Lao động nữ trong một buổi học nghiệp vụ giúp việc gia đình để đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh: C.T.V |
Các doanh nghiệp phải bảo đảm lương cơ bản của người lao động là 750 RM/tháng, tương đương khoảng 3,7 triệu đồng; phải có sự cam kết tôn trọng nhân phẩm của chủ sử dụng lao động
Từ năm 2007 đến nay, XKLĐ của VN sang Malaysia giảm mạnh về số lượng. Một số doanh nghiệp (DN) XKLĐ VN đang “hâm nóng” thị trường này bằng việc mở thêm kênh cung ứng lao động giúp việc gia đình. Theo Hiệp hội XKLĐ VN, việc có thêm kênh tiếp nhận này tạo thêm cơ hội cho lao động nữ, nhất là lao động nữ lớn tuổi ở các vùng nông thôn...
Điều kiện dễ dàng
Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia cho biết nhu cầu sử dụng lao động giúp việc nhà ở Malaysia khá lớn. Indonesia, Philippines và Campuchia là ba quốc gia cung ứng lao động giúp việc gia đình cho Malaysia.
Hiện có 11 DN XKLĐ của VN được phép thí điểm đưa lao động sang giúp việc gia đình tại Malaysia, gồm: Sovilaco, Sona, AIC, TTLC, Viettracimex, Vilexim, VTC Corp, Vinaconexmex, Interseco, Udic, Châu Hưng. Đến nay, Sovilaco đã tuyển được hơn 30 lao động. Công ty Châu Hưng đã tuyển và đang đào tạo khoảng 30 lao động. Các công ty khác như Sona, Vilexim, Lod... cũng đang bắt tay tuyển chọn lao động...
Điều kiện tuyển dụng lao động giúp việc gia đình ở Malaysia khá dễ dàng. Ông Tống Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Châu Hưng, cho biết đối tượng tuyển là lao động nữ từ 20 – 40 tuổi, có sức khỏe, chịu khó, giỏi giang việc nhà là được. Theo ông Tùng, người lao động sẽ được tập trung đào tạo nghề, học tiếng Hoa, tiếng Anh, giáo dục định hướng trong khoảng thời gian 2 tháng. Sau khi sang Malaysia, họ sẽ được đưa đến cơ sở huấn luyện của công ty môi giới để học làm quen với các trang thiết bị, nấu các món ăn... trong thời gian một tuần. Sau khi về nhà chủ, nếu lao động chưa đáp ứng được công việc thì có thể được trở lại cơ sở đào tạo để huấn luyện thêm.
Được đài thọ nhiều chi phí
Theo Phòng Thị trường - Cục Quản lý lao động ngoài nước, nếu so với lao động làm việc trong các nhà máy, công xưởng, thu nhập thực tế của người giúp việc gia đình không thấp hơn là bao. Được biết, mức lương trả cho lao động nước ngoài giúp việc gia đình ở Malaysia tùy thuộc vào khả năng, trình độ và quốc tịch của người lao động. Cụ thể: ngoài ăn, ở miễn phí, chủ trả vé máy bay về nước sau khi kết thúc hợp đồng, thu nhập của lao động Indonesia giúp việc gia đình được trả từ 450 – 550 RM/tháng; lao động Campuchia giúp việc gia đình là 600 RM; lao động Philippines giúp việc gia đình được trả từ 800-850 RM/tháng. Đối với các DN XKLĐ VN, theo đề xuất của Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, phải bảo đảm lương cơ bản từ 750 RM/tháng.
Một cái lợi là chi phí đối với lao động giúp việc gia đình ở Malaysia là khá thấp. Tổng chi phí người lao động bỏ ra khoảng 2 – 3 triệu đồng để làm visa, hộ chiếu, khám sức khỏe ...; cùng với tiền học nghề giáo dục định hướng 700.000 đồng/tháng theo quy định (đào tạo 2 tháng). Người lao động không phải tốn phí môi giới và ngược lại được chủ sử dụng lao động đài thọ vé máy bay hai lượt đi – về, đài thọ ăn - ở, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định, đóng thuế levy 360 RM/năm... Ông Tống Thanh Tùng cho biết bình quân thu nhập mà người lao động tích lũy được khoảng 3,7 triệu đồng/tháng trở lên. Đối với đa số lao động nữ nghèo, không nghề, bấp bênh việc làm, mức lương trên không phải là thấp.
Về mặt chủ trương, Bộ LĐ-TB-XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các DN phải thực hiện nghiêm việc tìm hiểu, ký kết hợp đồng, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Khuyến cáo từ Hiệp hội XKLĐ VN là nên đưa lao động sang làm việc ở những gia đình người Hoa, vốn có sự tương đồng về văn hóa, sinh hoạt với người Việt. Khi ký hợp đồng, các DN nên ràng buộc để có cam kết của chủ sử dụng lao động về chi trả tiền lương, công việc cụ thể của người lao động, cam kết tôn trọng nhân phẩm người lao động...
Một số thông tin lưu ý Người lao động sang Malaysia giúp việc gia đình có thời hạn hợp đồng 3 năm (được gia hạn thêm); thời gian làm việc tối đa 12 giờ/ngày, 26 ngày/tháng; lương cơ bản 750 RM/tháng. Các khoản chi phí được đài thọ, gồm: Phí môi giới; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật Malaysia; chi phí ăn, ở; chi phí vé máy bay đi - về; thuế levy (360 RM/người/năm); phí khám sức khỏe định kỳ tại Malaysia. Một số chi phí người lao động tự chi trả gồm: phí khám sức khỏe trước khi đi; chi phí làm hộ chiếu, visa; chi phí đưa đón sân bay; chi phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết trong thời gian tập trung trước khi xuất cảnh (khoảng 2 tháng). (Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước) |
▪ "Xưởng vàng" ảo hút nhân lực công nghệ cao (27/08/2008)
▪ Teens muốn kiếm tiền? (27/08/2008)
▪ Giậm trìa ở phá Tam Giang (23/08/2008)
▪ Yêu nghề làm nên sáng tạo (22/08/2008)
▪ Những người viết tiếp huyền thoại (22/08/2008)
▪ Giảng viên trẻ: Giỏi hơn nhưng cũng… thực dụng hơn (20/08/2008)
▪ Đỏ mắt tìm lao động kỹ thuật (20/08/2008)
▪ Nhọc nhằn đời sống công nhân (19/08/2008)
▪ Thực tiễn khó khăn “ép” phải có ý tưởng sáng tạo (18/08/2008)
▪ Nghề Bartender (18/08/2008)