Kinh tế phát triển, các ngành dịch vụ được mở rộng nhưng hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TP HCM hiện thiếu hụt trầm trọng nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ. Hiện chỉ có 50% lao động của TP HCM được qua đào tạo nghề.
> Hơn 50% sinh viên tốt nghiệp phải đào tạo lại
Sáng nay, tại Hà Nội diễn ra ''Hội nghị triển khai đào tạo nhân lực theo nhu cầu các ngành Công nghệ thông tin, Du lịch, Đóng tàu, Tài chính - Ngân hàng và thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực chất lương cao cho hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh''.
Phó chủ tịch TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, năm 2005 Hà Nội có 39.000 doanh nghiệp, năm 2007 con số này gần 57.000. Do vậy, nhu cầu nhân lực hằng năm của thành phố rất lớn.
Năm 2007, khảo sát khoảng 8,5% số doanh nghiệp cho thấy, số lao động tuyển mới là hơn 30.000 người (gần 33% ĐH, CĐ; 46% công nhân kỹ thuật; còn lại là lao động phổ thông).
Tuy nhiên, hiện việc đào tạo nguồn nhân lực của thành phố chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hà Nội hiện có 66 trường đào tạo về Công nghệ thông tin, hằng năm tuyển 13.000 sinh viên.
Do số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Tài chính, Ngân hàng, Chứng khoán... ở thủ đô tăng nhanh nên số lao động cần tuyển rất lớn, trong khí, trung tâm kinh tế này hiện có 61 trường đào tạo về Tài chính - Ngân hàng, mỗi năm cho ra "lò" 22.000 sinh viên.
Theo bà Hằng, dự báo năm 2015, Hà Nội có 5,5 triệu người, do đó mỗi năm cần đào tạo cho ít nhất 120.000 - 130.000 lao động. Và Công nghệ thông tin; Điện, điện tử; Xây dựng, giao thông; Kinh tế, tài chính, ngân hàng; Chế biến rau quả và thực phẩm sạch... sẽ là những ngành nghề cần nhiều nhân lực.
![]() |
Các đại biểu tham gia hội nghị đóng góp ý kiến. Ảnh: Tiến Dũng. |
Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, TP HCM cũng gặp phải tình trạng tương tự. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài cho biết, 85% trong số 8 triệu dân của thành phố hiện trong độ tuổi lao động, tỷ lệ thất nghiệp dưới 5,6%. Dù tỷ lệ cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao đang sinh sống, làm việc ở TP HCM chiếm 30% cả nước nhưng hiện số lao động qua đào tạo nghề mới được 50%, trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là hơn 60%.
Ông Tài cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, các trường chưa đào tạo được lao động có thể đi làm ngay...
TP HCM hiện có 93 trường với hơn 1 triệu sinh viên, trong đó 41 ĐH, CĐ thuộc Bộ, ngành trung ương quản lý, 52 ĐH, CĐ, TCCN do thành phố quản lý. Ngoài ra, các trung tâm dạy nghề cũng đào tạo bình quân 320.000 học viên mỗi năm.
Trong vài năm tới, TP HCM cần hàng trăm nghìn lao động có trình độ. Trong đó, năm 2010, ngành Tài chính - Ngân hàng cần 75.000 người, Du lịch - Khách sạn là 28.500 người, Công nghệ thông tin - Điện tử là hơn 90.000 người....
Đặc biệt, đến 2010, trung tâm tài chính này cần 500 cán bộ quản lý điều hành, vận chuyển Metro và Motorail. Năm 2015-2020, nhu cầu nhân lực cho nghề này là 2.500 cán bộ.
Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội Hoàng Văn Điện, một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động có tay nghề là do doanh nghiệp chưa có ý thức hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực. "Khi chúng tôi đưa sinh viên tới thực tập, một số doanh nghiệp đã yêu cầu phải nộp kinh phí và không mấy mặn mà với việc tiếp nhận thực tập", ông Điện bức xúc nói.
Có cùng bức xúc này, đại diện ĐH Hàng Hải cho biết, hầu hết doanh nghiệp đều yêu cầu trường nộp kinh phí cho sinh viên thực tập, trong khi ngân sách của trường chỉ có thể hỗ trợ 50.000 đồng mỗi sinh viên cho một đợt thực tập.
Để tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng lao động, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lãnh đạo hai thành phố xem xét tổ chức hội chợ đào tạo. Người đứng đầu ngành giáo dục mong mỏi, đây sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp gặp gỡ trực tiếp với trường đại học nhằm hướng tới chương trình đào tạo xã hội cần chứ không đào tạo cái các trường có.
Lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, tháng 6 tới, thành phố sẽ đưa Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực vào hoạt động nhằm tạo cầu nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp. Trong tương lai, TP HCM cũng sẽ xây dựng Trung tâm tương tự.
▪ Trí thức trẻ về nước: Thiếu chương trình dài hơi ! (25/04/2008)
▪ Người lao động cần có tác phong công nghiệp (25/04/2008)
▪ Mới ra trường, làm sao để hòa nhập với công việc? (23/04/2008)
▪ Mạnh tay chi tiền đào tạo nhân viên (23/04/2008)
▪ Hỏi đáp về giao tiếp công sở (23/04/2008)
▪ Tiền Lương Trong Đêm (22/04/2008)
▪ Loạn ngôn ngữ văn phòng (22/04/2008)
▪ Khi xin việc: Tự tin là yếu tố của thành công (21/04/2008)
▪ Bài tập giúp nhận định những kỹ năng bản thân (18/04/2008)
▪ Đợt tuyển nhân sự mới của kênh tin tức tài chính CafeF (18/04/2008)