Cạnh tranh không lành mạnh, quản lý lao động lỏng lẻo... đã làm hạ uy tín XKLĐ của VN
Lao động nữ do Công ty Sovilaco tuyển chọn đang làm việc tại một nhà máy ở Malaysia. Ảnh: C.VIÊN
Có một thực trạng phổ biến là do tuyển chọn lao động quá khó và chạy theo đơn hàng của đối tác, một số doanh nghiệp (DN) đã xé rào bằng cách liên kết ngầm với các cá nhân, tổ chức không có chức năng XKLĐ.
Hậu quả là một số DN đã bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động (NLĐ).
Tuyển qua trung gian
Báo Người Lao Động từng phản ánh trường hợp một cơ sở đào tạo và giáo dục định hướng của Công ty Cung ứng Thiết bị Vật tư du lịch 2 dung túng, tiếp tay cho bà Lê Thị Tuyết Nương lừa đảo chiếm đoạt của 10 lao động trên 50.000 USD. Theo số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (QLLĐNN) từ đầu năm 2008 đến nay, trong số 31 vụ việc liên quan đến môi giới, lừa đảo, tuyển dụng bất hợp pháp dưới danh nghĩa đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, có 25 vụ liên quan đến các DN có giấy phép XKLĐ. Một số liệu khác cho thấy từ năm 2003 đến nay, Bộ LĐ-TB-XH và Cục QLLĐNN đã phát hiện và xử phạt hành chính 155 lượt DN. Một trong những vi phạm được đề cập là DN tuyển chọn lao động qua trung gian, môi giới; để trung gian trực tiếp thu tiền của NLĐ, trong khi DN không quản lý được các khoản thu này gây thiệt hại cho NLĐ.
Bên cạnh tình trạng lừa đảo thì cách làm “ăn xổi ở thì” của DN đã khiến chi phí của NLĐ tăng thêm. Điển hình như ở thị trường Đài Loan, theo quy định, tổng chi phí bình quân mà một lao động bỏ ra khoảng 6.000 đến 7.000 USD. Thế nhưng, tiếp xúc trực tiếp với chúng tôi, nhiều NLĐ đang làm việc ở Đài Loan cho biết họ phải tốn từ 8.000 USD đến 9.000 USD; trong đó chi phí phải trả cho trung gian từ 1.000 USD đến 2.000 USD. Chi phí cao tạo áp lực buộc NLĐ phải tìm mọi cách, trong đó có cách bỏ trốn ra ngoài làm việc, trở thành lao động bất hợp pháp.
Cạnh tranh “ngầm” làm khổ lẫn nhau
Trung tâm Dịch vụ du lịch và Cung ứng lao động thuộc Công ty Du lịch và Dịch vụ dầu khí VN – OSC VN đang đào tạo 10 lao động chuẩn bị nguồn cho đơn hàng cung ứng lao động kỹ thuật. Ông Ngô Văn Thu, giám đốc trung tâm, cho biết: “Chúng tôi phải cử cán bộ túc trực quản lý 24/24 giờ số lao động này bởi lơ là một chút sẽ bị người của DN khác tới “gạ” ngay. Lúc đó thì mất toi công sức 5 tháng trời tuyển dụng, đào tạo”.
Theo ông Thu, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh diễn ra khá phổ biến. DN này nói xấu DN kia, tìm mọi cách để “hớt” lao động của nhau là chuyện bình thường. Giám đốc một DN XKLĐ tại TPHCM đề nghị giấu tên cho biết khi tuyển lao động cho thị trường Malaysia, DN của ông trích 500.000 đồng từ phí dịch vụ thu theo quy định để hỗ trợ lại cho NLĐ. Nhưng khi có DN khác đưa ra mức hỗ trợ 1 triệu đồng, thêm một khoản “lót tay” cho cán bộ địa phương, thế là NLĐ bỏ sang DN kia khiến ông vừa mất tiền vừa mất người.
Khoán trắng quản lý cho môi giới
Hiện tượng “đem con bỏ chợ” bị dư luận lên án nhiều cũng xuất phát từ yếu kém này. Khách quan mà nói, ở một số thị trường như Malaysia, Đài Loan, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi... tư cách cán bộ DN làm nhiệm vụ quản lý lao động không được thừa nhận; chưa kể việc xin visa rất khó, thời hạn lưu trú ngắn nên việc quản lý, can thiệp, giải quyết các rủi ro, bảo vệ quyền lợi NLĐ bị hạn chế. Đây cũng là một trong những khâu yếu nhất của các DN XKLĐ.
Cục QLLĐNN cũng thừa nhận, có những DN gần như khoán trắng việc quản lý cho các đối tác, công ty môi giới. Hiện chỉ có 10 trong số hơn 60 DN cung ứng lao động ở Đài Loan có cử cán bộ đại diện quản lý lao động; trong khi ở Malaysia, trong số 100 DN khai thác thị trường này thì chỉ có 8 DN cử cán bộ quản lý...
Hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo là tình trạng lao động vi phạm pháp luật, đình công, tranh chấp đòi quyền lợi không được can thiệp, giải quyết thấu đáo. Hiện tượng này cũng dẫn đến việc lao động VN bị dừng gia hạn visa ở một số thị trường.
Ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ XKLĐ và Chuyên gia Suleco: Nhiều rủi ro cho NLĐ Có trường hợp vì giành giật đơn hàng, DN tìm cách tăng chi phí môi giới cho đối tác. Khoản phí bị đội cao lên và chính NLĐ phải gánh chịu. Ngoài ra, vì đơn hàng không do mình tạo ra nên khâu tìm hiểu, ký kết hợp đồng cung ứng lao động với đối tác không được coi trọng. Điều này dẫn tới việc làm, thu nhập, các quyền lợi khác của NLĐ bị ảnh hưởng hoặc NLĐ gặp rủi ro phải về nước trước hạn. |
▪ Lưu ý khi đánh giá nhân viên (11/12/2008)
▪ LĐLĐ TP Hồ Chí Minh: Trao đổi kinh nghiệm với Liên hiệp CĐ Busan (11/12/2008)
▪ Bốc sỏi, vật vờ, lao động khổ sai trên đất khách (11/12/2008)
▪ Lỗ hổng về nhân sự cấp cao tại Việt Nam (10/12/2008)
▪ Công nhân ngất vì ăn cơm có dòi (10/12/2008)
▪ Để công việc chạy bon bon cả năm (10/12/2008)
▪ Thợ thủ công quay lại đồng ruộng (09/12/2008)
▪ Hạn chế đưa lao động Việt Nam qua Đài Loan (09/12/2008)
▪ “Cắt đuôi” nơi công sở (09/12/2008)
▪ Hàng ngàn lao động mất việc đã tìm được việc làm mới (08/12/2008)