Cánh diều 2007: Vừa lòng công chúng
Các Website khác - 11/03/2008

 

Hanoinet - Đúng như dự đoán của khá nhiều người trước khi giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam "lộ diện" trên sân khấu lễ trao giải, cánh diều của phim truyện năm nay không có Vàng, chỉ có 2 Bạc song hành, lung linh trong sự hài lòng của công chúng và giới làm nghề.

Tuy nhiên, ngoài những thú vị về cách tổ chức nhiều mới mẻ, giải thưởng năm nay cũng tạo cho công chúng và giới làm phim nhiều hứng thú.

"Sức nặng" của từng bộ phim đã được Hội đồng giám khảo "đặt lên bàn cân" bằng khung điểm chi li đến từng 0,1 điểm: từ 9,1 đến 10 điểm cho giải vàng và từ 8,1 đến 9 cho giải bạc. Có lẽ vì thế mà năm nay không bộ phim nào "đủ tuổi" để nhận Cánh diều vàng. "Trái tim bé bỏng" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) "già" tuổi bạc nhưng chưa vượt được qua ngưỡng 9,1 điểm nên nhận Cánh diều bạc 1. Còn "Nụ hôn thần chết" (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) vừa đủ tuổi bạc nên nhận Cánh diều bạc. Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam Trần Luân Kim giải thích: Tuy cùng nằm trong thang điểm của giải Cánh diều bạc, nhưng do số điểm của "Trái tim bé bỏng" cao hơn "Nụ hôn thần chết" nên mới có tên gọi lạ như vậy. Sự minh bạch này âu cũng là điều cần thiết để xóa đi những dư luận không hay của những năm trước và tạo thêm uy tín cho giải thưởng Cánh diều.

Vẫn trung thành với đề tài số phận nghiệt ngã của những người phụ nữ miền Trung, "Trái tim bé bỏng" là cái nhìn đau đớn về thực trạng đô thị hóa đời sống nông thôn. Cũng phải nói đây là thế mạnh của đạo diễn Đỗ Thanh Vân - người đã từng vinh danh nhiều lần với "Đời cát" đầy xót xa nhưng cũng giàu nhân bản. "Trái tim bé bỏng" cũng là phim "ẵm" thêm nhiều giải thưởng nhất (5 giải) của năm nay. Ngoài giải Đạo diễn xuất sắc cho Nguyễn Thanh Vân và giải Nhạc sĩ xuất sắc cho Quốc Trung, bộ phim "trầm tính" này còn cho cô diễn viên gốc Quảng Bình Đỗ Nguyễn Lan Hà - một cái tên có thể nói là im tiếng trong làng điện ảnh Việt bấy lâu - giải Nữ diễn viên chính xuất sắc. Thêm vào đó còn là giải thưởng Báo chí bình chọn - một giải thưởng mới toanh của Cánh diều năm nay và cũng là nguyên cớ để đạo diễn Đỗ Thanh Vân cảm thấy "muốn loại bỏ thái độ dè dặt để thân thiện với các nhà báo".

"Nụ hôn thần chết", theo đánh giá của Ban tổ chức, đã đáp ứng được phần nào yêu cầu hiện đại hóa cách làm phim hiện nay, hướng điện ảnh Việt Nam ngày càng hội nhập với thế giới. Bộ phim do Thiên Ngân, HK Film và Phương Nam Phim sản xuất này cũng chiếm khá nhiều giải quan trọng, gây bất ngờ cho người hâm mộ, song nó cũng đánh dấu một chấm son trong xu thế xã hội hóa điện ảnh, tư nhân tham gia làm phim. Nhờ vào ý tưởng mới mẻ cùng các kỹ thuật làm phim đặc biệt, "Nụ hôn thần chết" đầy lãng mạn còn đoạt 2 giải: Biên kịch xuất sắc cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và Họa sĩ thiết kế xuất sắc cho họa sĩ Mã Phi Hải. Một điều thu hút sự chú ý của công chúng khi "Nụ hôn thần chết" đăng quang là giải nữ diễn viên phụ xuất sắc được trao cho ca sỹ giọng khàn Phương Thanh với vai thầy bói đậm chất hài. Đáng chú ý trong loạt phim của các hãng tư nhân tham gia tranh giải, bộ phim ma mang tên "Mười" của hãng phim Phước Sang với ê kíp hầu hết đến từ Hàn Quốc đã giành các giải thiên về kỹ thuật vốn trước đó đã được người trong nghề đánh giá cao: giải Quay phim xuất sắc nhất và giải Hiệu quả âm thanh xuất sắc nhất.

Một lễ trao giải gọn gàng và ấn tượng, hấp dẫn nhưng không thương mại hóa, có biểu diễn nhưng có cả sự tôn vinh dành cho NSND Trà Giang - người có thật nhiều đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Một chút tiếc nuối, một chút băn khoăn vì năm nay khuyết chỗ ở bục trao giải Cánh diều vàng và giải Nam diễn viên chính xuất sắc. Nhưng khách quan mà nói, cái cách để Cánh diều phấp phới trong nắng phương Nam, cách cân nhắc chấm điểm, cách trao giải năm nay đã làm vừa lòng công chúng và mang lại cho giới làm nghề những cái nhìn thiện chí. Lại hẹn nhau đến mùa giải sang năm, hẹn nhau ở lễ trao giải cánh diều 2008, để có thể thấy cánh diều "đủ tuổi" vàng bay lên trong sự mong đợi của công chúng. 

N.A