Nhận thức về nghề: Mơ hồ
Các Website khác - 28/08/2008

 

 

Đi đứng ngay thẳng, mạnh dạn, tự tin, kỷ luật cũng là bước đầu của "văn hóa nghề". Trong ảnh: Công nhân Công ty Trường Lợi - TPHCM xếp hàng đến nhà ăn. Ảnh: H. Đào
Một bộ phận công nhân hiện đang thiếu văn hóa nghề, vì họ không được giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, chưa được giáo dục về ý thức nghề nghiệp

Vừa qua, nhiều nhà khoa học và các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên khái niệm “văn hóa nghề”. Nguyên nhân đơn giản là sau hơn 20 năm đổi mới, chúng ta thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết nhiều lao động, trong đó phần lớn lao động ở nông thôn. Nhưng việc học nghề, chọn nghề, nhất là nhận thức về nghề đối với đại đa số lao động hiện vẫn còn mơ hồ.

Xa quê lâu nên mất gốc?

Tôi có người bạn về quê lập doanh nghiệp, tuyển dụng lao động tại chỗ với mong muốn góp phần giúp quê nhà đổi thay. Lương bình quân mỗi công nhân (CN) đạt khoảng 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Với thu nhập như vậy mà được nuôi ăn, ở, rõ ràng sướng hơn nhiều khi tha phương cầu thực.

Nhưng anh bạn tôi nhiều lúc bức bối muốn... dẹp tiệm vì “hễ trong làng, trong xóm có đám cưới là không nói không rằng, họ rủ nhau bỏ việc đi ăn cưới. Họp anh em lại nói cho họ biết thế nào là tác phong công nghiệp, thế nào là dây chuyền sản xuất, thế nào là bể hợp đồng... chẳng những họ không biết lỗi, mà còn trả lời xóc óc, bảo mình xa quê lâu nên mất gốc, chứ bà con trong làng, trong xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Chuyện cưới xin, đời người chỉ có một lần, dù bữa làm đó được tiền triệu, chúng tôi cũng bỏ!”.

Thói quen khó bỏ

Tâm lý tiểu nông ấy mang vào TPHCM. Nhiều người thay đổi nơi làm việc một năm vài ba lần chỉ vì chưa có thói quen lao động công nghiệp. Họ tìm cách đi tiêu, đi tiểu nhiều lần trong một ca để... thư giãn, giống như ngày ở quê, cuốc xong lối đất thì nghỉ hút điếu thuốc, hoặc nói vài câu chuyện vui để thấy... “cuộc đời vẫn đẹp sao”!

Báo chí đã nhiều lần thông tin về việc CN xả rác bừa bãi. Phê phán chuyện này quá đúng, nhưng với phần lớn CN nhập cư là chuyện bình thường, bởi ở thôn quê đất rộng người thưa, bao đời qua làm gì có giỏ rác trong mỗi nhà mà bảo họ có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định? Đã có không ít vụ ngừng việc tập thể xảy ra vì một bộ phận CN thiếu văn hóa nghề, vì họ không được giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, chưa được giáo dục về ý thức nghề nghiệp.

“Nhập gia tùy tục”

Gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) có thông tin về việc đưa lao động VN sang giúp việc gia đình tại Malaysia. Người lao động được đài thọ phí môi giới, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi phí ăn, ở; vé máy bay đi về... Đặc biệt, phía tiếp nhận có cam kết tôn trọng nhân phẩm người lao động. Nghe tin này, tôi thấy vui vì mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động nữ ở nông thôn; giúp họ có tầm nhìn thoáng hơn, chí ít cũng vượt qua khỏi bờ ruộng quê nhà.

Thế nhưng, mới đây, có hai lao động sang hành nghề giúp việc nhà tại Malaysia được mấy ngày đã khiếu kiện, đòi về, đòi tự tử vì “bị ngược đãi”. Công ty phái cử phải mua vé máy bay cho họ về nước sau khi thuyết phục không xong. Tìm hiểu sự việc, mới biết, cơ quan chức năng Malaysia đã trả lời bằng văn bản. Trong đó, nêu rõ: Hai lao động này khi đến Malaysia, “mỗi ngày đều muốn gọi điện thoại về VN. Ngày thứ nhất, nằm mơ thấy con trai chết nên muốn gọi điện thoại về; ngày thứ hai, nằm mơ thấy mẹ chết nên muốn gọi điện thoại về; ngày thứ ba, nằm mơ thấy cha chết và cũng muốn gọi điện thoại về. Khi làm việc, chỉ muốn chủ trả lương bằng tiền mặt; công ty môi giới dạy cách làm việc cho phù hợp thì cả hai không chịu làm theo; khi uống nước không bao giờ rửa ly và để lại nơi lấy; khi lấy những vật dụng để dùng thì không để lại nơi lấy; khi đưa đến nhà chủ để thử việc đã quay trở về chỉ sau một ngày và than mệt...”.

Chuyện đúng – sai, tôi nghĩ tự ở lòng mình. Nhưng “nhập gia tùy tục”, đã chấp nhận sang xứ người làm thuê thì phải tuân thủ luật pháp nước sở tại. Những điều đó, người lao động chưa được trang bị đầy đủ. Và bản thân họ cũng chưa ý thức được nghề nghiệp của mình, vị trí của mình.

Bài tham gia diễn đàn vui lòng gửi về Ban Chính trị - Công đoàn Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, quận 3 – TPHCM. Hoặc email: ctcd@nld.com.vn ; duyquoc@nld.com.vn .

Ngọc Phúc