Báo chí Hàn Quốc cho biết, nền kinh tế nước này trong năm 2005 đã tạo ra giá trị hàng trăm tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt tới 16 nghìn USD/năm, cả nước có 14 triệu xe hơi; hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ra đời và phát triển không ngừng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc chính là nơi tiếp nhận và sử dụng nhiều lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Mới tuần trước, ở Hà Nội, chúng tôi được tham dự Hội chợ việc làm công nghệ cao, do tổ chức KOTEF của Hàn Quốc phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LÐ-TB và XH) Việt Nam tổ chức. Hàng nghìn bạn trẻ Việt Nam, vừa tốt nghiệp đại học đã dự tuyển chương trình này để đến Hàn Quốc làm việc theo Chương trình "Thẻ vàng". Tuần sau, chúng tôi đã có mặt ở Seoul, đến tận "tổng hành dinh" của KOTEF, để tìm hiểu về chương trình này.
Tiếp chúng tôi, các ông Sung Chin Bai, Châng U-xích thay mặt Ban lãnh đạo KOTEF cho biết: Thông qua đối thoại với người lao động ở Hà Nội, KOTEF và 30 doanh nghiệp Hàn Quốc đã lựa chọn được hơn 60 lao động Việt Nam trong đợt thí điểm đầu tiên để vào Hàn Quốc làm việc, trong đó số lao động của Công ty cổ phần hợp tác lao động với nước ngoài (LOD) của Bộ Giao thông vận tải được chọn nhiều nhất.
Ông Châng U-xích, Giám đốc KOTEF khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc đang đổi mới kỹ thuật, công nghệ để cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, cho nên rất cần lao động kỹ thuật cao, giỏi tiếng Anh vào làm việc. Thị trường lao động "Thẻ vàng" rất có tiềm năng và rộng mở, luôn đón nhận lao động Việt Nam. Sau khi lựa chọn, KOTEF và các doanh nghiệp "Thẻ vàng" sẽ thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo trúng tuyển đến doanh nghiệp XKLÐ và người lao động để làm thủ tục vào Hàn Quốc. Người lao động vào Hàn Quốc làm việc theo chương trình "Thẻ vàng" được nhận mức thu nhập khá cao, khoảng 1.500 USD/tháng, được cấp miễn phí nơi ở, các đồ dùng sinh hoạt, được mang theo vợ con trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Vũ Công Bình, Tổng giám đốc LOD, cho rằng, đây là một trong những "kênh" tiếp nhận lao động Việt Nam vào Hàn Quốc rất hấp dẫn, nhưng để làm được, các doanh nghiệp XKLÐ Việt Nam phải chịu đầu tư để đào tạo được những lao động có kỹ thuật, có ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của bạn. Sau một số năm làm việc ở lĩnh vực sản xuất công nghệ cao ở Hàn Quốc, chính những lao động này khi trở về sẽ là nguồn nhân lực kỹ thuật quan trọng xây dựng và phát triển nền sản xuất có trình độ kỹ thuật và công nghệ cao ở Việt Nam. Một kế hoạch ban đầu giữa LOD và KOTEF về cung ứng và tiếp nhận lao động trình độ cao được đưa ra thảo luận và ghi nhớ. Một "kênh" mới đưa lao động Việt Nam vào Hàn Quốc được hình thành và có triển vọng phát triển.
Trong chuyến đi lần này đến Seoul, chúng tôi có dịp gặp gỡ, làm việc với một số vị lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KFSB), nơi 11 năm qua đã tiếp nhận, sử dụng hàng chục nghìn tu nghiệp sinh (TNS) Việt Nam đến Hàn Quốc học nghề và lao động. Ðây là "kênh" đầu tiên được Hàn Quốc mở ra từ năm 1994 tạo cơ hội cho hàng chục nghìn lao động trẻ Việt Nam đến học nghề, và lao động với thu nhập khá cao.
Ở thời điểm hiện nay, Việt Nam còn khoảng 27 nghìn lao động đang trau dồi nghề nghiệp và lao động theo chương trình của Hiệp hội KFSB.
Ông You Quang Su, phụ trách quan hệ quốc tế của KFSB cho biết: KFSB đang cố gắng cải tiến công việc, và yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng lao động ở 14 quốc gia (trong đó có Việt Nam) cũng làm như vậy, để Chương trình KFSB thật sự đem lại hiệu quả cho người lao động.
Do nhu cầu đổi mới chính sách tiếp nhận về sử dụng lao động nước ngoài, tháng 8-2003, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật cấp phép mới, với đặc trưng cơ bản là: Hàn Quốc sẽ giảm và đi tới dừng hẳn việc tiếp nhận TNS, thay vào đó Hàn Quốc thực hiện chế độ nhận trực tiếp lao động và giao cho Bộ Lao động Hàn Quốc thực hiện. Việt Nam cũng được Chính phủ Hàn Quốc ưu ái là một trong bốn quốc gia đầu tiên được đưa lao động vào Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới.
Chúng tôi về Nhà máy WOORI ở thành phố Hoa-sâng, tỉnh Ki-ung-di thăm năm TNS của Công ty LOD. Nhà máy này chuyên sản xuất vỏ máy giặt, phụ tùng ô-tô bằng nhựa cho các hãng nổi tiếng như Sam Sung, Hansang, Huyndai và Kia...
