Lỡ việc vì... vốn
Các Website khác - 19/07/2008
 
Cơ hội đi XKLĐ đối với LĐ nông thôn ngày càng khó.
Người lao động (NLĐ) đi XKLĐ ngày càng khó vay vốn, nếu có, số tiền cho vay cũng rất ít, thời gian làm thủ tục kéo dài không đủ để trang trải chi phí...

Những khó khăn này không chỉ khiến nhiều NLĐ phải từ bỏ ước mơ xuất ngoại làm giàu mà còn khiến không ít DN XKLĐ lao đao.

Cánh cửa ngày càng hẹp

Chị Nguyễn Thị Lộc ở Hoằng Hoá (Thanh Hoá) ngao ngán: "Tôi đã mất mấy triệu đi lại khám sức khoẻ, lo giấy tờ, thủ tục, học hành... Trầy trật mãi mới xin được visa đi LĐXK tại Đài Loan nhưng không "xoay" đâu được 30 triệu đồng. Tôi đã gõ cửa nhiều NH nhưng câu trả lời nhận được là "không có". Vay "nóng" chợ trời thì không dám vì biết bao giờ mới trả được mức lãi suất "chợ đen" ngất ngưởng. Có lẽ đành... thôi". Anh Đặng Văn Công ở Kiến Xương (Thái Bình) dự định đi Dubai làm CN XD, đành lỡ vì không lo đủ 2.100USD nộp cho Cty. "Tôi định vay ngoài lãi 3%/tháng. Người nghèo như chúng tôi ít có cơ hội làm giàu, nay thì càng chỉ là... ước mơ!" - anh Công ngậm ngùi.

Nhiều NLĐ muốn đi XKLĐ có hoàn cảnh như chị Lộc, anh Công. NLĐ muốn đi XKLĐ phần lớn là nghèo khó ở nông thôn, chi phí để đi hoàn toàn phụ thuộc vốn vay từ NH. Rơi vào tình cảnh này, phần lớn NLĐ vẫn nuôi hy vọng vay được tiền từ NH nên cố gắng cầm cự bằng cách hoãn chuyến bay, đã không ít người chấp nhận bỏ cuộc. Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bắc Giang... là các địa phương tập trung nhiều LĐ có nhu cầu đi XKLĐ nhất và cũng là nơi NLĐ mắc kẹt nhiều vì không "xoay" đủ tiền.

Thực tế, hoạt động vay vốn đi XKLĐ chững lại một phần vì chi phí đi một số nước quá lớn, phải thế chấp tài sản, trong khi đó LĐ muốn đi XKLĐ hầu hết thuộc hộ nghèo và cận nghèo nên không được vay nhiều vì không có tài sản thế chấp. Theo ông Nguyễn Dũng - Trưởng phòng Thị trường TT Hợp tác quốc tế về XKLĐ (Tradimexco) thuộc Cty Thương mại dịch vụ và XNK Hải Phòng, thì: Hiện, chỉ có 2 NH Chính sách xã hội và NN&PTNT cho đối tượng XKLĐ vay vốn, tuy nhiên nguồn vốn cũng rất hạn hẹp. NLĐ chỉ được vay tối đa 20 triệu đồng theo diện vay vốn bình thường. Số tiền đó chỉ tạm đủ phần nhỏ chi phí.

NLĐ và DN cùng thiệt

Ông Lê Anh Văn - Phòng Thị trường TT Thương mại và XKLĐ (UDIC) cho biết: 3 tháng trở lại đây, các NH siết chặt hơn hoạt động vay vốn nên việc đứng ra bảo lãnh giúp NLĐ gặp nhiều khó khăn. Trước đây, dù ít nhiều NLĐ còn vay được; nhưng nay thì nhiều địa phương tạm ngừng. Không chỉ NLĐ gặp khó mà các DN XKLĐ phải gánh chịu nhiều thiệt hại.

Bà Trần Minh Thu - Phòng Đối ngoại TT Đào tạo cung ứng LĐXK (Cty CP Đầu tư và XD GT) cho hay: Chưa bao giờ hoạt động XKLĐ lại khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay. DN muốn đứng ra bảo lãnh cho NLĐ vay phải ký quỹ bảo lãnh từ 5-10% mà vẫn không vay được. Chúng tôi đã cố gắng chia sẻ khó khăn với NLĐ bằng cách: Cho NLĐ ký nợ, giảm giá học, giảm chi phí quản lý... nhưng vẫn khó thu hút được LĐ. Một khó khăn nữa là từ trước đến nay chi phí LĐ phải nộp theo đơn hàng đều tính bằng đôla, nhưng giá đôla hiện đã tăng rất nhiều so với trước và vẫn đang biến động khó lường khiến cả NLĐ và DN cùng lao đao.

Ngọc Bảo