![]() |
Nghề đầu bếp có tiềm năng XKLĐ lớn |
Yếu ngoại ngữ, thiếu chuyên nghiệp
Các nhà tuyển dụng khi có nhu cầu tuyển lao động ở VN đều ngao ngán lắc đầu bởi trình độ ngoại ngữ của ứng viên quá thấp. Không chỉ lao động phổ thông, ngay cả SV đã qua đào tạo cũng không đáp ứng được yêu cầu. Đây là rào cản lớn khiến lao động VN khó tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là ngành du lịch khách sạn.
Bà Trịnh Thị Thúy Vinh - Trung tâm Hợp tác lao động quốc tế VILEXIM - đánh giá: "Nhân lực ngành du lịch của VN vừa yếu ngoại ngữ, vừa thiếu chuyên nghiệp. Lao động sang làm lễ tân; trưởng tiệc; phục vụ phòng, bàn... ở các khách sạn 4-5 sao, cần nhất sự ân cần, chu đáo với khách, nhưng khi thi tuyển rất ít người đáp ứng được".
Mới đây nhất, trung tâm nhận đơn hàng của Macau cần tuyển lao động sang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn lớn nhưng trong 28 người đến thi, không ai đáp ứng được yêu cầu, chỉ có hai đầu bếp được tuyển dụng.
Công ty Thương mại và cung ứng du lịch (TRAMANCO) - Tổng công ty Du lịch Hà Nội - cần tuyển 50 lao động làm việc trong khách sạn 5 sao tại Dubai, thời gian phỏng vấn dự kiến trong tháng 12, nhưng đến nay có rất ít người đủ tiêu chuẩn. Các đơn hàng trước chỉ có 50% ứng viên làm hài lòng nhà tuyển dụng. Chất lượng ứng viên yếu khiến nhà tuyển dụng không mấy mặn mà với lao động VN và chuyển sang tuyển ở các thị trường khác.
Khó kết nối
Yêu cầu của nhà tuyển dụng khá cao bởi các thị trường khó chấp nhận lao động chưa qua đào tạo. Vì vậy, sự liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các công ty cung ứng nhân lực XKLĐ cần được chú trọng. Tuy nhiên mối liên hệ này vẫn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Một số công ty khi cần lao động thường tìm đến các trường đào tạo nghiệp vụ du lịch để tuyển, nhưng thời gian thông báo quá gấp khiến các trường không kịp liên hệ với SV. Vì vậy, cần sự trao đổi thường xuyên giữa nhà trường - doanh nghiệp để cung ứng nhân lực kịp thời.
Ông Vũ Hoài Nam - trưởng phòng hợp tác quốc tế Trường CĐ Du lịch Hà Nội - cho biết: "Nhà trường phụ thuộc vào doanh nghiệp trong XKLĐ, doanh nghiệp cần có kế hoạch tuyển dụng để trường có định hướng đào tạo theo nhu cầu. Hiện trường đang phát triển trung tâm giới thiệu XKLĐ để tăng giá trị trong công tác đào tạo".
Theo ông Cấn Phú Minh - Phòng XKLĐ Công ty TRAMANCO, các cơ sở đào tạo cần chú trọng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho SV. Thị trường lao động quốc tế rất rộng mở với lao động có trình độ, việc tự trau giồi các kỹ năng sẽ mở ra cho người lao động nhiều cơ hội đi XKLĐ.
Theo THU CÚC - Lao động
▪ Muôn nẻo làm thêm (01/11/2008)
▪ Người vực dậy một làng nghề (01/11/2008)
▪ Có hay không thị trường nhân sự cao cấp tại Việt Nam? (31/10/2008)
▪ Lao động nghèo ngại học nghề (30/10/2008)
▪ Người lao động khó đặt niềm tin (30/10/2008)
▪ Đào tạo phải gắn chặt với thực tế (30/10/2008)
▪ Rèn nghề để cuộc sống tốt hơn (29/10/2008)
▪ Sinh viên chạy sô mùa cưới (28/10/2008)
▪ 5 nghề lương cao nhưng vẫn bị… chê (28/10/2008)
▪ Lao động “nhí” đang bị vắt kiệt sức (28/10/2008)