Chủ nhà máy, ông S.J.OH, cho biết: Năm TNS của người Việt Nam LOD làm việc rất tốt ở nhà máy này, với đặc điểm cơ bản là: khéo tay, chịu khó và ý thức kỷ luật rất tốt. Rất tiếc là vừa qua, nhà máy có nhu cầu tuyển thêm mười lao động nước ngoài nữa, nhưng không thể tuyển được TNS Việt Nam, vì KFSB không còn chỉ tiêu, đành phải nhận lao động nước khác.
Gặp Nguyễn Văn Thắng, quê ở Cửa Lò (Nghệ An) và các bạn trẻ Duy, Vinh, Mạnh, Khiêm, bạn nào ở đây cũng đều làm việc tốt, các quản đốc phân xưởng và chủ doanh nghiệp đều khen, thu nhập của các em từ 1.200 đến 1.500 USD/tháng. Ai cũng phấn khởi vì làm và dành dụm được ít tiền, khi trở về nước, mỗi người đều "ôm" một dự định sản xuất hoặc kinh doanh với số vốn tích lũy của mình.
Chúng tôi đến nhà máy YOUJINTECOR cùng thành phố Hoa-sâng, chuyên sản xuất vỏ các loại khóa cửa hiện đại tự động và điện tử. Nhiều lao động nước ngoài làm việc ở nhà máy này, nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất TNS Nguyễn Văn Hùng, quê ở Gia Lâm (Hà Nội). Hùng làm việc giỏi và giữ kỷ luật lao động tốt. Giám đốc JINHWAN LEE đề nghị lên KFSB và Công ty LOD Việt Nam có hình thức khen thưởng cho Hùng.
Tại đây, Tổng giám đốc Vũ Công Bình đã trao giấy khen tặng Nguyễn Văn Hùng. Nhưng giám đốc LEE còn làm một việc đáng trân trọng: Thứ hai tuần sau đó, ông LEE tập hợp cán bộ, công nhân của nhà máy, kể cả người Hàn Quốc và lao động nước ngoài để trao giấy khen tặng Hùng, đồng thời nói rõ vì sao Hùng lại được khen thưởng.
Một triển vọng đang mở ra cho lao động Việt Nam, khi chỉ trong hơn một năm (từ tháng 8-2004 đến 11-2005) đã có gần 9.000 lao động Việt Nam vào Hàn Quốc làm việc theo Luật cấp phép mới. Có thể khách quan nói rằng, so với chế độ TNS, thì lao động vào Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới có ưu điểm hơn nhiều: Trước hết, luật pháp Hàn Quốc đã thừa nhận và đối xử với lao động nước ngoài như người lao động Hàn Quốc, không phải như đối với TNS. Thứ hai, vì Chính phủ Hàn Quốc coi việc cung ứng lao động là một hình thức dịch vụ công, cho nên, chi phí mà người lao động bỏ ra khi đến Hàn Quốc là rất thấp, chỉ tốn khoảng 700 USD (vé máy bay đã chiếm gần một nửa). Thứ ba, làm ra được bao nhiêu tiền, lao động được hưởng 100% không phải trừ bất kỳ loại phí nào (TNS thì không được thế).
Hiện nay, trung bình, Hàn Quốc dành 10 nghìn chỉ tiêu/năm cho Việt Nam. Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong một vài năm tới, ưu tiên cho hai đối tượng chính là bộ đội xuất ngũ và học sinh học nghề dài hạn ở một số trường nghề được tuyển chọn đi lao động ở Hàn Quốc theo Luật cấp phép mới.
Trong buổi làm việc với Cục Tuyển dụng lao động ngoài nước (Bộ Lao động Hàn Quốc), ông Ki-ung Hoi, Cục trưởng, đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc cung ứng lao động "cấp phép mới" vào Hàn Quốc, được thể hiện ở chỗ gần 80% số hồ sơ được phía chủ doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp nhận trong số hơn 12 nghìn hồ sơ đã chuyển cho phía Hàn Quốc. Ðiều đó chứng tỏ, phía Việt Nam đã làm rất tốt trong việc tuyển chọn lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu của phía Hàn Quốc.
Ông Ðào Công Hải, Trưởng Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, đánh giá: Tuy mới thực hiện được một năm việc đưa lao động vào theo "kênh" cấp phép mới, nhưng lao động nước ta đã hòa nhập rất nhanh, làm việc chăm chỉ và có thu nhập tốt, khoảng 1.000 USD/lao động/tháng, một số có thu nhập tới 1.500 USD/tháng.
Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang làm nỗ lực mọi việc để "kênh" cấp phép mới đưa ngày càng nhiều hơn lao động nước ta vào Hàn Quốc.
Ðến nay, Chính phủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam rất nhiều "kênh" đưa lao động vào Hàn Quốc: Chương trình TNS, Chương trình cấp phép mới, Chương trình "Thẻ vàng" đến Chương trình TNS nông nghiệp, TNS xây dựng, TNS thủy sản... Nhưng thị trường lao động Hàn Quốc yêu cầu lao động phải là những người có nghề giỏi, có ngoại ngữ thông thạo và có kỷ luật lao động tốt. Lực lượng lao động nước ta cần vươn lên đáp ứng các yêu cầu đó.
|