![]() |
Y Phuny với các sản phẩm thổ cẩm của mình - Ảnh: T.N.Q |
Chỉ mới 20 tuổi nhưng chàng trai này lại là chủ nhiệm một hợp tác xã với gần 50 xã viên, trong đó phần lớn là chị em chuyên nghề dệt thổ cẩm.
Đó là Y Phuny, người Ê Đê ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). "Khoảng bảy, tám tuổi mình đã biết dệt rồi, mẹ mình bày cho đấy". - Y Phuny bộc bạch. Trả lời câu hỏi "vì sao con trai mà dệt vải?", anh bảo: "Thường thì ở buôn làng con gái mới dệt thổ cẩm, nhưng nhà mình đông con quá, lại nghèo nữa nên con trai cũng phải dệt mới có cái ăn". Lớn lên bên khung dệt, rồi vừa học THPT vừa học nghề ở Trường Dạy nghề thanh niên dân tộc Đắk Lắk (nay là trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên), Y Phuny có được kiến thức từ sách vở lẫn thực hành. Có lẽ vì thế mà ngay sau khi tốt nghiệp tú tài vào năm ngoái, chàng trai này liền được tất cả xã viên HTX dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột nhất trí bầu làm chủ nhiệm. Nhưng Y Phuny bảo: "Trước đó, mình đã có 3 năm thâm niên vừa học, vừa làm phó chủ nhiệm HTX nên xã viên tin tưởngrồi!". Y Phuny thông thạo dệt tay hơn 20 loại hoa văn trang trí trên thổ cẩm. Tay nghề giỏi cùng với óc sáng tạo khiến anh có thể hướng dẫn chị em xã viên thao tác, thực hiện các mẫu sản phẩm đa dạng. Y Phuny thổ lộ: "Bây giờ khách hàng khó tính lắm, thổ cẩm làm đại trà không hấp dẫn họ đâu. Phải cải tiến, có nét riêng, độc đáo trên nền vải, hoặc theo nhu cầu của khách mới bán được hàng". 30 xã viên của HTX làm công việc dệt thổ cẩm, một nửa tập trung dệt hằâng ngày tại trụ sở HTX, còn một nửa đưa hàng về nhà làm. Xã viên thu nhập theo số lượng sản phẩm làm được, hoàn thành 1 khung dệt vải (đủ đan từ 3-4 cái áo) được HTX trả 100 ngàn đồng. Mỗi tháng người làm ít nhất cũng được 10 khung dệt, cao nhất tới 20 khung dệt, thu nhập 2 triệu đồng. Hỏi Y Phuny về "việc quản lý công việc HTX như thế nào khi có xã viên ở các huyện xa hàng chục cây số?", anh cười bảo: "Đơn giản thôi, vì quản lý chủ yếu trên kết quả sản phẩm họ làm được. Ban chủ nhiệm chỉ phải lo đầu ra, tìm cách tiêu thụ hàng". HTX dệt thổ cẩm Buôn Ma Thuột được thành lập năm 2001, ban đầu chỉ có 12 hộ xã viên chuyên sản xuất hàng thổ cẩm mang nhãn hiệu Đam Yi. Những năm gần đây, HTX làm thêm một số ngành nghề, sản phẩm mới như đồ gỗ nội thất, may mui nệm. Y Phuny cũng cho biết, sắp tới HTX sẽ mở rộng sản xuất nấm dược liệu, sửa chữa cơ khí... Doanh thu hiện giờ của HTX chưa cao lắm, mỗi năm lợi nhuận sau thuế cũng chỉ vài trăm triệu đồng. Tuy vậy, xã viên luôn được tạo công ăn việc làm và trả lương đầy đủ theo sản phẩm, nhờ vậy mà họ gắn bó với HTX, chưa ai rời bỏ. Hỏi Y Phuny có gì băn khoăn khi làm chủ nhiệm HTX tuổi còn quá trẻ như vậy, anh nói: "Không có chi băn khoăn cả, nhưng sợ lâu dài HTX phát triển lên mình không kham nổi nên bây giờ vừa làm vừa học tại chức khoa Quản trị kinh doanh của ĐH Tây Nguyên, rồi học thêm tiếng Anh vào ban đêm nữa". Trần Ngọc Quyền
▪ Lãng phí nhân lực xuất khẩu lao động (19/07/2008)
▪ Lỡ việc vì... vốn (19/07/2008)
▪ Quảng Nam: Cá lóc “khủng” nuôi cảnh (18/07/2008)
▪ Bỏ quên nông dân, không thể công nghiệp hóa vững chắc (16/07/2008)
▪ Làm giàu từ “sức tàn” (15/07/2008)
▪ Những người không chịu an phận (14/07/2008)
▪ Trồng những "cây vàng" (14/07/2008)
▪ Giá lúa giảm chỉ là tạm thời (12/07/2008)
▪ Nghề tổ chức lễ cưới (12/07/2008)
▪ Chuyện cùng hai cô gái “sống toàn cầu” (12/07/2008)