"Nóng" và lạnh trên sân khấu!
Các Website khác - 15/05/2008

>> "Nóng" trên sân khấu đâu chỉ để... câu khách

Trước khi sân khấu phương Tây vào VN, đem theo thể loại kịch Tây và phương pháp tả thực, ngay từ đầu thế kỷ 20 VN đã có rối nước, chèo, tuồng... Và dĩ nhiên, sân khấu cổ truyền Việt đã dựng "cảnh nóng" theo mỹ học riêng độc đáo.

Một cảnh trong vở kịch hình thể Vườn thiên đường (Nhà hát Tuổi Trẻ) 

Lửa tình như Thị Màu!

Khó có thể quên cảnh Thị Màu, tuổi chanh cốm đa tình, xinh đẹp, xăm xắn lên chùa, nhăm nhăm chuyện giường chiếu với chú tiểu Kính.

Sàn diễn chèo cổ sân đình, rồi sàn diễn đương đại, khi không mà chẳng sôi lên vì Thị Màu, tay nâng mâm hoa quả tung tẩy lên chùa, mắt long lanh đong đưa, hát đối đáp sôi sục với dàn đế: Ừ thì cọc đi tìm trâu đấy. Người đâu đến ở chùa này, cổ cao ba ngấn lông mày nét ngang!

Bởi vậy, Thị Màu thành vai mẫu trong vở chèo mẫu mực Quan Âm Thị Kính của sân khấu dân gian Việt, lưu truyền hàng trăm năm theo phương thức truyền nghề "thầy già con hát trẻ”, từ thế hệ này qua thế hệ khác, mà lửa tình (mang dục tính khỏe mạnh của một dân tộc trồng lúa, với tín ngưỡng "phồn thực") của Thị Màu vẫn rực cháy khôn nguôi.

Nội chỉ xem trích đoạn Thị Màu lên chùa, người xem trong nước, ngoài nước cũng đã no nê con mắt.

Rồi cảnh ân ái khác đầy vẻ đẹp bi kịch, trong trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (vở tuồng Tiết Giao đoạt ngọc). Nhân vật Nguyệt Cô phải trả giá cực đắt chỉ sau một lần chiếu chăn với Tiết Giao, đã lập tức phải quay về kiếp cáo. Chỉ vì vài khoảnh khắc yêu đương mà Nguyệt Cô uổng ngàn năm tu luyện.

Cảnh ân ái của Hồ Nguyệt Cô với Tiết Giao trên sân khấu tuồng được đánh giá không chỉ là cảnh nóng đẹp nhất, mà còn là cảnh hoàn hảo, cô đặc nhất tinh túy của nghệ thuật tuồng về trình thức biểu diễn.

Hai cảnh tượng trên của sân khấu cổ truyền VN là những ví dụ sáng giá và sang giá về nghệ thuật xử lý và biểu diễn cảnh nóng theo ngôn ngữ ước lệ đặc sắc của chèo cổ, tuồng cổ. Điều kỳ diệu nhất là diễn viên thực hiện vai mẫu mà vẫn đưa được tính cách sáng tạo riêng vào những động tác ái ân trong vẻ đẹp của khuôn vàng thước ngọc.

Song đấy là cảnh nóng của ngôn ngữ ước lệ, đặc trưng sân khấu phương Đông.

Choáng ngợp trước vẻ đẹp của dục tính

Trong Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần đầu ở Hà Nội cuối năm 2002, trong vở Karma, phỏng theo bi kịch Oedipe làm vua, vở diễn chưa bắt đầu, vị đạo diễn người Hàn Quốc đã làm choáng người xem.

Chính giữa phông hậu sàn diễn là một yoni phóng to mang hình hạt thóc đỏ thắm, được dựng như một khung cửa lớn, sừng sững suốt chiều dài vở diễn, chỉ một mình Oedipe được bước qua bước lại, nhất là trong những thời điểm định mệnh.

Cảnh tượng ấy thật kỳ vĩ, đã mở rộng ý nghĩa về một không gian lớn hơn nhiều cái khoảng không sân khấu đang hiện diện trước mắt người xem. Đó là không gian cuộc loạn luân được báo trước: con giết cha (là vua) lấy mẹ (hoàng hậu của vua cha) mà không biết.

Chính cái phông yoni đầy ấn tượng thị giác đó đã gợi ý, làm nền cho cảnh Oedipe tỏ tình và ân ái với mẹ của mình mà không biết, khiến cho ý nghĩa của cảnh tượng thật bi thương, khốc liệt và khủng khiếp.

