TP.HCM: Rối ren Trung tâm giới thiệu việc làm
Các Website khác - 06/12/2005

(VietNamNet) - Hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm tại TP.HCM đang đứng trước thực trạng “vàng thau lẫn lộn”, tạo nên mảng tối trong thị trường cung ứng lao động.  

Trung tâm dịch vụ việc làm: “ Vàng thau lẫn lộn”

Soạn: AM 641538 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Thông báo tuyển dụng nhiều nhưng người lao động không bao nhiêu người được nhận.

Sau khi Sở Lao động Thương binh - Xã hội (LĐTB&XH) TP.HCM tuyên bố: “Sau thời hạn 30/11, doanh nghiệp (DN), chi nhánh có đăng ký chức năng dịch vụ lao động không gởi hồ sơ lên cơ quan này xin cấp giấy phép hoạt động thì phải tự chấm dứt”,  PV VietNamNet đã khảo sát qua các “vùng nóng” ở Q. Gò Vấp, Q.12, Bình Tân, Tân Bình… để ghi nhận thực trạng… 

Trong vai SV mới ra trường đang tìm kiếm việc làm, sáng 4/11, tôi lóng ngóng cầm tập hồ sơ xin việc đến Công ty TNHH dịch vụ lao động tên X.N nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, P.6, Q. Tân Bình. “Văn phòng” của công ty khá chỉ vỏn vẹn khoảng 10m2, nền lát gạch đỏ, chằng chịt vết trám xi-mămg, một chiếc bàn làm việc cũ mèm và vài chiếc ghế nhựa. Trên tường treo đầy bảng mi-ca dán dày đặc thông báo tuyển dụng lao động mà liếc sơ qua toàn thấy những công việc lao động phổ thông như: dọn quán, giao hàng, bán hàng, tạp vụ quán ăn… Chiếc quạt tường ám đầy bụi lọc cọc quay cố xua đi cái nóng hầm hầm từ ngoài đường hất vào.  

Tôi chìa ra bộ hồ sơ, giới thiệu với cô nhân viên là đã tốt nghiệp khoa Sử trường ĐH KHXH&NV muốn kiếm một việc làm thích hợp với chuyên môn. Sau một hồi nghe tôi tự giới thiệu bản thân, cô nhân viên không cần nhìn sổ sách nói: “ Bán điện thoại di động trên đường Trần Quang Khải, Q.3 nghen! Lương 1,2 triệu đồng/ tháng. Chịu hôn đóng liền 50.000 đồng cho chị, chị giới thiệu làm liền ngay ngày mai”. Tôi kêu khó: “Nhưng em chưa từng làm qua việc này, cũng không có khiếu ăn nói cho lắm. Vả lại…!”. “Làm đại đi, bán điện thoại thì cần gì khiếu ăn nói”! cô nhân viên cắt ngang câu nói phân trần của tôi tỏ vẻ không hài lòng.  

Soạn: AM 641548 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một góc của Trung tâm GTVL trên đường Lũy Bán Bích (Q. Tân Bình).

Sau lần xin việc bất thành tại Công ty X.N, tôi tiếp tục tìm đến văn phòng DNTN có cái tên nghe rất “hoành tráng”: DNTN "Dịch vụ việc làm (DVVL) Đại Chấn Thành” trên đường Lũy Bán Bích.  Đập vào mắt tôi là tờ giấy “lưu ý” viết bằng mực tím theo lối chữ hoa trên tờ giấy trắng khổ A4 dán trên tấm gỗ xộc xệch: “Giấy giới thiệu hôm nay về. Chiều hôm sau: từ 2- 4h (chiều) văn phòng Giới thiệu việc làm (GTVL) sẽ giải quyết phí. Chủ nhật, văn phòng GTVL không giải quyết phí. Giấy hết hạn không giải quyết phí”.  

