Đài Loan đang chịu tác động mạnh bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp, công ty đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phá sản; đồng nghĩa với việc lao động nước ngoài làm thuê tại đây có nguy cơ mất việc, nghỉ dài ngày… Ông Nguyễn Bá Hải (ảnh) - trưởng Ban quản lý lao động VN tại Đài Loan (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết:
Ảnh: V.H.
- Đài Loan là thị trường thu hút nhiều lao động VN so với các thị trường khác. Hiện có hơn 80.000 người lao động VN đang làm việc tại đây.
* Hiện nay, tình hình suy thoái kinh tế đang tác động mạnh đến nền kinh tế Đài Loan. Chúng ta đã và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động VN?
- Chúng tôi đã đề nghị Cục Lao công Đài Loan chuyển lao động sang những nơi có đủ việc làm, hạn chế hết mức việc đưa lao động về nước. Đài Loan có những chính sách hỗ trợ người lao động nước ngoài. Được biết, tất cả huyện thị đều đã thành lập các trung tâm lao động ngoài nước. Với số lao động về nước trước thời hạn, cơ quan này cử người đến giám sát việc thanh lý hợp đồng để bảo vệ quyền lợi người lao động. Trước khi xuất cảnh có trạm đặt tại sân bay hỗ trợ người lao động, đến nay đã hỗ trợ giải quyết hàng trăm vụ việc. Chính sách này đã tác động đến các doanh nghiệp thực hiện, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại VN, thời điểm này không nên đưa ồ ạt lao động qua Đài Loan. Cần thận trọng nghiên cứu kỹ các đơn hàng, tránh những doanh nghiệp có nguy cơ ngưng trệ hoạt động hoặc phá sản. Đưa lao động qua những doanh nghiệp có hoạt động ổn định, không chịu nhiều tác động của suy thoái kinh tế. Tốt nhất phải liên hệ thường xuyên với Cục Quản lý lao động ngoài nước tại VN hoặc Ban quản lý lao động ở Đài Loan để cập nhật thông tin.
Lao động VN tại một nhà máy ở Đài Loan - Ảnh: HỒ VĂN |
* Người lao động phản ảnh phí môi giới quá cao. Ban quản lý lao động có ý kiến gì?
- Vấn đề này chúng tôi đã phản ảnh với Cục Dạy nghề Đài Loan. Pháp luật Đài Loan không cho phép thu phí môi giới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động VN cạnh tranh không lành mạnh với nhau và chính họ tác động việc đội giá môi giới lên cao. Mặt bằng chung hiện khoảng 4.500 USD. Chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp nhằm phối hợp với phía Đài Loan để có biện pháp chấn chỉnh, hạ thấp phí môi giới xuống mức hợp lý hơn.
Cách đây một năm, Ủy ban Lao động Đài Loan đã lập trung tâm tuyển dụng lao động nước ngoài trực tiếp; trước mắt tuyển lại lao động giúp việc gia đình và chăm sóc sức khỏe gia đình. Theo lộ trình, từ 1-1-2009 sẽ tuyển dụng lại lao động đã làm việc tại Đài Loan trong lĩnh vực công xưởng; từ 1-1-2010 tuyển lao động mới. Với mô hình mới này, chắc chắn chi phí đối với người lao động sẽ giảm đáng kể.
Chấn chỉnh ý thức, tác phong lao động * Trước đây, phía Đài Loan vẫn cho rằng lao động VN bên cạnh những ưu điểm còn có những nhược điểm là ý thức, tác phong kém, hay bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Điều này đã được chấn chỉnh như thế nào? - Ông Nguyễn Bá Hải: Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người lao động, chúng tôi đã phối hợp với phía Đài Loan tổ chức nhiều kênh để chuyển tải thông tin đến người lao động cũng như cộng đồng người Việt nói chung. Nhìn chung, mọi chuyện đang tiến triển theo chiều hướng tích cực, số lao động bỏ trốn giảm dần. |
HỒ VĂN - VIỆT HƯNG
▪ Thợ thủ công quay lại đồng ruộng (09/12/2008)
▪ “Cắt đuôi” nơi công sở (09/12/2008)
▪ Hàng ngàn lao động mất việc đã tìm được việc làm mới (08/12/2008)
▪ Người tài và... hộ khẩu (08/12/2008)
▪ Chuyện sếp có 'bồ' (08/12/2008)
▪ Tắc đầu ra, nhiều làng nghề phá sản (08/12/2008)
▪ Đồng nghiệp “tị” với tôi (06/12/2008)
▪ Quảng Ngãi: hơn 1.600 kỹ sư, công nhân tiếp tục đình công (06/12/2008)
▪ Xuất ngoại để… bán rau (06/12/2008)
▪ Bẫy khi tìm việc gấp phong bì (05/12/2008)