Viêm đường hô hấp trên do virut chỉ cần điều trị hỗ trợ bằng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol. Trẻ lớn nhiễm HIV mà hệ thống miễn dịch vẫn ổn định cần được theo dõi từ 2-3 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt trước khi dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa hoặc viêm xoang, vì phần lớn người chăm sóc thường tự ý điều trị cho trẻ. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và trẻ bị ức chế miễn dịch nặng hơn cần phải được điều trị sớm để tránh biến chứng nghiêm trọng.
![]() Viêm tai giữa. |
Điều trị viêm tai giữa và viêm xoang:
Để điều trị viêm tai giữa và viêm xoang dùng kháng sinh amoxicillin để diệt các mầm bệnh. Do mới xuất hiện hiện tượng dung nạp thuốc ở phế cầu nên khuyến nghị sử dụng liều cao hơn so với trước đây. Trong trường hợp thất bại với liệu pháp trên cần chuyển trẻ sang điều trị bằng cephalosporin để chống lại vi khuẩn gram âm sản sinh beta - lactamase và phế cầu kháng penicillin. Thuốc kháng sinh nhóm macrolid như erythromycin hay azithromycin là các thuốc thay thế hợp lý đối với trẻ bị dị ứng penicillin, mặc dù hoạt động của các thuốc này khá hạn chế do phế cầu có khả năng kháng macrolid cao hơn. Thời gian điều trị 7 - 10 ngày.
Trẻ bị viêm tai chảy nước cần được chữa tại chỗ, thông thường bằng thuốc fluoroquinolon nhỏ tai kết hợp làm khô tai. Có thể sử dụng thuốc kháng sinh đường uống (amoxicillin) kết hợp với liệu pháp điều trị tại chỗ nếu trẻ bị sốt hoặc mệt nhiều.
Đối với viêm xoang cấp tính, các biện pháp điều trị hỗ trợ tại chỗ như rửa mũi bằng nước muối, xông xoang mũi để chống sung huyết cũng rất quan trọng. Có thể dùng thuốc kháng sinh bậc 2 như hướng dẫn ở trên trong trường hợp thất bại điều trị. Thời gian điều trị 10 -14 ngày.
Và cách phòng ngừa
Trẻ viêm đường hô hấp trên đồng thời nhiễm HIV ở giai đoạn tiến triển cần được điều trị Co-trimoxazol dự phòng viêm phổi do P.Jiroveci (PCP). Loại kháng sinh này cũng có tác dụng chống nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn.
Chủng ngừa Haemophilus influenzae type b (Hib) và phế cầu khuẩn được chứng minh giúp giảm hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn. Vì phần lớn trường hợp viêm tai giữa và viêm xoang là do nhiễm virut cho nên hiệu quả điều trị khá khiêm tốn mặc dù quan sát cho thấy các liệu pháp trên giúp cắt giảm đáng kể các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.
BS. Nguyễn Bích Ngọc
▪ Có thể quan hệ tình dục với người có HIV không? (08/02/2012)
▪ Quan hệ tình dục với trẻ em (08/02/2012)
▪ Không nên giấu chuyện nhiễm HIV để kết hôn (30/03/2011)
▪ Phát hiện nhiễm HIV/AIDS khi mang thai đứa con đầu lòng (25/03/2011)
▪ Lưu ý khi chăm sóc thai phụ nhiễm HIV (21/01/2011)
▪ Có phải nước ta đã có thuốc ARV cung cấp cho những người nhiễm HIV để kéo dài sự sống thêm khá lâu ? (05/01/2011)
▪ Lồng ghép giới trong truyền thông về AIDS (17/11/2010)
▪ Phác đồ bậc một thuốc kháng retrovirus (ARV) được sử dụng tại Việt Nam ? (28/05/2010)
▪ Sợ bị nhiễm HIV vì quan hệ với gái mại dâm (08/05/2010)
▪ Dùng thuốc điều trị HIV thế nào ? (09/04/2010)