Có phần xập xệ hơn công ty trước, văn phòng Đại Chấn Thành chỉ có hai chiếc bàn làm việc là còn mới. Ngoài ra, trang thiết bị tối thiểu cho một văn phòng: máy fax, điện thoại bàn, máy vi tính… đều không được đầu tư. Các tờ giấy ghi thông tin tuyển dụng được dán kín, dày đặc trên hai bức tường loang lổ vôi. Phía trên đầu, chỗ đặt bàn làm việc, căn gác xép đã bị mọt ăn lỗ chỗ làm chỗ nghỉ ngơi cho nhân viên. Hai cô nhân viên  trông còn khá trẻ nhưng dường như đã khá thạo việc nên khi thấy tôi đã giới thiệu làm thợ hàn cho một tiệm sắt ở Q. Tân Bình mặc dù tôi nói không biết nghề này. Một cô giới thiệu tôi làm nghề giao hàng với khoản lương hứa hẹn hấp dẫn rồi giục tôi đặt tiền cọc gọi là “phí dịch vụ”. Thấy không xong, tôi tìm cách lựa lời lên xe vọt thẳng. 

Người dân nơi đây cho biết, dọc theo con đường Lũy Bán Bích, có khá nhiều trung tâm DVVL. Đặc biệt, đa số đều hoạt động lậu. Khi thấy cơ quan chức năng đến làm việc, họ liền đóng cửa im ỉm. Thế nhưng chỉ chờ qua đợt kiểm tra đâu lại vào đấy. Có hôm người dân còn chứng kiến cảnh xô xát giữa người xin việc với nhân viên của trung tâm GTVL. 

Soạn: AM 641554 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Trong khi người thất nghiệp khao khát tìm một công việc làm, một số trung tâm DVVL đã lợi dụng thu phí ngươời lao động.

Theo bà Đinh Kim Hoàng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH thành phố, hiện nay, hầu hết các DN hoạt động dịch vụ việc làm trên địa bàn TP.HCM có mặt bằng chật hẹp, diện tích từ 6-16m2, trang thiết bị văn phòng không đầy đủ, nhân sự đại bộ phận chưa am hiểu rõ về thị trường lao động, chưa gắn được yêu cầu của người sử dụng lao động và người lao động.  

Đa số, các DN này chỉ tập trung giới thiệu việc làm qua nguồn thông tin tuyển dụng lượm lặt được trên các báo, đài hoặc niêm yết của các DN, tổ chức, cá nhân có nhu cầu lao động; hoặc lấy lại thông tin về nhu cầu việc làm của các đơn vị dịch vụ việc làm khác coi như nguồn việc làm của mình rồi tự ý sử dụng, khai thác. Thậm chí, một số DN chỉ biết “tư vấn”, thu lệ phí và giới thiệu người lao động đến những nơi có nhu cầu tuyển dụng mà không cần thỏa thuận trao đổi trước với đơn vị tuyển dụng lao động. 

Do cách làm chộp giật, thậm chí như lừa người lao động để chủ yếu thu được phí, nên nhiều người khi tìm đến được nơi giới thiệu thì liền bị từ chối tiếp xúc làm mất thời gian đi lại, công sức, tiền của, tạo ra nhiều tranh chấp mà thiệt hại thường thuộc về người lao động.  

Ngoài ra, một số đơn vị dịch vụ việc làm đã gởi các thông tin về đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trên địa bàn thành phố đến các cơ quan Lao động - Thương binh - xã hội, các đơn vị dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố khác hoặc trực tiếp quan hệ bằng hợp đồng liên kết để đưa lao động từ những nơi này đến TP.HCM học nghề bố trí việc làm. Tuy nhiên, đa số đều là những công việc làm có thu nhập thấp, không ổn định. Nhiều lao động cả tin lâm vào hoàn cảnh “ dở khóc, dở cười”. Nhiều người bị thiệt hại về tiền của, công sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn cũng không biết kêu cứu với ai. Đó là chưa kể đến những hiện tượng tiêu cực, lừa đảo. 