Đạo diễn Hàn Quốc đã xử lý cảnh thật nóng và thật khó này bằng cách đề nghị diễn viên nữ (vai hoàng hậu) cho diễn viên nam (Oedipe) nằm gọn vào lòng mình (phác một cử chỉ cho con bú rất bản năng), mở tà áo để lộ nguyên một bầu ngực trần, ngay trên khuôn mặt của nhà vua đang mơ màng.

Cảnh diễn này bất ngờ, đa nghĩa như nó buộc phải thế, xuất thần và nóng bỏng đến mức toàn thể người xem tại khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội lặng phắc, tê điếng, rồi chợt giật mình, ào ào vỗ tay thán phục. Các phóng viên nhiếp ảnh đều trở tay không kịp.

Hình như duy nhất nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán chụp được tấm ảnh mà anh đùa là "nóng rẫy" này. Nóng rẫy nhưng lại diễn tả được thông điệp "sám hối" của con người trước sự loạn luân, và không chỉ sám hối, con người còn có thể chống lại định mệnh nữa.

Hồi còn du học ở nước Nga Xô viết, tôi nhớ nhà hát Nhỏ St.Petersburg, có tên một vở kịch thường chăng ngang hai chữ: hết vé. Muốn xem phải lấy vé trước hàng nửa năm.

Đó là vở Những ngôi sao trên bầu trời buổi sớm. Nhân vật chính là một gái điếm ế trong mùa Olympic. Được một người đàn ông tốt bụng thương tình cứu khỏi bị bắt giam, cô "trả ơn" bằng một lần ân ái.

Hai diễn viên nam và nữ là một cặp đôi nghệ sĩ rất đẹp về hình thể, đã diễn cảnh ân ái theo đúng phép tả thực của thể loại kịch. Trên người không mảnh vải che thân, trong các tư thế rất đẹp, rất tinh tế.

Được xử lý ánh sáng sân khấu hoàn hảo, cảnh yêu đương của họ diễn ra trên sân khấu thật lộng lẫy, đầy xót thương, không một tì vết. Tôi đưa ba đồng nghiệp từ VN sang xem.

Đúng cảnh nóng ấy, tôi quay lại: đạo diễn Đoàn Anh Thắng, nhà báo Lưu Trọng Văn, nhà viết kịch Văn Sử đều nước mắt lưng tròng. Quá nhân bản và quá đẹp. Đạt đến mỹ học thanh lọc. Cả ba cảm động thì thầm...

"Nóng" mà lạnh quá!

Như vậy, sân khấu Việt và sân khấu phương Tây chưa bao giờ khước từ cảnh nóng đẹp. Thập kỷ cuối thế kỷ XX, Dạ cổ hoài lang đã chẳng là một ví dụ tốt đẹp đấy ư? Đạo diễn Công Ninh ém cảnh ái ân của đôi trẻ Việt sau tấm màn gió, diễn viên ném quần áo từ trong tấm màn ra ngoài.

Điều chủ yếu khán giả muốn xem là thái độ của người ông trước cảnh "Mỹ hóa" của cháu mình, đã tái tê đau đớn đến... chết vào cuối vở. Biện minh cho cảnh ấy đích thị là lý do thẩm mỹ.

Cũng vậy, cảnh đêm tân hôn của vợ chồng cùi trong 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Lê Hùng đã dựng như một giấc mơ lộng lẫy màu hoàng hoa. Thật lãng mạn và trong trẻo.

Sân khấu kịch hôm nay quá hiếm những cảnh nóng được xử lý tương tự, mà xuất hiện quá nhiều cảnh "nóng lấy được", bất chấp sự phát triển biện chứng của hành động kịch trong tính cách nhân vật, bất chấp thẩm mỹ sân khấu, bất chấp luôn cả mỹ cảm người xem Việt còn quá nặng lòng với sự tiết chế, tế nhị của tâm hồn Việt, khi thưởng thức sân khấu.

Suy cho cùng, trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về bản lĩnh và tài năng của người đạo diễn, biết "cảm giác tinh tế" đâu là ngưỡng dừng đúng lúc, đúng chỗ - đôi khi chỉ mảnh như sợi tóc - giữa "đỉnh cao" cảnh nóng đẹp và "vực sâu" cảnh nóng xấu.

Theo Nguyễn Thị Minh Thái