(VietNamNet) - "Việc xuất khẩu lao động hiện nay mang tính chất tình thế. Con người VN trong chiến tranh vệ quốc là thần tượng của thế giới: rất ngoan cường. Nhưng hình ảnh lao động VN hiện nay trở nên đáng thương khi qua các nước" - Đại biểu QH Huỳnh Văn Chính nói, trong cuộc trao đổi với VietNamNet.
Làm sao để lao động VN có thể ngẩng đầu khi ra nước ngoài
Ông Chính nói: Nguyên nhân của hình ảnh đáng thương kia là do xuất khẩu lao động của mình tràn lan, không chọn lọc, mạnh ai nấy làm. Khi đưa lao động đi, chúng ta không trang bị cho các em một kiến thức và cũng không chọn lựa đối tác để xuất khẩu.
Theo tôi, xuất khẩu lao động thì phải trang bị kiến thức cho anh em. Tôi cũng mong muốn nước ta đào tạo trí thức và xuất khẩu trí thức. Phải có sự tự ái dân tộc. Làm sao đi ra nước ngoài phải ngẩng cao đầu.
Chưa nói đến xuất khẩu, nói trong nước thôi. Thành phố Đà Nẵng vẫn thiếu lao động nghiêm trọng. Nhiều khu công nghiệp thiếu lao động. Tại sao chúng ta không có định hướng đào tạo lao động? Cần có chính sách hỗ trợ việc đào tạo lao động. Quỹ xúc tiến việc làm có thể giúp cho việc đào tạo nhân lực, giúp DN xây dựng nhà lưu trú công nhân để thu hút lao động ở các địa phương nghèo.
- Theo ông, đối với xuất khẩu lao động trong tình hình hiện nay, phải có biện pháp gì để đảm bảo quyền lợi cho người đi xuất khẩu và tránh được những tiêu cực?
- Theo tôi, cần có một cuộc tổng điều tra về lao động xem nước ta đã thừa lao động chưa, và nên cân nhắc trong việc chọn lọc lực lượng lao động gửi đi, phải hiểu rõ đưa lao động đi để làm gì. Bên cạnh đó, cần lựa chọn những cơ quan có uy tín về xuất khẩu lao động, thậm chí phải nghiên cứu kỹ nước đó có xứng tầm để chúng ta đưa lao động sang không. "Làm đầy tớ người khôn còn hơn làm thầy người dại". Có nhiều nơi ngược đãi lao động; chúng ta chưa đến nỗi để con em khổ thân như thế.
Ngoài ra, phải xoá bỏ sự cục bộ, tuỳ tiện, mạnh ai nấy làm, không đứng trên toàn cục để giải quyết vấn đề.
Không thể lập tức đưa nông dân vào... nhà máy!
- Ông nghĩ sao về trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đây? Chẳng hạn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Cục quản lý lao động ngoài nước. Bộ cần ban hành các chính sách khắc phục những tồn tại?
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần khẩn trương chấn chỉnh xuất khẩu lao động, để tạo ra tăng trưởng GDP trong nước. Hãy nghĩ lao động là một nguồn lực thực sự. Lao động là cha, đất đai là mẹ trong việc tạo ra của cải vật chất.
- Với đội ngũ lao động thiếu hụt trình độ như thế, làm thế nào tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, nhất là trong điều kiện đô thị hoá mạnh mẽ gây sức ép tạo công ăn, việc làm cho nông dân?
- Phải có chính sách đào tạo. Vùng nông thôn không có điều kiện học tập thì phải có chính sách cho người nghèo vay vốn tốt hơn để họ tự rèn luyện trong làm ăn. Có thể sử dụng quỹ hỗ trợ người nghèo để tạo ra nguồn lực tại chỗ cho phát triển kinh tế. Việc đó không khó lắm, chỉ có điều là có làm không.
Còn về vấn đề sức ép phải tạo việc làm cho nông dân do đô thị hoá. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đô thị hoá, nước nào cũng không tránh khỏi những giai đoạn như vậy. Không thể ngay lập tức đưa nông dân vào trong nhà máy. Giải quyết những vấn đề này rất hóc búa, phải có một quá trình.
- Xin cảm ơn ông!
Văn Tiến - Phạm Cường
thực hiện
Ý kiến độc giả:
▪ Mỗi năm, 1.000 lao động có thể sang Italia (21/10/2005)
▪ Trường dạy nghề ở đâu? (18/10/2005)
▪ Thị trường lao động Malaysia đang rất ổn định (17/10/2005)
▪ Hàng trăm ngàn lao động VN sắp sang Trung Đông (17/10/2005)
▪ "Sống chết" với thành đô (15/10/2005)
▪ Tìm nguyên nhân cái chết của một lao động VN tại Đài Loan (12/10/2005)
▪ Tuyển dụng ngày 13-10 (13/10/2005)
▪ Sinh viên IT: Tung hoành trong thương trường (12/10/2005)
▪ Giáo viên vùng sâu được phụ cấp ưu đãi 35-50% (11/10/2005)
▪ Pháp chuyển chiến lược đào tạo đại học (10/10/2005)