“Hai lúa” xây chợ làng
Các Website khác - 03/11/2008
 


Chợ trái cây của gia đình anh Nguyễn Văn Vỹ
tại xã Mỹ Đức Tây (Cái Bè, Tiền Giang). Ảnh: BH

Chợ do nông dân bỏ tiền túi đầu tư, tuy vốn ít và quy mô không lớn nhưng lại hiệu quả.

Trong khi nhà nước xây chợ bạc tỷ mà ế ẩm thì mấy anh “Hai lúa” xây chợ lại hút hàng, tiểu thương kéo đến nườm nượp. Hiện ở miền Tây, có nhiều nông dân kinh doanh chợ giỏi không thua gì những doanh nhân thứ thiệt.

Đem chợ vào vườn

Cạnh Trung tâm Thương mại trái cây Tiền Giang vắng vẻ có một khu chợ nhỏ đông nghẹt người buôn bán trái cây từ sáng đến tối. Đó là chợ tư nhân của gia đình anh Nguyễn Văn Vỹ tại xã Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Chợ nằm trên diện tích khuôn viên chừng một ha. Dù quy mô nhỏ nhưng hiện có gần trăm chủ vựa về đây thuê mướn. Không chỉ thế, nông dân ở các xã lân cận như An Cư, Mỹ Luông, Hòa Khánh cũng tải hàng bày ra bán. Khách hàng lẫn du khách khá thích chợ này vì hàng hóa phù hợp túi tiền.

Anh Vỹ kể: “Trước đây, cả xã chỉ có cái chợ chồm hổm chật hẹp, mất vệ sinh khiến khách hàng ngại lui tới, tiểu thương cũng lần lượt ra đi. Thấy được lợi thế của khu vườn cũng như những bức xúc về nơi họp chợ, tôi cùng gia đình nghĩ đến việc xây chợ, dời chợ vào khu vườn nhà mình. Một là giúp cho bà con có chỗ buôn bán thuận lợi, hai là làm kinh tế cho gia đình”. Ý tưởng xây chợ của gia đình anh Vỹ cũng được chính quyền địa phương ủng hộ bởi trùng dịp xã có kế hoạch giải tỏa chợ cũ.

Gia đình anh Vỹ bỏ gần một tỷ đồng cải tạo khu vườn, xây ki-ốt và các dãy nhà vựa. Anh cho biết: “Lúc đầu, chợ xây rồi nhưng không ai chịu vào bán. nguyên nhân là nhiều người vẫn lo khách hàng thân quen sẽ bỏ đi. Thế là chúng tôi phải đi thuyết phục, mời mọc họ đến, tiểu thương nào khó khăn mình cho vay vốn, thậm chí không thu phí hoặc thu rất thấp. Dần dần tiểu thương kéo nhau vào chợ, khách hàng cũng quen chợ mới”.

Chị Trương Thị Liên - một tiểu thương kinh doanh gần năm năm ở đây đánh giá chợ có lợi thế về giao thông cả đường bộ lẫn đường thủy, vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm an ninh ban quản lý chợ thân tình như người nhà. Còn anh Nguyễn Văn Hùng, một thương buôn ở Cái Bè cho rằng trái cây từ vườn chở ra chợ thuận tiện.

Hiện chợ xã Mỹ Đức Tây tiểu thương thuê mặt bằng sáu triệu đồng/năm. Tổng số hộ kinh doanh ở khu chợ đã lên đến cả trăm. Hiện anh Vỹ đang dự định mua thêm đất vườn mở thêm một khu chợ chuyên kinh doanh hàng tạp hóa và anh tin chắc là mình sẽ thành công. “Muốn xây chợ thành công không chỉ bỏ vốn nhiều là được, phải biết chọn lựa địa thế thích hợp. Đặc biệt với các mặt hàng trái cây, khi mà hàng hóa nông dân phần lớn đi theo con nước thì giáp mặt sông và gần cửa sông là thuận tiện nhất” - anh Vỹ nhận xét.

Ngôi chợ “Ba Đồng”

Tại xã An Phú (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cũng có một khu chợ được thành lập cách đây sáu năm. Đó là chợ Ba Đồng của ông Hồ Văn Đồng (Ba Đồng). Khu chợ này rộng khoảng một ha, mức đầu tư không lớn nhưng cũng có được hàng trăm tiểu thương vào buôn bán.

Khu chợ của ông Ba vốn trước là vườn trồng mía. Do thấy khu công nghiệp mọc lên nhiều, nhu cầu mua sắm, họp chợ tăng theo nhưng bà con bày sạp dọc đường gây cản trở giao thông và mất vệ sinh, ông Ba Đồng gom hết vốn liếng hơn 30 triệu đồng để xây dựng lồng chợ và một số ki-ốt ven lộ cho thuê. Ông cho biết: “Lúc mới khai trương cũng trần ai, nhiều lần tưởng dẹp chợ vì tiểu thương không chịu vào. Biết bà con nghèo, tôi quyết định cho vay, trả góp tiền thuê sạp. Một là có người vào chợ, hai là giúp đỡ được bà con...”.

Vả lại mức phí ông Ba thu mỗi sạp chỉ năm đến mười ngàn đồng và 120 ngàn đồng/tháng cho hộ kinh doanh ki-ốt. Ông còn dự định đốn thêm mấy cao đất trồng mía sau vườn để mở rộng nhà lồng chợ, tổ chức đội làm vệ sinh và ban quản lý nhằm tạo điều kiện cho tiểu thương kinh doanh tốt hơn. “Mặc dù là chợ quê nhưng mình cố gắng xây dựng sạch đẹp, không chỉ giúp cho tiểu thương làm ăn mà xóa được chợ chồm hổm, mất vệ sinh” - ông Ba Đồng tâm sự.

Chuyện mấy “Hai lúa” xây chợ thành công không còn là chuyện hiếm ở miệt vườn. Kinh nghiệm chung của các ông chủ chợ nông dân là chọn đúng thời điểm, chủ trương, chọn địa thế hợp lý, biết cách thuyết phục được tiểu thương và khách hàng vào chợ.