Vụ cưỡng hiếp 50 LĐ Việt: "Yêu râu xanh" được tạm tha
Các Website khác - 15/12/2005

Ngày 11/12, Hồng Minh Dụ - 48 tuổi, Giám đốc Cty Trung Hữu (Đài Nam) và cha là Hồng Khánh Chương - 74 tuổi, thủ phạm xâm hại tình dục hàng chục lao động nữ VN tại Đài Loan được tạm tha.

Soạn: AM 650943 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Hồng Khánh Chương

Theo luật sư và Quỹ hỗ trợ Pháp luật (thuộc Viện Hành chính Đài Loan), cha con Hồng Khánh Chương, Hồng Minh Dụ được tạm tha từ 11/12 sau gần 7 tháng bị bắt giữ.

Lật lại hồ sơ vụ án các lao động nữ Việt Nam tại Đài Nam bị chủ Cty môi giới lao động Trung Hữu cưỡng bức xâm hại tình dục, sau khi sự việc bị đưa ra ánh sáng, ngày 17/5/2005, Viện Kiểm sát địa phương Đài Nam căn cứ trên mức độ nghiêm trọng của vụ án và nguy cơ cho người lao động nữ, đã phê chuẩn lệnh bắt giữ hai cha con họ Hồng.

Trong quyết định khởi tố vụ án “Xâm hại nhân phẩm lao động nữ” đề ngày 8/7 của Viện Kiểm sát gửi Toà án Đài Nam ghi rõ: “Hai bị cáo đã vi phạm Khoản 1 Điều 221 Luật Hình sự của Đài Loan về tội cưỡng bức tình dục, và Điều 224 về tội quấy rối tình dục”.

Ngày 11/8, tòa án Đài Nam đã khởi tố vụ án và họp phiên trù bị để đưa vụ án ra xét xử. Song vì vụ án nghiêm trọng và nhiều tình tiết phức tạp, sau khi gia hạn tạm giữ hai bị can lần thứ hai, ngày 11/12, Hồng Minh Dụ và Hồng Khánh Chương đã được tạm tha.

Ngày 14/12, nhân viên Quỹ Hỗ trợ Pháp luật (Viện Hành chính Đài Loan) cho biết: Pháp luật Đài Loan có quy định rõ, trong các trường hợp tạm giữ điều tra, cơ quan kiểm sát chỉ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai, thời gian 4 tháng.

Vụ án chưa được đưa ra xét xử, hết thời gian 4 tháng, việc hai cha con họ Hồng được tại ngoại không trái với quy định của luật pháp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng ban Quản lý Lao động VN tại Đài Loan - cho biết: Về vụ án Cty Trung Hữu, Ủy ban Lao động Đài Loan cũng đã gửi công văn tới Ban QLLĐ, cho biết, phía Đài Loan đã chính thức chấm dứt giấy phép kinh doanh của Cty Trung Hữu, sau 3 lần ra quyết định đình chỉ hoạt động của Cty trong năm 2005 (vào tháng 5, 1/7 và 1/10).

Như vậy về luật pháp, Cty Trung Hữu đã không còn tồn tại và họ không có tư cách để tiếp tục hoạt động.

Song theo thông tin từ phía các nạn nhân của Trung Hữu hiện đã tìm được chủ lao động mới hoặc đang tiếp tục làm việc tại Đài Nam, ngay sau khi rời nơi tạm giữ, Hồng Minh Dụ đã lập tức cho người đến tìm các lao động cũ của Trung Hữu và thay mặt Cty môi giới phía VN thu các khoản tiền trả góp đặt cọc, thuế... của người lao động, gây nên một sức ép và lo sợ với các nạn nhân cũ.

Ông Nguyễn Bá Hải cho biết, Ban quản lý lao động sẽ tham khảo lại các quy định về lao động và hủy hợp đồng lao động giữa các bên quản lý - môi giới - lao động, bởi trước mắt, tuy Cty Trung Hữu đã không còn tư cách pháp lý ở Đài Loan song các hợp đồng với lao động VN vẫn tồn tại, họ vẫn phải đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm với lao động cũ.

Phải chăng đây là vấn đề chưa được xem xét tỉ mỉ trong các quy định về xuất khẩu lao động, bởi với Trung Hữu, việc vẫn còn duy trì quyền quản lý các lao động chưa hết hợp đồng cũng được hiểu là, họ có quyền quyết định với quyền lợi của lao động nữ Việt Nam ở Đài Nam.

Ai đảm bảo những phụ nữ - người bị hại trong vụ án này sẽ được đảm bảo quyền lợi và an toàn?

Theo tin từ Tổ tác nghiệp lao động nước ngoài (Cục Giáo dục nghề Đài Loan), Cty Trung Hữu thành lập ngày 3/5/2002, trong cuộc sát hạch kiểm tra chất lượng của các trung tâm môi giới lao động hàng năm của Đài Loan năm 2004, xếp theo các thứ hạng từ A đến E, Cty Trung Hữu bị xếp hạng E, thứ hạng thấp nhất.

Trang Hạ (Tiền Phong)

Tin liên quan:
Lao động Việt bị chủ Đài Loan hãm hiếp thế nào?
Vụ LĐ Việt bị chủ Đài Loan cưỡng hiếp: 50 nạn nhân
Sắp điều tra xong vụ LĐ VN bị cưỡng hiếp
Đối tượng cưỡng hiếp LĐ VN có thể bị tù chung thân