(VietNamNet) - Thị trường tuy nhỏ nhưng dành ưu đãi lớn cho lao động nước ngoài này sắp mở cửa với Việt Nam sau một số cuộc gặp mở màn đầy thiện chí. Thông tin riêng của VietNamNet cho thấy, nếu được sự đồng ý của Italia, mỗi năm có thể Việt Nam sẽ đưa được 1.000 lao động sang đây làm việc.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ lao động - thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hằng đã sang làm việc với tại Italia. Tới đây, Bộ trưởng Lao động và Chính sách xã hội Italia Italia Roberto Maroni cũng sẽ sang làm việc tại VN.Trung tâm XKLĐ Tralacen (thuộc Công ty Thương mại và dịch vụ Traenco) là doanh nghiệp đầu tiên tự khảo sát và tìm kiếm hợp đồng tại Italia. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Tralacen cho biết, qua kết quả khảo sát, Italia là thị trường tốt, người dân nước này rất tôn trọng LĐ nước ngoài. Sang Italia làm việc, LĐ nước ngoài được chủ sử dụng đài thọ ăn ở và đóng bảo hiểm.
Một điều đặc biệt khác của thị trường Italia là theo hợp đồng là 3 năm, nhưng nếu làm tốt, chủ sử dụng có thể bảo lãnh cho ở lại đến 6 năm. Nếu hết 6 năm mà làm tốt, chủ có thể tiếp tục bảo lãnh cho ở lại đến khi LĐ tròn 50 tuổi hoặc lâu hơn nữa. Bên cạnh đó, nếu sau 6 năm làm việc, LĐ làm tốt thì chủ sử dụng có thể bảo lãnh để mang cả vợ, chồng hoặc con sang. Trước khi Việt Nam khai thác thị trường này, đã có một số nước châu Á đưa LĐ sang làm việc, và người dân Italia rất quý LĐ châu Á.
Theo nguồn tin riêng của VietNamNet, kinh phí để được sang Italia làm việc cao hơn nhiều so với các thị trường khác. Mức phí các DN tính sơ bộ ban đầu có thể lên tới 6.000 USD (chưa kể tiền đặt cọc). Tuy nhiên, lương của LĐ tại Italia rất cao, từ 1.200 USD trở lên.
Đánh giá của nhiều chuyên gia và DN XKLĐ, Italia là một thị trường đầy tiềm năng đối với lao động VN nhưng khó khăn cũng không ít. Trước tiên, đó là thủ tục nhập cảnh vào nước này rất khó khăn, visa gồm nhiều loại giấy tờ khác nhau.
Hiện đã có một số DN XKLĐ Việt Nam tìm kiếm được hợp đồng với các công ty Italia nhưng chưa mạnh dạn xúc tiến. Bởi Italia là thị trường lao động ''vào'' thì khó nhưng khi đã vào được thì lao động rất dễ trốn. Lao động có thể từ đây sang các nước lân cận vừa dễ tìm việc, vừa lương cao hơn.
Một lãnh đạo DN cho hay, DN đang chờ đợi Nghị định của Chính phủ về vấn đề chống trốn trong XKLĐ ra đời và các thủ tục ổn định. Bỏ trốn đã trở thành căn bệnh trầm kha mà DN nào cũng sợ khi khai thác thị trường mới.
Sắp tới, Bộ trưởng Bộ Lao động và Chính sách xã hội Italia mới sang VN. Theo thông tin ban đầu, có thể mỗi năm Việt Nam đưa sang Italia được khoảng 1.000 lao động, nhưng chỉ tiêu cụ thể và có bao nhiêu DN được tham gia thị trường này phụ thuộc vào chuyến thăm VN của Bộ trưởng Roberto Maroni. Một phần, Italia cần rất ít lao động VN vì nước này chủ yếu là các nhà máy quy mô nhỏ, lại tự động hoá ở rất nhiều khâu trong quá trình sản xuất.
Tuy vậy, nhưng trong thời gian vừa qua, đã có một DN XKLĐ (ở Hà Tĩnh) đã thông báo tuyển dụng lao động sang làm việc tại Italia. Theo một chuyên gia XKLĐ, đây là điều hết sức không nên và dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển dụng.
Thế Lê Vinh
▪ Trường dạy nghề ở đâu? (18/10/2005)
▪ Thị trường lao động Malaysia đang rất ổn định (17/10/2005)
▪ Hàng trăm ngàn lao động VN sắp sang Trung Đông (17/10/2005)
▪ "Sống chết" với thành đô (15/10/2005)
▪ Tìm nguyên nhân cái chết của một lao động VN tại Đài Loan (12/10/2005)
▪ Tuyển dụng ngày 13-10 (13/10/2005)
▪ Sinh viên IT: Tung hoành trong thương trường (12/10/2005)
▪ Giáo viên vùng sâu được phụ cấp ưu đãi 35-50% (11/10/2005)
▪ Pháp chuyển chiến lược đào tạo đại học (10/10/2005)
▪ "Nhân tài đất việt" thực sự thu hút nhân tài (10/10/2005)