“Oan cho em quá anh ơi”!

Cũng phải thừa nhận, sau nhiều năm hoạt động, các Trung tâm giới thiệu việc làm, DN dịch vụ việc làm chân chính đã làm chiếc cầu nối cho hàng trăm ngàn người lao động kiếm được việc làm. Tuy nhiên, một số DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật, hoạt động bất chấp luật pháp tạo nên mảng tối trong thị trường giới thiệu, cung ứng lao động tại TP.HCM, khiến lĩnh vực kinh doanh này được liệt vào “ngành nghề nhạy cảm”. Vì vậy, để chấn chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này, ngày 28/02/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2005/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức GTVL trên địa bàn TP.HCM. 

Theo tinh thần nghị định trên, sau 30/11, các DN (DN), chi nhánh có đăng ký chức năng dịch vụ lao động không gởi hồ sơ lên cơ quan này xin cấp giấy phép hoạt động đều được coi là hoạt động bất hợp pháp. Thế nhưng. căn cứ theo số hồ sơ mà các DN nộp cho Sở LĐTB&XH, số DN hợp pháp chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi đó, TP.HCM có trên 2000 DN GTVL.  

Soạn: AM 641556 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Một cảnh cãi cọ thường thấy tại các Trung tâm GTVL.

Tiếp xúc với PV VietNamNet, các chủ DN đều cho rằng để thực hiện đúng tinh thần của Nghị định 19 quả không dễ dàng. Các DN cho biết họ bị mang “tiếng oan” vì bị liệt vào dạng “bất hợp pháp”.  

 “Ông Hoàng Trọng Ngọc - Giám đốc Công ty cung ứng lao động Hoàng Ngọc cho biết, Nghị định 19  làm cho các Trung tâm dịch vụ việc làm hoạt động ổn định, chuyển hướng đầu tư theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên còn nhiều điểm gây khó khăn cho DN.  

Theo ông Ngọc, việc các DN phải ký quỹ ngân hàng 300 triệu đồng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động chỉ thực sự dành cho những DN có thế mạnh về tài chính. Trong khi đó, mức thu phí của người lao động có giới hạn.  

Ngoài ra, quy định DN phải tuyển dụng ít nhất 5 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ cũng như quy đinh phải đảm bảo trang bị máy vi tính, điện thoại, fax…làm tăng chi phí đầu tư cho DN.  

Một chủ DN bức xúc: “ Theo quy luật thị trường, có cung ắt có cầu. Nếu các Trung tâm DVVL không đáp ứng nổi nhu cầu ắt sẽ nảy sinh thị trường lao động chợ đen, chợ đỏ”.  

Điều kiện cấp giấy phép hoạt động giới thiệu việc làm

  1. Có địa và trụ sở làm việc dành cho hoạt động GTVL ổn định từ 36 tháng trở lên, nằm ở vị trí thuận lợi và đủ diện tích cho việc giao dịch, hoạt động của DN.
     
  2. Diện tích làm việc và hoạt động của DN phải đảm bảo bố trí đủ các phòng: tư vấn, giới thiệu và cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động và có trang bị máy vi tính, điện thoại, máy fax, email và các tài liệu liên quan đến thị trường lao động và các trang thiết bị khác để phục vụ khách hàng.
     
  3. Có ít nhất 300 triệu đồng Việt Nam ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
     
  4. Có ít nhất 5 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành kinh tế, luật, ngoại ngữ; mỗi chuyên ngành phải có ít nhất một người. Người được tuyển dụng  vào DN để hoạt động giới thiệu việc làm phải là người có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, không có tiền án được UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác nhận.

(Trich Thông tư số 20 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 19/2005/NĐ-CP ngày 28/2/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm)

 

Trần Duy

Theo ý kiến của bạn, cần có những biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đến kiếm việc tại các Trung tâm DVVL?